Vừa qua, Hiệp hội Viễn thông hàng không quốc tế (SITA) tiến hành một cuộc khảo sát xu hướng công nghệ hành khách năm 2015 với sự tham gia của 200 hãng hàng không trên thế giới.
Đáng chú ý nhất là việc phần lớn các hãng đều dành sự quan tâm đặc biệt đến “làn sóng” Internet of Things (IoT). Cụ thể, 86% các hãng kỳ vọng IoT sẽ mang lại lợi ích rõ ràng cho họ trong 3 năm tới, 37% trong số này tiết lộ họ sẽ đầu tư để nghiên cứu và phát triển cho IoT.
Cuộc khảo sát cho thấy ngành hàng không đã sẵn sàng khai thác các lợi ích của IoT và trong 3 năm tới, hơn một nửa các kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực này sẽ được tiến hành. Đến năm 2018, 16% các hãng lên kế hoạch cho dự án đầu tư lớn về IoT, trong khi 41% tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Ông Jim Peters - Giám đốc công nghệ của SITA - cho biết: “Thế giới kết nối ngày càng sâu rộng và các hãng hàng không đã nhận ra việc đầu tư là cần thiết để khai thác các lợi ích của IoT. Năm nay, các hãng đều tăng cường những khoản đầu tư cả về mảng kinh doanh thông minh lẫn mảng dữ liệu - những nền tảng cơ bản của IoT”.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên đánh đấu sự xuất hiện của IoT trong ngành công nghiệp vận tải hàng không là việc sử dụng các hệ thống đèn tín hiệu, cảnh báo. Ngày nay, chỉ khoảng 9% số hãng dùng hoặc thử nghiệm các hệ thống cảnh báo. Tuy nhiên, đến năm 2018 con số này tăng lên mức 44%.
Lĩnh vực tiếp theo đón nhận làn sóng IoT sẽ là dịch vụ nhận và trả hành lý. Đây được dự báo sẽ là lĩnh vực được áp dụng IoT nhiều nhất với 44% các hãng hàng không có kế hoạch triển khai trong việc gửi hành lý và 43% trong việc trả hành lý. Đây là điều dễ hiểu bởi nó là quá trình mà các hãng hàng không có quyền kiểm soát trực tiếp. Quan trọng hơn, đây chính là ví dụ trực quan sinh động nhất để các hãng chứng minh cho khách hàng thấy họ chú trọng đầu tư vào công nghệ mới nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
IoT là Internet của vạn vật, cho phép theo dõi, thu thập dữ liệu, phân tích và kiểm soát. Đối với ngành vận tải hàng không, cấu phần của IoT sẽ bao gồm tất cả các thiết bị ở sân bay được kết nối như các tòa nhà, các thiết bị, hành lý, các loại xe kéo - đẩy, vận chuyển… Một phần quan trọng nữa là đội ngũ nhân viên sân bay và hành khách - đối tượng mà theo thống kê - hiện có đến 83% sử dụng điện thoại thông minh. |
Việt Anh