Người tài xế đó là anh Nguyễn Lê Long Định (46 tuổi), hiện đang công tác tại Phòng Tổ chức-Hành chính, Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ.
Mê cơ khí chế tạo, trước khi bén duyên với nghề lái xe anh Định từng theo học một trường trung cấp nghề tại Cần Thơ. Do nhà nghèo, không có tiền đóng học phí nên anh Định nghỉ học và đi học lái xe.
16 năm trong nghề, sau những chuyến xe chuyển viện, thời gian rảnh anh thường đến khu vực khám bệnh để hướng dẫn các bệnh nhân chỗ bấm số thứ tự khám bệnh, nộp sổ khám bệnh, dẫn các cụ già lên cầu thang...
Một lần, hướng dẫn một cụ già đến khu vực đo huyết áp, thấy cô y tá bệnh viện quá vất vả để bóp bóng hơi cao su đo huyết áp cho bệnh nhân, trong khi nhiều bệnh nhân phải ngồi chờ khá lâu mới đến lượt do huyết áp.
Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng cải tiến máy đo huyết áp truyền thống để giúp cho các y tá đỡ vất vả và người bệnh mất ít thời gian chờ đợi.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, anh Định phát hiện tất cả máy đo huyết áp được sử dụng tại bệnh viện đều là máy đo huyết áp thủ công.
Anh quan sát, khi điều dưỡng tiến hành đo huyết áp cho bệnh nhân khá vất vả để quấn túi hơi vào vị trí trên khuỷu tay của bệnh nhân, sau đó bóp bóng cho túi hơi căng lên đến độ nhất định và từ từ xả van, khi thấy mạch khuỷu tay đập là huyết áp tối đa, nhịp cuối cùng là huyết áp tối thiểu.
Anh Định cho biết, theo phương pháp đo huyết áp này, nếu số lượng bệnh nhân quá đông, khám sức khỏe đồng loạt như các công ty, xí nghiệp, trường học hoặc khám tuyển nghĩa vụ quân sự thì nhân viên y tế sẽ rất vất vả để đo huyết áp cho bệnh nhân.
Mày mò tìm hiểu nguyên tắc hoạt động của thiết bị đo huyết áp thủ công, anh Định phát hiện bo bóp tay là điểm yếu nhất trên máy đo huyết áp truyền thống.
Một lần, tình cờ nhìn thấy vợ sử dụng bàn máy may cải tiến sử dụng cóc đạp điện thay cho bàn đạp chân truyền thống để may đồ, anh Định nảy sinh ý tưởng chế tạo ra cóc đạp điện để tạo hơi thay cho phần bo bóp bóng hơi đo huyết áp.
Sau đó, anh "mổ bụng" cóc đạp điện trên bàn máy may của vợ ra để nghiên cứu cấu tạo bên trong. Sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu, sau giờ làm ở cơ quan, anh lao vào cưa, cắt, hàn tiện, tìm tòi và ra các chợ đồ máy trên địa bàn thành phố Cần Thơ để tìm kiếm động cơ phù hợp.
Gần một năm mày mò lắp ráp, thử đi thử lại cả trăm lần, anh Định đã chế tạo thành công và cho ra đời thiết bị đo huyết áp cải tiến có cóc đạp điện và bộ phận nén khí thay cho bo bóp bóng hơi bằng tay.
Trong sáng chế mới, anh Định đã bỏ đi phần bo bóp bóng hơi, thay vào đó bằng cóc đạp điện để tạo hơi đo huyết áp. Sáng chế mới có cấu tạo 4 bộ phận gồm: Máy nén khí píttông công suất thấp, cóc đạp điện điều khiển, ống dẫn khí, máy đo huyết áp bằng tay và ống nghe bằng tay.
Nguyên lý vận hành của máy nhờ vào khí nén của máy nén công suất thấp, thông qua cóc đạp điện để cấp nguồn cho máy nén khí công suất thấp. Trong đó, cóc đạp điện đóng vai trò cấp nguồn cho máy nén khí cũng chính là cấp khí nén cho máy đo huyết áp bằng hơi hoạt động; việc cấp khí nén nhiều hay ít là do người sử dụng máy ấn cóc đạp trong khoảng thời gian bao lâu và khí nén sau khi sử dụng được xả ra thông van xả.
Sau khi chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị đo huyết áp cải tiến ở nhà, anh Định mang sáng chế của mình vào bệnh viện để tiến hành thử nghiệm.
Ban giám đốc bệnh viện đã thử nghiệm sáng chế của anh ở 78 bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân đo thử huyết áp bằng bóp tay 1 lần và thử lại 2 lần bằng máy đo cải tiến. Kết quả thử nghiệm cho thấy mức độ chênh lệch về huyết áp tối đa và tối thiểu như nhau, với độ chính xác không thay đổi.
Qua thử nghiệm, bệnh viện đã chứng minh được cả 2 phương pháp đo huyết áp bóp tay và bằng máy đo cải tiến đều cho kết quả chính xác.
Thử nghiệm thành công, Ban giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ đã đưa sáng chế của anh Định vào phục vụ khám chữa bệnh thay cho kiểu đo huyết áp truyền thống tại bệnh viện.
Y tá Nguyễn Thụy Thanh Tâm - Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, người trực tiếp sử dụng sáng chế của anh Định vào khám bệnh, đánh giá cao sáng chế cóc đạp điện rất thuận lợi cho các điều dưỡng đo huyết áp cho nhiều bệnh nhân một cách nhanh chóng.
Bác sỹ Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, cho biết sáng chế của anh Định có độ chính xác tương đồng với cách đo thủ công, giá thành thấp, hiệu suất cao... đã được đưa vào ứng dụng hiệu quả tại bệnh viện trong thời gian qua. Sáng chế này có thể nhân rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện trong cả nước.
Theo bác sỹ Luận, hiện tại Cần Thơ, các Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ, Bệnh viện quận Ô Môn, Cần Thơ và Bệnh viện huyện Phong Điền đã đưa sáng chế của anh Định vào công tác khám chữa bệnh, bước đầu có phản hồi rất tích cực.
Hiện Bệnh viện quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đặt hàng anh Định 2 máy đo huyết áp cải tiến với giá mỗi máy 3 triệu đồng.
Tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố Cần Thơ năm 2015, thiết bị đo huyết áp cải tiến của anh Định đã giành giải Nhất, với đánh giá: “Cóc đạp điện thay cho bo bóp tay dùng trong đo huyết áp giúp rút ngắn thời gian đo huyết áp, rút ngắn thời gian bệnh nhân chờ đợi, đo được với số lượng nhiều ca trong ngày, có độ chính xác cao, giảm một phần sức lao động của người đo huyết áp.”
Hiện sáng chế của anh Định đang chờ Chi cục Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học Công nghệ thành phố Cần Thơ cấp bằng sáng chế cho cải tiến mới. Ngoài giải nhất ở Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, anh Định còn được nhận nhiều Bằng khen từ Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Sở Y tế Cần Thơ…
Giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ Trần Quốc Luận cho biết, Bệnh viện đã thống nhất bầu chọn anh Định là cá nhân điển hình, tiêu biểu duy nhất của Bệnh viện trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện tại bệnh viện. Anh Định còn được Đảng ủy khối cơ quan Dân Chính Đảng Cần Thơ đề cử vào danh sách khen thưởng cấp Trung ương.
Ngày 13/5, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị và tuyên dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, do Thành ủy Cần Thơ tổ chức, anh Định cũng là 1 trong 83 cá nhân điển hình, tiêu biểu của thành phố được Thành ủy Cần Thơ tuyên dương, khen thưởng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngoài sáng chế thành công cóc đạp điện trong đo huyết áp, anh Định còn đang thực hiện thêm nhiều sáng chế khác có tính ứng dụng cao tại Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ.
Đáng chú ý, trong đó anh đang bắt tay chế tạo “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm” để ứng dụng tại Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ. Nguyên lý vận hành của “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm” dựa vào môtơ kéo, thông qua cóc đạp điện kéo các hộp mẫu chạy trong lòng ống nhựa để đưa các mẫu máu xuống phòng xét nghiệm.
Hiện “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm” đang chờ nghiệm thu, nếu đưa vào vận hành thành công, sáng chế mới của anh Định sẽ giúp Bệnh viện tiết kiệm được thời gian và nhân công đưa mẫu xét nghiệm từ khu vực phòng khám trên lầu xuống phòng xét nghiệm nhanh chóng./.