Sau khi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như người dân Việt Nam, các nhà khoa học đến từ Đại học công nghệ Sydney đã chế tạo ra màng lọc arsen kiểu mới, giúp nhiều người tránh được ung thư.

Vấn đề ung thư do bị nhiễm độc arsen khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở 70 quốc gia trên thế giới, với khoảng 137 triệu người nằm trong danh sách có thể bị ảnh hưởng. Ngộ độc arsen diễn ra khá chậm nên nhiều người vẫn vô tư sử dụng mà không biết tác hại của việc này.

Sau một thời gian dùng nước nhiễm độc, nạn nhân có thể mắc nhiều loại ung thư khác nhau hoặc bị bệnh có liên quan tới đường tiêu hóa.

Những công nghệ loại bỏ arsen từ nước ngầm đang sử dụng như công nghệ thẩm thấu ngược hay trao đổi sắt đang tỏ ra quá đắt và không hiệu quả, vì thế chúng ít được sử dụng ở những quốc gia thực sự cần chúng như Việt Nam và Bangladesh.

Mô hình máy lọc arsen từ nước ngầm ô nhiễm.
Mô hình máy lọc arsen từ nước ngầm ô nhiễm.

Thực tế này có thể sẽ được thay đổi với sáng chế mới của các nhà khoa học đến từ trường Đại học công nghệ Sydney Australia.

Theo thiết kế, máy lọc arsen từ nước có 3 phần chính: một màng lọc hữu cơ, một thùng chứa màng lọc và một hộp có khả năng hấp thụ, được làm từ chất thải công nghiệp dễ kiếm.

Chiếc màng lọc có khả năng lọc arsen cũng như là các vi khuẩn và cặn từ nguồn nước ngầm ô nhiễm. Sau 3 năm sử dụng, chúng ta phải thay màng. Trong khi đó, những hộp hấp thụ arsen thì phải thay thường xuyên mỗi 3 đến 6 tháng. Sau khi thay, những hộp này có thể được dùng làm vật liệu xây dựng và vẫn đảm bảo an toàn.

Cả hệ thống lọc có thể được vận hành bởi năng lượng lấy từ trọng lực hoặc năng lượng mặt trời hoặc bằng bơm tay.

Điểm đặc biệt của sản phẩm này là nó sử dụng công nghệ khá đơn giản và rẻ tiền (khoảng 500 USD). Ngoài ra, nó có thể được sản xuất, lắp đặt và bảo trì lại nơi sản xuất (có thể là ở Việt Nam) và vì thế nó sẽ tạo ra việc làm cho người dân địa phương.