Sáng kiến tổ chức cuộc thi makeathon của dự án TOM đến từ Israel đã hóa giải được thách thức này và tạo ra một sân chơi toàn cầu xây dựng kho giải pháp công nghệ cho cộng đồng người khuyết tật trên khắp thế giới.
Arnon Zamir - Giám đốc phụ trách đổi mới của TOM (viết tắt của cụm từ Tikkum Olam Makers) - đón đoàn nhà báo quốc tế tại một co-working space (không gian làm việc chung) nằm ở ngoại ô thành phố Tel Aviv.
“Dự án TOM của chúng tôi chỉ có 7 người và đều làm việc trong tòa nhà này. Mục tiêu của chúng tôi là cải thiện cuộc sống cho 250 triệu người khuyết tật trên toàn cầu trong vòng 10 năm; nhưng chúng tôi chỉ có từng đó người thôi và giải pháp chính là các makeathon tổ chức ở khắp các nước” - Arnon giới thiệu.
Các nhà sáng chế tham gia makeathon tại Mỹ năm 2015 với sản phẩm cánh tay điện tử.
Ảnh: TOM
Cũng theo Arnon Zamir, mỗi cuộc thi makeathon đều có format chung diễn ra trong vòng 72 giờ, trong đó các đội chơi được cung cấp những phương tiện cần thiết để có thể sáng chế ra những sản phẩm công nghệ giá rẻ, giúp giải quyết các khó khăn cụ thể mà người khuyết tật phải đối mặt hằng ngày. Chính người khuyết tật cũng được mời tham gia các đội chơi để trực tiếp phát triển sản phẩm dành cho mình chứ không chỉ đơn thuần là thụ hưởng.
Đối tượng tham gia các makeathon gồm cả những người sáng chế chuyên nghiệp và các sinh viên theo học ngành kỹ thuật. Họ sử dụng các nguyên liệu như đồ gia dụng, máy tính, dụng cụ âm nhạc, máy ảnh, máy in hay thậm chí là đồ ăn, thức uống để tạo ra sản phẩm hoặc giải pháp công nghệ cho người khuyết tật. Họ cũng có thể mặc sức “nhào nặn” những sản phẩm hoặc công nghệ sẵn có để tạo ra thứ mới có ích cho những người kém may mắn.
Arnon cho biết, tính từ năm 2014 đã có hàng chục makeathon diễn ra tại Israel, Mỹ, châu Âu, Australia và cả Việt Nam, tạo ra tổng cộng 204 sản phẩm công nghệ phục vụ người khuyết tật như cánh tay điện tử, thiết bị giúp người bị liệt leo cầu thang, xe lăn giá rẻ... Tất cả thiết kế sản phẩm và mô tả giải pháp công nghệ qua các đợt makeethon đều được đăng tải đầy đủ trên trang web của dự án TOM. Mọi cá nhân và doanh nghiệp trên thế giới đều có thể sử dụng miễn phí kho sáng chế này để sản xuất hoặc tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
“Thật khó để kêu gọi giới chuyên gia, nhà sáng chế chuyên nghiệp bỏ việc và dành toàn tâm tạo ra các sản phẩm công nghệ cho người khuyết tật; nhưng đề nghị họ giúp đỡ bằng cách bỏ ra một vài giờ mỗi ngày hoặc tham gia một hoạt động sáng chế cụ thể như makeathon là việc hoàn toàn khả thi” - Arnon Zamir nói thêm.
Sáng kiến makeathon của TOM hiện mang quy mô một phong trào toàn cầu, có sứ mệnh kết nối những người khuyết tật với cộng đồng sáng chế, qua đó từng bước tạo ra một kho sáng chế và giải pháp công nghệ giá rẻ giúp người khuyết tật vượt qua những khó khăn thường nhật và hòa nhập xã hội. Mỗi đợt makeathon do TOM tổ chức với sự tài trợ của các chính phủ và doanh nghiệp thường thu hút đông đảo nhà sáng chế tham gia. Trong đó, kỷ lục là sự kiện diễn ra tại Israel hồi đầu năm 2017 thu hút gần 200 người.
Giải thích cho sức hút của makeathon, Arnon Zamir cho rằng: “Khi tham gia hoạt động này, các nhà sáng chế trẻ hay sinh viên có thể vừa giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như một cách đóng góp cho cộng đồng, vừa có cơ hội quý giá để học hỏi từ những cố vấn viên giàu kinh nghiệm thông qua quá trình thiết kế và tạo mẫu sản phẩm”.
Sáng kiến makeathon của TOM cũng nhận được sự quan tâm từ các ông lớn trong làng công nghệ thế giới như Google cam kết tài trợ 700.000USD trong năm 2016. Những hỗ trợ tài chính và sự đóng góp của cộng đồng các nhà sáng chế đang tiếp sức cho TOM thực hiện sứ mệnh như trong tên gọi của mình là Tikkum Olam (“làm cho thế giới tốt đẹp hơn” theo tiếng Do Thái) và lan tỏa tinh thần sáng tạo phục vụ mục đích nhân đạo trên toàn cầu.