Một nhóm chuyên gia kỹ thuật tại Úc đang theo đuổi giải pháp lưu trữ năng lượng nghe khá khác thường: tận dụng những bộ phận không ăn được của trái cây.
Lưu trữ là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc chuyển đổi hạ tầng năng lượng – hiện phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch – sang xu hướng sạch và bền vững. Theo một bài báo công bố trên Tạp chí Journal of Energy Storage hồi tháng 12/2019, nhiều nhà nghiên cứu đang tìm đến rác thải sinh học (biowaste) như một giải pháp tiềm năng.
Họ đã thực hiện nhiều thí nghiệm trên bã mía, vỏ dưa hấu, vỏ bưởi, và cả bột giấy … để tìm ra phương pháp chế tạo ultracapacitor (siêu tụ điện) – thiết bị lưu trữ năng lượng có mật độ cực cao – từ mít và sầu riêng.
Nhằm tận dụng những phần bỏ đi của trái cây, các kỹ sư đã biến chúng thành aerogel – một dạng vật liệu siêu nhẹ, rỗng và xốp. Để đạt được điều đó, họ đã xử lý nhiệt trước, sau đó sấy thăng hoa phần lõi xốp, không ăn được của cả mít lẫn sầu riêng, rồi bổ sung thêm oxide kim loại – quy trình được mô tả rất chi tiết trong công bố.
Sản phẩm aerogel thu được rất giàu carbon, thoạt nhìn trông giống miếng bánh mì nướng hình dạng tổ ong, nhưng lại có khả năng sạc và xả dòng điện một cách ổn định, liên tục. Kết quả này đã hé mở tiềm năng chế tạo các thiết bị lưu trữ năng lượng ít phụ thuộc vào loại pin làm từ kim loại [tương đối] độc hại, và hơn nữa là không để lãng phí phần trái cây bỏ đi.
Hiện chưa rõ khả năng nhận rộng của quy trình này, bởi việc chế tạo các siêu tụ điện cũng phụ thuộc nhiều vào khối lượng nguyên liệu (trái cây). Nhưng so với một số phương án khai thác và lưu trữ năng lượng khác mà chúng ta hiện vẫn đang áp dụng, việc xử lý rồi tận dụng phần ruột trái cây thay vì vứt đi, không thể bàn cãi, thực sự chính là một phương án sạch và bền vững. Vấn đề ở đây chỉ còn là kế hoạch ứng dụng hiệu quả cho mục đích tốt.
Nguồn:
Hải Đăng (theo Futurism)