Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng vừa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công thiết bị lọc nước cơ động dạng mô-đun có thể lọc các loại nước mặt thành nước sạch sinh hoạt và nước tinh khiết.
Với kết cấu dạng mô-đun, thiết bị có tính cơ động cao, rất thuận tiện cho bộ đội sử dụng trong huấn luyện dã ngoại, sẵn sàng chiến đấu.
Một ngày cuối tháng 5, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng bên hồ Nghĩa Tân (Hà Nội), vẫn có đông người dân đến chứng kiến các nhà khoa học của Viện Công nghệ mới trình diễn hoạt động của thiết bị lọc nước cơ động dạng mô-đun.
Được sự hướng dẫn của các cán bộ Viện Công nghệ mới, ông Nguyễn Văn Hà, một người dân đã mạnh dạn uống ngay cốc nước tinh khiết vừa từ máy lọc ra. Sau khi uống nước, ông Nguyễn Văn Hà bày tỏ: "Nước hồ rất đục, nhưng qua thiết bị lọc đã trong vắt, uống thử có cảm giác như uống nước khoáng đóng chai. Thật tuyệt!"
Theo Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Cao Tuấn, Trưởng phòng Thực nghiệm và chuyển giao công nghệ, Viện Công nghệ mới, chủ nhiệm đề tài: "Đây là thiết bị lọc nước quy mô cấp tiểu đoàn, có thể phục vụ 500 người; công suất lọc 3,5m3nước sạch sinh hoạt/giờ và 250 lít nước tinh khiết/giờ với hầu hết các nguồn nước mặt. Giá thành khoảng 4.500 đồng đến 5.000 đồng/m3nước sạch...".
Trừ một số màng lọc đặc biệt phải nhập ngoại, thiết bị cơ bản được chế tạo từ nguồn vật tư trong nước. Thiết bị đã được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt về tính năng kỹ chiến thuật và đã trang bị cho Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 sử dụng rất hiệu quả.
Được biết từ nhiều năm trước, Viện Công nghệ mới đã nghiên cứu chế tạo thành công xe lọc nước cơ động. Vậy giữa thiết bị lọc nước cơ động dạng mô-đun và xe lọc nước cơ động trước kia có gì khác nhau? Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ mới cho chúng tôi biết:
- Thời gian qua, xe lọc nước cơ động đã thể hiện hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong thực tiễn huấn luyện, diễn tập... của bộ đội, có nhiều địa điểm xe lọc nước không thể vào được do đường cơ động rất khó khăn, vì thế bộ đội không có nước sạch để sử dụng.
Thiết bị lọc nước cơ động dạng mô-đun giải quyết được bất cập này vì có thể dễ dàng tháo rời thành từng bộ phận nhỏ và vận chuyển nhờ công sức của bộ đội.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, thiết bị lọc nước cơ động dạng mô-đun sử dụng năng lượng điện từ điện lưới hoặc máy phát điện,gồm các bộ phận: Mô-đun keo tụ, tạo bông và lắng; mô-đun lọc thô; mô-đun hấp phụ và khử trùng; mô-đun lọc nước ăn, uống. Mỗi mô-đun có khối lượng khoảng 150kg.
Thiết bị được vận chuyển trên xe nhưng khi gặp khó khăn về đường cơ động, 4 chiến sĩ có thể vận chuyển thủ công dễ dàng. Thời gian triển khai thiết bị tại hiện trường ngắn, chỉ khoảng 25 phút, rất thuận tiện trong sử dụng.
Thiết bị có thể lọc hầu hết các nguồn nước mặt mà bộ đội gặp trên đường hành quân. Qua phân tích, sản phẩm nước sạch sinh hoạt sau khi lọc đạt QCVN 02/2009/BYT; sản phẩm nước tinh khiết đạt QCVN 01/2009/BYT của Bộ Y tế.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt, nhất là với bộ đội thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa... có xu hướng ngày càng gia tăng. Qua khảo sát, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự nhận thấy, nhu cầu được cung cấp thiết bị lọc nước cơ động của các đơn vị trong toàn quân là cấp thiết.
Đây chính là động lực để các nhà khoa học của Viện dành thời gian, công sức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị lọc nước phù hợp nhằm mục đích cung cấp nước sạch cho bộ đội, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đại tá Dương Nhật Dân, Chủ nhiệm Chính trị Viện Khoa học và Công nghệ quân sự cho biết, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, chế tạo các thiết bị lọc nước cơ động dạng mô-đun với công suất khác nhau, phù hợp với từng loại hình, quy mô đơn vị và đề nghị Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần,Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất để cung cấp cho các đơn vị, phục vụ bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Trực tiếp chứng kiến buổi trình diễn và làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ quân sự về việc nghiên cứu, chế tạo thiết bị lọc nước cơ động, Thiếu tướng Đỗ Năng Tĩnh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần bày tỏ đồng tình và chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần nghiên cứu trang bị cho một số đơn vị sử dụng thử nghiệm và sớm đánh giá, tổng kết, nếu kết quả tích cực sẽ đề nghị cấp trên trang bị rộng rãi cho các đơn vị trong toàn quân.