IoT có thể làm thay đổi phương thức hoạt động của máy bay - từ việc cất cánh, hạ cánh cho tới cách thức bảo dưỡng, giúp máy bay hoạt động thông minh và hiệu quả hơn.
Internet of Things (IoT) - Internet của vạn vật - đang làm thay đổi thế giới. Trao đổi với phóng viên
Báo Khoa học & Phát triển, ông Carl Esposito - Phó Chủ tịch Quản lý sản phẩm và Tiếp thị, Honeywell Aerospace nói: IoT có thể làm thay đổi phương thức hoạt động của máy bay - từ việc cất cánh, hạ cánh cho tới cách thức bảo dưỡng, giúp máy bay hoạt động thông minh và hiệu quả hơn.
Ông nhận xét thế nào về tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ hàng không hiện nay?
Cùng với sự phát triển của truyền thông vệ tinh và việc chuyển đổi từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital), mỗi chuyến bay ngày nay có thể chứa tới hàng trăm gigabytes dữ liệu.
Khối lượng dữ liệu khổng lồ này có thể làm thay đổi phương thức hoạt động của máy bay - từ việc cất cánh, hạ cánh cho tới cách thức bảo dưỡng, giúp máy bay hoạt động thông minh và hiệu quả hơn.
Việc các dữ liệu này được lưu giữ tại các phần khác nhau của máy bay, cũng như trong hệ sinh thái rộng lớn đang tạo nên một thách thức lớn. Chỉ có một phần nhỏ của dữ liệu được truyền tải tới những người liên quan khi cần thiết để xử lý các dữ liệu theo cách tốt nhất.
Ngày nay, các máy bay đã trở thành những thiết bị di động với việc kết nối thông tin được thực hiện nhanh chóng. Trong thời đại kết nối toàn cầu, việc cách mạng hóa dữ liệu máy bay để gia tăng hiệu quả hoạt động là điều hoàn toàn có thể.
Nhưng thế nào là máy bay kết nối (IoT), thưa ông?
Kết nối chính là làm cách nào để sử dụng các dữ liệu máy bay một cách tốt nhất. Tính an toàn và hiệu quả của chuyến bay có thể được nâng cao nhờ sự sẵn sàng của dữ liệu.
Ví dụ, thông tin về thời tiết thường bị phát tán ở các vùng địa lý khác nhau trên thế giới, gây ảnh hưởng không tốt tới hành khách và hành trình bay, đặc biệt khi máy bay đi qua khu vực thời tiết xấu. Nhờ dữ liệu thời tiết theo thời gian thực hoặc khả năng thu nhận thông tin thời tiết trên nhiều kênh khác nhau, phi công sẽ có thể thao tác dựa trên điều kiện thời tiết tốt nhất.
Điều này giúp chuyến bay trở nên suôn sẻ và các kế hoạch bay sẽ được tối ưu hóa tốt hơn. Đồng thời, các hệ thống kết nối băng thông rộng như GX Aviation giúp ngành công nghiệp hàng không dễ tiếp cận hơn với các công nghệ tiên tiến như băng thông rộng, lưu trữ và xử lý dữ liệu. Điều này sẽ giúp việc kiểm soát, tổng hợp và phân tích dữ liệu các phần khác nhau trong máy bay (như phanh, động cơ phụ (APU), các chi tiết máy móc…) dễ dàng hơn, là điều mà trước đây chưa thể thực hiện được.
Trong vận hành hàng không, đôi khi vẫn xảy ra những sự cố ngoài mong muốn. Với máy bay kết nối, việc xử lý những sự cố kỹ thuật sẽ như thế nào?
Một khi dữ liệu từ hệ thống cơ khí như phanh tay hay động cơ phụ có thể kết nối với hệ thống điện tử (như hệ thống quản lý bay), chúng ta có thể tạo ra các tính năng thông minh và an toàn hơn để phục vụ cho hoạt động của các hãng hàng không.
Trong một số tình huống, máy bay có thể gặp phải lỗi kỹ thuật trong vòng một tiếng sau khi cất cánh. Nhưng hệ thống hiện tại chưa đủ khả năng để ghi nhận sự cố theo thời gian thực.
Với hệ thống mới, những thông tin quan trọng như vị trí của máy bay và thông tin về sự cố sẽ được chuyển tới trung tâm dịch vụ thông qua liên lạc vệ tinh. Các nhân viên sẽ phát hiện ra lỗi và sửa chữa ngay khi máy bay hạ cánh.
Ngoài khía cạnh bảo dưỡng, việc cải thiện kết nối sẽ cho phép trao đổi thông tin dễ dàng giữa các máy bay trên bầu trời. Điều này giúp cho các phi công, hành khách và nhân viên trên chuyến bay có thể duy trì việc liên lạc và xử lý các vấn đề một cách hiệu quả nhất dựa vào nhiệm vụ được giao. Về bản chất, máy bay được coi như một hệ thống vận hành phát triển các ứng dụng.
Việc cải thiện kết nối cũng giúp tạo nên một trải nghiệm sâu rộng và toàn diện. Ví dụ, hệ thống buồng lái sẽ nhận biết các chi tiết tình huống như vị trí của máy bay, mục đích chuyến bay, các hạn chế về không gian bay hoặc thông tin về chặng bay.
Các thông tin này sẽ được cập nhật thường xuyên và chia sẻ giữa các phi công trong khu vực lân cận, giúp các phi công có thông tin rõ ràng nhằm đưa ra các quyết định đúng đắn.
Quá nhiều yếu tố kỹ thuật, theo ông, làm cách nào để tiếp cận máy bay kết nối dễ dàng hơn?
Nhằm hướng tới các ứng dụng cũng như trải nghiệm này, máy bay kết nối cần phải phát triển các tính năng khác nữa ngoài tính năng liên lạc kể trên, bao gồm cả liên lạc vệ tinh hay lộ trình không dây.
Tập đoàn Honeywell đang nghiên cứu các tính năng trên; phát triển các thiết bị, phần mềm và hệ thống kết nối mới. Điều này sẽ giúp giảm thiểu việc trễ chuyến bay, cải thiện bảo trì và tiết kiệm chi phí cho các hãng bay.
Ngành vũ trụ đang chuyển mình trước việc kết nối dữ liệu ngày càng dễ dàng hơn và mức độ đa dạng của dữ liệu ngày càng cao. Tương lai của ngành phụ thuộc vào cách chúng ta phát triển các phương tiện và kỹ thuật mới, là chìa khóa thành công của máy bay kết nối.
Cùng với những gì mà Internet và hệ thống kết nối tốc độ cao mang lại cho người dùng và doanh nghiệp, máy bay kết nối sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp hàng không.
Xin trân trọng cảm ơn ông!