‘Bắt bệnh’ xe ô tô từ xa
Tại Triển lãm giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng mới đây tại Hải Phòng, rất nhiều khách tham quan bị thu hút bởi một thiết bị có thiết kế nhỏ gọn, chỉ bằng ½ chiếc điện thoại smartphone thông thường nhưng được giới thiệu là “bác sĩ” cừ khôi có thể chẩn đoán và bắt bệnh của tất cả các loại xe khác nhau. Đó là thiết bị định vị ôtô BK88 của công ty CP Thiết bị điện – điện tử Bách khoa Hải Phòng.
Ông Hà Quang Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty CP Thiết bị điện, điện tử Bách khoa vui vẻ cho biết: mặc dù thiết bị nhỏ nhưng có “võ” vì vẫn được tích hợp đầy đủ đầu đọc thẻ, ăng ten GSM được kết nối với hệ thống vệ tinh GPS của Mỹ và Glonass của Nga bên trong, vì vậy tín hiệu kết nối nhanh hơn, ổn định hơn, khắc phục triệt để tình trạng mất tín hiệu định vị giống như các thiết bị định vị hiện nay.
Điểm nổi bật của thiết bị là được tích hợp thêm tính năng phát hiện lỗi của xe ô tô để kịp thời sửa chữa. Thiết bị có khả năng kết nối với tất các cả hộp đen của xe ô tô giúp chủ xe và lái xe đọc được mã lỗi xe khi xe bị hỏng ở bất cứ đâu thông qua mạng Internet; đồng thời chủ động việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe phục vụ bảo dưỡng sớm, kịp thời tránh tình trạng không biết do không có cảnh báo dẫn đến xe hư hỏng quá nặng.
BK88 có khả năng “giao tiếp” với hộp đen của xe ô tô và khai thác các thông tin mà khách hàng mong muốn để quản lý. Nó giống như bác sĩ khi khám bệnh cho bệnh nhân với các câu hỏi như: tình hình sức khỏe của bạn như thế nào? Bạn ốm ra sao? Khi đó hộp đen sẽ cung cấp những thông tin chính xác như nhiệt độ nước làm mát của xe, tránh tình trạng bó máy động cơ; vòng tua của động cơ, kiểm soát chân ga lái xe; tốc độ km/h theo thực tế của chính xe ô tô; lượng tiêu hao nhiên liệu của động cơ theo thời gian (đo trên động cơ) mà không cần lắp cảm biến nhiên liệu… và truyền những tín hiệu đó về xưởng sửa chữa mà không cần lắp đặt thêm bất kì chi tiết cảm biến để đo lường bệnh của xe, ông Hà Quang Thành phân tích.
Ông Hà Quang Thành - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty CP thiết bị điện, điện tử Bách Khoa giới thiệu sản phẩm BK88 tại triển lãm kết quả nghiên cứu KH&CN đồng bằng sông Hồng tháng 9/2018. Ảnh: Đoàn Dung
Hiện trên thị trường máy đọc lỗi ô tô hay máy chẩn đoán lỗ ô tô là những thiết bị mà mỗi hãng xe hay garage đều bắt buộc phải có để có thể giúp kiểm tra, sửa chữa và bảo trì ô tô được nhanh và dễ dàng. Tuy nhiên những thiết bị này đều của các hãng nước ngoài, chỉ được thiết kế dành riêng cho một hoặc hai hãng xe và không được tích hợp trong thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô do không đáp ứng được theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 31/2014 của Bộ Giao thông Vận tải. Do đó chủ xe khi muốn sở hữu thiết bị này phải bỏ thêm chi phí để mua. Trong khi đó BK88 được các kĩ sư Công ty CP Thiết bị điện – điện tử Bách khoa thiết kế có thể dùng cho nhiều hãng xe khác nhau và phù hợp với tất cả các dòng xe từ xe con, xe vận tải siêu trường siêu trọng.
Ngoài ra, đối với những xe ô tô không có hộp đen, BK88 có khả năng kết nối với hệ thống cảm biến nhiên liệu lắp trong bình dầu và đo được mức nhiên liệu thực tế trong bình chứa; giúp chủ xe quản lý tốt lượng tiêu hao nhiên liệu của xe mình.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, vận tải Hải Đăng (Hải Phòng) Đỗ Bá Thắng đánh giá cao khi lắp đặt thiết bị BK88. Theo ông Thắng, việc kiểm soát được lượng tiêu hao nhiên liệu là rất quan trọng trong bối cảnh chi phí về nhiên liệu đối với các doanh nghiệp vận tải như Hải Đăng là rất quan trọng. Tuy nhiên, từ trước đến nay Công ty Hải Đăng gặp nhiều khó khăn để kiểm soát được điều này, từ khi lắp đặt thiết bị BK88, kết nối vào hộp đen chúng tôi có thể kiểm soát nguồn nhiên liệu tiêu hao trên xe ô tô ngay tại “nhà”.
Sứ mệnh tiên phong
Ông Hà Quang Thành cho biết, hiện ở Hải Phòng có khoảng 15.000 xe container, hầu hết trong tình trạng xe cũ, xe mới rất ít. Theo thống kê khoảng 0,05% là xe hư hỏng có thể xảy ra trong quá trình đang sử dụng xe (tức 200 xe đang vận hành sẽ có 1 xe bị hư hỏng trên đường). Khi đó tổng thiệt hại về chi phí sửa chữa là rất lớn.
Ví dụ, với xe tải có trọng lượng vài chục tấn vận chuyển hàng trên tuyến đường biên giới nhỏ hẹp ở Cao Bằng, khi bị hỏng máy giữa đường thì những tổn thất cho các công ty vận tải là rất lớn. Thứ nhất là tốn kém chi phí để sửa chữa. Để khắc phục, thông thường các công ty vận tải sẽ phải điều một xe khác đến tận nơi để thay thế. Mỗi chuyến xe cứu hộ như thế chi phí thường không dưới 3 triệu đồng. Bên cạnh đó sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng, dẫn đến việc đối tác không tin tưởng, có thể bị cắt đơn hàng ở lần tiếp theo. Làm phép tính đơn giản, với mỗi chuyến xe cứu hộ, thiệt hai khoảng 3 triệu đồng, như vậy mỗi năm, chỉ tính riêng xe container của Hải Phòng, sẽ tiêu tốn trên 50 tỉ đồng cho việc sửa chữa, cứu hộ.
Ngoài ra, việc đưa xe lên cứu hộ cũng gây lãng phí lớn vì khi đội cứu hộ lên kiểm tra cũng phải mang theo thiết bị để cắm vào hộp đen xem xe hỏng cái gì từ đó mới yêu cầu về xưởng gửi thiết bị đến để sửa chữa. Rõ ràng đây là tổn thất rất lớn đối với ngành vận tải, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Thiết bị định vị BK88 được nghiên cứu thành công vào năm 2014 và bán ra thị trường vào năm 2015. Khi mới đưa sản phẩm vào thị trường Công ty CP thiết bị điện – điện tử Bách khoa gặp một số khó khăn vì các doanh nghiệp chưa có niềm tin vào sản phẩm của Việt Nam, chưa kể giải pháp của này đòi hỏi những can thiệp rất sâu vào trong xe. “Rất khó để một doanh nghiệp vận tải có thể tin tưởng giao xe cho chúng tôi, trong khi chúng tôi không đủ tiềm lực để đầu tư mua một chiếc xe ô tô về thử nghiệm. Rất may mắn, trong thời gian đầu đó đã có những doanh nghiệp hiểu và đồng hành với chúng tôi” – ông Thành nói.
Hiện có 50 đơn vị nghiên cứu và được cấp phép lưu hành thiết bị giám sát hành trình đáp ứng đủ QCVN 31/2014 của Bộ Giao thông Vận tải, tuy nhiên chưa có đơn vị nào tích hợp được cả 2 tính năng giám sát hành trình và đọc lỗi xe ô tô. Mặc dù là đơn vị đầu tiên nhưng ông Hà Quang Thắng luôn tâm niệm: giải pháp nếu không được nâng cấp, cải tiến thì bản thân nó đã có thể bị tụt hậu. “chúng ta chỉ cần dừng bước chân là có thể đưa sản phẩm đến sự nguy hiểm. Do đó đội ngũ nghiên cứu của chúng tôi luôn không ngừng nghiên cứu, cải tiến và mục tiêu chúng tôi hướng tới là đem lại giá trị lớn nhất cho khách hàng”.
Hiện thiết bị đang chờ cấp bằng độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.