Khi xem xét các mô hình kinh doanh trong thời đại công nghiệp 4.0, sự hiện diện của con người dường như đang nhường chỗ cho máy móc và công nghệ.
Theo đó, bên cạnh câu hỏi về sự hữu ích của con người – như một nguồn lực đầu vào cho sản xuất – trong xã hội công nghiệp 4.0, còn có những băn khoăn về vai trò của đạo đức kinh doanh, nhân tố gắn liền với con người, trong bối cảnh mới. Ba câu chuyện ghi nhận từ quan sát thực tiễn kinh doanh dưới đây được kỳ vọng sẽ gợi mở câu trả lời về giá trị của đạo đức trong xã hội hiện đại.
Chuyện thứ nhất
Tháng 10-2018, cùng với một tiến sĩ chuyên nghành khoa học máy tính, chúng tôi có 4 ngày tham dự Diễn đàn Khoa học và Công nghệ trong Xã hội tại Kyoto, Nhật Bản. Để chuẩn bị, phòng nghỉ tại Japaning Hotel được lựa chọn và đặt trước trên Agoda. Vài ngày trước khi tới Kyoto, một email được gửi tới kèm một dãy số và thông báo thủ tục check-in (khai báo và nhận phòng) đặc biệt tại Japaning Hotel. Tin tưởng vào chất lượng dịch vụ Nhật Bản, chúng tôi đáp máy bay tới nước Nhật và tìm tới khách sạn mà không quá bận tâm tới thủ tục đặc biệt này, ngoại trừ một chút tò mò.
Đó là khách sạn nhỏ, nằm trong một ngõ chợ - kiểu giống như chợ truyền thống ở Việt Nam. Khách sạn có 4 tầng. Tầng 1 làm khu tiếp tân. 3 tầng còn lại gồm các phòng ở. Khu tiếp tân gọn và sạch - không quá ngạc nhiên bởi đó Nhật Bản. Điều thú vị là không hề có nhân viên nào ở quầy lễ tân. Thay vào đó, một chiếc iPad được đặt ngay ngắn trên kệ. Màn hình iPad đưa ra chỉ dẫn các bước mà khách lưu trú cần thực hiện để làm thủ tục nhận phòng. (1) Nhập dãy số đã nhận qua email trước đó; (2) Đặt hộ chiếu lên kệ đặt sau iPad, mở đúng trang và bấm nút chụp ảnh trên iPad; (3) Nhận thông tin về số phòng nghỉ và 02 dãy số mật khẩu để mở cửa kính ngăn giữa khu lễ tân với khu ở và mở cửa phòng nghỉ. Tất cả chỉ có vậy. Rõ ràng, gọn gàng, và không một bóng người.
Suốt thời gian ở tại Kyoto, chúng tôi có vài lần gặp các vị khách ở những phòng bên trên hành lang lối đi, và một lần gặp người được thuê tới dọn dẹp. Ngày rời khách sạn, chúng tôi chào chiếc iPad sau khi nhập mã xác nhận trả phòng.
Quãng đường từ khách sạn tới nhà ga trung tâm Kyoto, chúng tôi trao đổi sôi nổi về ứng dụng tuyệt vời của công nghệ 4.0 trong du lịch và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Rất nhiều ưu điểm được liệt kê, nhất là việc tiết kiệm chi phí nhờ giảm thiểu can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ.
Đột nhiên, anh bạn tiến sỹ khoa học máy tính dừng bước, quay sang và nói: “Này, cậu biết không? Chiếc iPad để ở sảnh lễ tân mà ai cũng có thể vào được, lại ở ngay giữa khu chợ, nhưng lại không cần bảo vệ gì và sau bao nhiêu ngày vẫn còn nguyên ở đó.” Quả đúng vậy. chiếc iPad “an toàn” không chỉ trong những ngày chúng tôi ở tại Kyoto mà còn từ trước và chắc chắn cả thời gian dài sau đó. Những người am hiểu về văn hóa và con người Nhật Bản có thể lý giải rằng việc không có mất mát là điều bình thường. Có lẽ vậy. Nhưng đó cũng là sự khẳng định về sự hiện diện của kỷ luật đạo đức trung thực và tự trọng.
Chuyện thứ hai
Những ngày cuối năm 2018, Phan Bá Mạnh – sáng lập An Vui, giải pháp công nghệ quản lý và vận hành thông minh cho các hãng xe khách liên tỉnh – sau khi tới thăm các nhà xe đang ứng dụng phần mềm điều hành An Vui có thuật lại câu chuyện sưởi ấm tình người trong những ngày đông rét đậm của Hà Nội.
Chiều hôm đó, cùng Mạnh thưởng thức cốc trà là ông chủ nhà xe Huy Võ Limousine mới trở về sau một chuyến xe. (Với rất nhiều nhà xe, ông chủ cũng kiêm luôn một vị trí trong đội tài xế.) Những trao đổi xoay quanh ứng dụng phần mềm vào quản lý và vận hành nhà xe ra sao cho hiệu quả bị cắt ngang bởi chị lao công bước vội tới: “Có hành khách để quên ví, đang dọn xe thì chị nhặt được dưới chân ghế số 4.” Đặt chiếc ví vào tay anh chủ kiêm tài xế, chị tất tả trở lại dọn nốt chiếc xe, chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến sau. Anh chủ từ tốn mở ví ra xem. Ước chừng có khoảng 40 triệu cả tiền đồng và USD, cùng với chứng minh nhân dân và bằng lái xe trong ví. Không còn thông tin nào khác. Bày tất cả trên mặt ghế, anh uống nốt cốc trà rồi rút điện thoại và mở ứng dụng An Vui dành riêng cho quản lý nhà xe. Sau vài lần chạm màn hình, cuộc gọi được kết nối: “Xin lỗi, có phải anh Bắc không ạ? … Anh ơi, anh có quên cái ví trên xe. Bên em vừa thấy khi dọn xe. Mời anh lúc nào qua để anh nhận lại. Anh liên hệ với em theo số này ạ.” Chụp một tấm ảnh chiếc ví đặt trên mặt ghế, - chắc để gửi cho vị khách ở đầu kia yên tâm – anh gọi thêm cốc trà và quay lại câu chuyện đang còn dở.
Không dấu vẻ ngạc nhiên, Mạnh hỏi ngay: “Sao bác tài thế? Sao bác biết số anh Bắc mà gọi phát đúng luôn?” – “Ô hay, thì trong phần mềm của em ấy. Nó có luôn vị trí và thông tin của khách. Anh vào phần mềm kiểm tra, thấy vị trí ghế số 4 có tên là “Bắc mật” và có số điện thoại nên gọi luôn thôi.” Hai anh em nhìn nhau trong một thoáng rồi cùng cười phì. Cả người làm phần mềm và người chủ nhà xe chưa từng nghĩ tới “tiện ích báo nhận đồ thất lạc” này.
Niềm vui của những con người lao động trung thực và tự trọng – từ chị lao công, tới anh chủ nhà xe, và anh kỹ sư phần mềm – thổi ấm mùa đông.
Chuyện thứ ba
Trước thềm năm mới 2019, chúng tôi có bữa tối thân mật trong không gian ấm áp tại tầng trệt của một khách sạn nhỏ bên bờ biển Cẩm An, Hội An. HẠT – Wabi Sabi Hotel Hoi An mang phong cách thiết kế tối giản. Nét độc đáo của HẠT là sử dụng nhiều vật dụng và họa tiết của đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc. Một sự khác biệt rất rõ ràng giữa một khu phố “Tây” với đa số khách sạn và nhà hàng có kiến trúc hiện đại, được sở hữu và điều hành bởi những người chủ nước ngoài.
Khi từng đĩa thức ăn với thực đơn giàu tính kiềm và trang trí đẹp mắt được bày lên, cũng là lúc câu chuyện chuyển từ chủ đề “ăn để khỏe” sang đầu tư và thúc đẩy các mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội. Chị chủ khách sạn – chính là người vừa tự tay nấu và trình bày món ăn- cũng rời căn bếp - được thiết kế mở để mọi thực khách đều có thể quan sát quá trình chuẩn bị đồ ăn - tham gia trao đổi. Là một kiến trúc sư đã thiết kế hàng chục căn hộ cho khách nước ngoài thuê lại tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, cũng tự thiết kế, trông nom xây dựng, và làm đồ nội thất cho HẠT, thời gian cuối năm này, chị đang tìm ý tưởng và lên kế hoạch xây dựng cơ sở thứ hai cho chuỗi khách sạn HẠT.
Mong muốn tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa bản địa của vùng miền núi phía Bắc trong không gian biển miền Trung, chị chủ có một băn khoăn. Đồng bào thiểu số làm ra nhiều sản phẩm đẹp, được du khách quốc tế ưa chuộng. Tại khách sạn mới, chị đang suy tính tạo một khu xưởng để không chỉ bán mà còn cho du khách tự tay làm các sản phẩm truyền thống theo hướng dẫn của chính các nghệ nhân dân tộc thiểu số. Nhưng làm sao các du khách có thể tương tác với những nghệ nhân cách xa cả ngàn cây số và quan trọng hơn là chia sẻ lợi nhuận từ dịch vụ trải nghiệm văn hóa dân tộc với chính các nghệ nhân bản địa? Không hề khó với những ứng dụng công nghệ của năm 2018.
Du khách, trong lúc làm các sản phẩm dân tộc truyền thống như dệt thổ cẩm hay vẽ sáp ong – hoàn toàn có thể trò chuyện, được hướng dẫn và quan sát trực tiếp các nghệ nhân thao tác qua màn hình kết nối của các ứng dụng truyền hình trực tuyến. Mỗi nghệ nhân cũng sẽ được hướng dẫn mở một tài khoản giao dịch thanh toán trực tuyến cùng mã QR riêng. Sau mỗi buổi trải nghiệm làm sản phẩm, du khách có thể lựa chọn trả học phí hoặc tặng tiền tip cho nghệ nhân bằng cách quét mã QR và chuyển tiền trực tiếp. Hạ tầng công nghệ ứng dụng truyền thông và thanh toán để viễn cảnh trên trở thành hiện thực rất phong phú. Năng lực làm sản phẩm, hướng dẫn thực hành, khai thác ứng dụng công nghệ của các nghệ nhân dân tộc cũng đầy đủ. Nỗ lực kết nối và hỗ trợ triển khai giữa khách sạn tại Hội An và các nghệ nhân, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số hoàn toàn sẵn sàng. Nhưng sự chủ động và quyết tâm phát triển dịch vụ kinh doanh đem lại lợi ích hài hòa cho tất cả các nhân tố của chuỗi giá trị từ tấm lòng của chị chủ khách sạn - kiêm kiến trúc sư và người nấu bếp – là yếu tố tiên quyết khởi động mô hình kinh doanh tác động này.
Rôm rả với những sản phẩm và ý tưởng kinh doanh khai thác tài nguyên bản địa cùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi nhìn lên dòng chữ kẻ to trên bức tường của nhà bếp “Food for the Soul” – “Thực phẩm cho Tâm hồn.” Tiếng cười giòn tan khi chị chủ nhà kể lại việc mới tối hôm trước chị đã cương quyết chỉ bán 2 đĩa đồ ăn cho một thực khách nước ngoài thay vì 4 đĩa như yêu cầu. “Mình bảo cậu ta chỉ ăn 2 đĩa thôi, ăn tới 4 đĩa thì ăn xong sẽ mệt, không tốt cho sức khỏe.. Ban đầu cậu ấy không chịu nhưng mình nói nếu không đồng ý thì mời qua quán khác nên cũng đồng ý. Thấy cậu ấy ăn xong 2 đĩa rồi vẫn còn thòm thèm quá nên mình đành làm thêm 1 đĩa nhỏ nữa.. Hai ngày sau cậu ấy lại quay lại ăn tối.” Giá trị đạo đức được trình bày và tuân thủ kỷ luật. Niềm tin về một không gian trải nghiệm văn hóa bản địa dân tộc thiểu số với lợi ích kinh tế được chia sẻ hài hòa nhờ ứng dụng thành công nghệ công nghệ trở nên lớn hơn.
Đạo đức kinh doanh, hay những kỷ luật đạo đức căn bản của con người, là nền tảng cho ứng dụng và thành công của công nghệ 4.0.