Từ lâu, khoa học đã biết đến những lợi ích về mặt tâm lý do những người bạn đồng hành "số hóa" mang lại.
Năm 2015, Tờ New York Times phát hành phim tài liệu ngắn mang tên “Cái chết của chú chó robot”. Bộ phim theo chân Michiko Sukurai, chủ nhân của chú chó Aibo – dòng chó robot mà Sony bày bán trong giai đoạn từ 1999 đến 2006. Và đến nay, những người chủ như Sukurai đã chịu một mất mát vô cùng lớn khi Sony công bố dừng sửa chữa các robot thú cưng từ năm 2014. Tức là nếu “thú cưng” bị hỏng, họ sẽ có nguy cơ phải chia tay chúng vĩnh viễn.
Quyết định trên của Sony đã khiến những người chủ vô cùng hoang mang. Ví dụ như Sukurai, cô phải trải qua đấu tranh tinh thần để chấp nhận sự thật rằng người bạn đồng hành cô yêu quý trong suốt quá trình trưởng thành, mà cô tưởng sẽ không bao giờ chết, sẽ có thể rời xa cô.
Nhưng câu chuyện của chó Aibo vẫn chưa kết thúc ở đây. Trong một cuộc họp báo tổ chức vào tháng 11 năm 2017, Sony đã đưa ra quyết định bất ngờ. Dòng chó robot trứ danh Aibo sẽ được hãng tái sản xuất, mang những đặc tính hấp dẫn của công nghệ điện tử hiện đại: mắt bằng đèn OLED, tích hợp công nghệ 4G LTE, nhận diện khuôn mặt. Cuối cùng thì những chủ nhân của Aibo cũng có thể tạm yên tâm về “người bạn trọn đời” của mình. Phản ứng tương tự cũng diễn ra trong video Sparky, video về chú chó robot cùng tên do Futurism Studio và DUST sản xuất.
Có thể thấy, trong thế giới của vật nuôi điện tử,câu chuyện của Michiko Sukurai không phải là hiếm có. Các nhà khoa học từ lâu đã hiểu được lợi ích về mặt tâm lý của những “người bạn đồng hành” điện tử này. Các nghiên cứu liên quan đã cho thấy những robot vật nuôi có thể cải thiện tình trạng cô đơn ở người già, tạo động lực tích cực cho học sinh sống trong các cộng đồng bị cô lập và còn cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân mắc chứng suy giảm trí nhớ. Mặc dù vậy, nhiều người hãy còn băn khoăn: Liệu robot thú cưng có tốt như con vật thật?
Hẳn nhiên những con robot đời cũ không thể so sánh được với vật thật. Năm 2009, một chuỗi các nghiên cứu được thực hiện trên cảm xúc của trẻ em khi tiếp xúc với chó Aibo và chó thật. Dù những đứa trẻ có suy nghĩ, cảm nhận và nhận thức được giá trị xã hội ở Aibo, nhưng lại để tâm và yêu quý chó thật hơn hẳn. Tuy nhiên, điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi thiết kế của Aibo thời đó còn quá đơn giản, đến mẫu hiện đại nhất cũng chỉ có bộ nhớ 128MB, chưa đủ để lưu một album ca nhạc. Còn từ 2006 đến nay, ngành điện tử học đã không ngừng phát triển nhanh chóng nhờ những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo, học máy và vi xử lý.
Trong tương lai, vẫn chưa thể chắc chắn liệu những thú cưng điện tử có tốt như con vật thật hay không. Để tìm ra lời giải, đầu tiên cần xác định điều gì khiến chó được con người yêu quý. Theo Ronald Arkin, giám đốc Phòng thí nghiệm Robot Di động tại Viện Công nghệ Georgia, sự đáng yêu của chó và thú cưng có thể lý giải được nhờ sinh học cơ bản. Con người yêu quý động vật bởi các hành vi của chúng. Là một nhà khoa học người máy, ông Arkin đã nghiên cứu tâm lý con người và luôn nỗ lực thiết kế các hệ thống đem lại cho những chủ nhân thú cưng robot sự thỏa mãn và tương tác tối đa.
Arkin gọi mảng nghiên cứu này là “phong tục học mô phỏng bắt chước hành vi ” và đã theo đuổi trong nhiều năm, tin rằng mọi khía cạnh của hành vi ở động vật sống như cử động, cảm xúc, thậm chí cả sự sống chết đều có thể được bắt chước bởi các robot con vật. Ông cho biết bản thân đã được trao bằng sáng chế về cảm xúc của robot và đang trong quá trình mô phỏng các cảm xúc như tội lỗi, xấu hổ và đồng cảm trên robot để chứng minh cho lý thuyết của mình. Mục tiêu của Arkin không chỉ dừng lại ở một chú chó robot giống như chó thật mà còn phải tốt hơn cả vật thật nữa.
Dù vẫn phải chờ một tương lai khá xa để Arkin tạo ra phiên bản chó robot hoàn hảo của mình, ông vẫn rất mong chờ nhìn thấy con đường phát triển của lĩnh vực mình nghiên cứu, và những người chủ như Sakurai có nhiều hi vọng hơn về thế hệ vật nuôi tương lai.