Sau ngày đất nước thống nhất, những hệ thống máy tính IBM của chính quyền Sài Gòn và Mỹ để lại khá đồ sộ. Cục Máy tính được giao nhiệm vụ cử đoàn cán bộ vào TPHCM để tiếp quản công ty IBM tại đường Gia Long (nay là nhà 26B, phố Lý Tự Trọng, Quận 1).

Một lớp học vi tính thuở sơ khai (năm 1986). Từ những lớp học như thế này, các cán bộ thông tin của ta đã có thể làm chủ dàn máy IBM.
Một lớp học vi tính thuở sơ khai (năm 1986). Từ những lớp học như thế này, các cán bộ thông tin của ta đã có thể làm chủ dàn máy IBM.

Theo hồi ức của ông Nguyễn Văn Ngô, nguyên cán bộ của Phòng Nghiên cứu Cơ học (Ủy ban KH&KT nhà nước), IBM - công ty máy tính của Mỹ, có mặt ở Việt Nam rất sớm và có trách nhiệm bảo quản, bảo trì, sửa chữa toàn bộ các dàn máy IBM serie 20, 30, 40, 50 tại Sài Gòn, hơn 20 dàn máy tại Sài Gòn lúc đó đa số đều là máy thuê của IBM Mỹ. Do đó, họ đã xây dựng được mạng lưới 24 trung tâm tính toán phục vụ các cơ quan quan trọng của quân đội và kinh tế của miền Nam. Giáo sư Nguyễn Lãm - lúc đó là đại úy, Phụ trách Trung tâm Toán - Máy tính Quân đội, cho biết: “Những người lính kỹ thuật đi cùng đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn đã vinh dự được tham gia vào công việc tiếp quản các dàn máy của Mỹ ở miền Nam ngay từ những ngày đầu tiên, trong đó có một dàn máy IBM 360/50 là 1 trong 2 dàn máy lớn nhất, hiện đại nhất không chỉ ở Nam Việt Nam mà tại cả khu vực thời bấy giờ”.

Việc tiếp quản dàn máy tính IBM đã mở ra một cơ hội mới cho các cán bộ kỹ thuật. Khi quân giải phóng tiếp quản, các Trung tâm đó hầu như còn nguyên vẹn, ngoại trừ các hệ thống System 3, mới đặt ở Sài Gòn hơn một năm và hệ UNIVAC của Không lực Việt Nam cộng hòa (đã được đóng gói vận chuyển từ sân bay Biên Hòa về sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng chưa kịp chuyển về Mỹ do tốc độ tiến công của Quân Giải phóng quá nhanh). Do đó, dàn máy tính đã được khôi phục hoạt động trở lại ngay. “Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động thì xuất hiện hai khó khăn lớn: vấn đề thứ nhất là nhân lực. Cục Máy tính đã tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các cán bộ của các Trung tâm tính toán thuộc Quân đội và Công an để các trung tâm này tự bảo trì, sửa chữa máy của mình, không phụ thuộc vào nhân viên bảo trì của công ty IBM nữa. Khoảng hai năm sau chúng tôi đã giải quyết được vấn đề nhân lực”, ông Ngô kể.

Tuy nhiên, vấn đề thứ hai khó giải quyết hơn, đó là vấn đề linh kiện phụ tùng thay thế. Sau khi miền Nam giải phóng, Mỹ đã thi hành một chính sách cấm vận rất nghiêm ngặt đối với Việt Nam. Bị phong tỏa kinh tế và không có phụ tùng thay thế, các dàn máy IBM hư hỏng ngày càng nhiều do mạch điện tử bị sự cố và cũng không có nhiều chuyên viên biết sửa máy. Trước tình hình đó, “chúng tôi đã xác định phải tự lực giải quyết vấn đề bằng cách tận dụng kho phụ tùng linh kiện có sẵn. Bằng cách này, chúng tôi đã kéo dài được tuổi thọ cho các dàn máy IBM”, ông Ngô nói. Tuy nhiên việc giải quyết vấn đề theo cách này cũng không còn hiệu quả vào năm 1985 vì cạn kiệt phụ tùng linh kiện thay thế. Hầu hết các Trung tâm IBM đều hoạt động cầm chừng: chỉ hoạt động trung bình 8-10 tiếng một ngày, vài nơi nhờ được Việt kiều Pháp cung cấp phụ tụng linh kiện nên việc duy trì giờ hoạt động nhiều hơn. Rất may, giai đoạn đó lại là thời điểm khởi đầu của một công nghệ máy tính mới - kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính! Ông Ngô nhận xét: “Nó đã giải thoát cho chúng ta một thế cờ khó gỡ...”

Đội ngũ cán bộ Trung tâm Máy tính đã khai thác vận hành các máy tính IBM 360/50 phục vụ nhiều công việc, ví dụ như để quản lý cán bộ Khoa học Kỹ thuật, tổ chức công tác tuyển sinh đại học; xử lý các số liệu khai thác thăm dò dầu khí ngay tại Việt Nam mà không phải đưa sang Liên Xô xử lý. “Trên các dàn máy IBM 360/50, 360/40 (trước đây Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn dùng để quản lý quân nhân của chính quyền Sài Gòn), cán bộ Trung tâm Máy tính đã làm chủ và khai thác các cơ sở dữ liệu của Chính quyền cũ để phục vụ cho các công việc sau tiếp quản…”, giáo sư Nguyễn Lãm nhấn mạnh.