Với sự xuất hiện robot có khả năng hiểu niềm vui, nỗi buồn của người dùng hay thiết bị đeo tay dạy nói cho người tự kỷ…, máy tính có cảm xúc đang hoàn thiện nốt mảnh ghép cuối cùng cho một thế giới công nghệ phục vụ con người.
Máy tính cũng có “trí thông minh cảm xúc”
Rana el Kaliouby là một chuyên gia về khoa học máy tính, sinh ra tại Ai Cập. Năm 1993, bà học về mối tương tác giữa người và máy tính tại Cairo.
Với tư cách người trong cuộc, Kaliouby nhớ rõ chỉ khoảng 10 năm về trước, robot có đời sống xã hội hay ứng dụng tương tác với cảm xúc của người dùng vẫn là viễn cảnh xa vời đến thế nào.
Thế nhưng giờ đây, điều tưởng như hoang đường đó đang rất gần với hiện thực và chính Kaliouby cũng góp phần vào sự thay đổi này. Ứng dụng iOS của bà - Affdex - có khả năng nhận diện khuôn mặt và định lượng các xúc cảm biểu hiện ở người dùng như cường độ cảm xúc, sự không hài lòng, cấp độ thích thú và đương nhiên là cả sự kinh ngạc.
Với cơ sở dữ liệu là 3,4 triệu kiểu biểu cảm khuôn mặt của cư dân thuộc 75 quốc gia khác nhau, Affdex thậm chí bắt được những biểu cảm thoáng qua mà người giao tiếp bình thường không kịp nhận thấy.
Affectiva - công ty khởi nghiệp sở hữu Affdex và là một công ty con không chính thức của Phòng thí nghiệm Media Lab thuộc Viện Công nghệ Massachuset, Mỹ (MIT) - đang ấp ủ tham vọng tạo ra một chiếc máy tính có khả năng nhận diện các trạng thái cảm xúc của con người.
Đây là một phần của lĩnh vực phát triển nóng trong khoa học máy tính, “máy tính có cảm xúc” (affective computing) là nhánh khoa học hướng đến việc tạo ra các thiết bị điện tử có trí thông minh nhân tạo, có khả năng tương tác với cảm giác của con người.
Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn đang là mảng công nghệ nhiều thử thách nhất và cũng hứa hẹn nhất trong khoa học máy tính, đòi hỏi một nguồn đầu tư khổng lồ. Tham gia vào làn sóng “đào vàng” mới, những nhà đầu tư có tham vọng sử dụng AI để thu lợi nhuận trong các lĩnh vực quan trọng như đầu tư tài chính hoặc chăm sóc sức khỏe.
Nhưng đối với các chuyên gia AI như Kaliouby, khả năng phân tích xúc cảm cũng quan trọng không kém. “Không chỉ là mối tương tác giữa người và máy tính, tôi cho rằng việc khiến cho máy tính có trí thông minh cảm xúc sẽ giúp cải thiện giao tiếp của chính con người” - bà quả quyết.
Kaliouby không hề đơn độc. Trên toàn thế giới, các nhà vật lý học, chuyên gia thần kinh, nhà tâm lý học và các kỹ sư đang cộng tác chặt chẽ để cho ra các ứng dụng có trí thông minh cảm xúc. Một tạp chí chuyên ngành cũng được xuất bản chỉ để phục vụ riêng cho lĩnh vực này.
Jibo - một robot khác của Media Lab - cũng đang tham gia quá trình thử nghiệm Affdex. Jibo có khả năng nhận diện khuôn mặt cũng như thực hiện các đoạn hội thoại đơn giản. Trong khi đó, Pepper - một robot “bầu bạn” khác của Nhật Bản - có khả năng nhận ra các cảm giác như vui vẻ, buồn hay giận dữ và có phản ứng thích hợp cho từng tình huống, chẳng hạn chơi nhạc cho người dùng nghe.
Người đầu tiên sáng lập Affectiva và sử dụng khái niệm “affective computing” là Rosalind Picard - một nữ chuyên gia khoa học máy tính của MIT. Là một phụ nữ nên ngay từ giai đoạn khởi nghiệp vào những năm 1990, Picard luôn muốn tìm một hướng đi riêng cho lĩnh vực khoa học máy tính vốn toàn nam giới.
Picard nhận thấy cảm xúc chính là một trong các thành tố quan trọng nhất trong việc tiếp nhận thông tin từ thế giới xung quanh, giúp con người linh cảm được những gì cần chú ý và những gì có thể bỏ qua trong cuộc sống.
Affective computing chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa máy tính và cảm xúc. “Bạn sẽ không thể tạo ra được một máy tính thông minh đích thực nếu nó không có được năng lực cảm xúc giống như con người” - Picard khẳng định.
Những nỗ lực ban đầu của Picard đã được đền đáp xứng đáng. Affectiva đang dẫn đầu trong lĩnh vực phân tích biểu cảm khuôn mặt với số vốn hậu thuẫn lên đến 20 triệu USD và sở hữu nguồn khách hàng đa dạng từ BBC cho đến Disney. Hiện Picard đã tách ra để tập trung vào các ứng dụng của máy tính cảm xúc trong y học như điều trị tự kỷ hoặc động kinh, còn Kaliouby thay bà đảm nhiệm vị trí giám đốc khoa học của Affectiva.
Kỷ nguyên mới của máy móc
Ngay từ giai đoạn phát triển Affdex, Media Lab đã liên tục nhận được email từ nhiều hãng lớn như Google, Samsung, Toyota đề nghị cho phép họ tham gia thử nghiệm sản phẩm.
Một số nhà sản xuất chương trình như CBS hay BBC đang sử dụng Affdex để đánh giá phản ứng của khán giả với các chương trình mới. Các công ty như Sony dùng Affdex để thẩm định các đoạn giới thiệu phim, còn các hãng quảng cáo dùng nó để đánh giá sản phẩm quảng cáo được sản xuất cho những tập đoàn lớn như Coca Cola hay Intel.
Nhờ phân tích cảm xúc, Đài CBS (công ty truyền thông và phát thanh Hoa Kỳ) nhận thấy trong các nhân vật của một series phim tương tác có hai người luôn khiến người xem tức giận, thay vì bộc lộ xúc cảm hài hước như mong muốn. Nhờ đó, CBS đã rút các nhân vật này ra khỏi series phim.
Nữ chuyên gia Picard sau khi tách khỏi Affectiva đã đạt những thành công mới trong việc phát triển các dụng cụ đeo tay chăm sóc sức khỏe. Nhóm của Picard đã thiết kế rất nhiều loại thiết bị mang theo người có chức năng đo đạc cảm xúc (dưới dạng vòng đeo tay hay cổ tay) ghi lại các thông số sinh trắc học. Một số sản phẩm đã trở thành tiên phong cho làn sóng thiết bị di động mới - chẳng hạn như Fitbit hoặc Apple Watch.
Trong lần thử nghiệm năm 2011, một ứng dụng của Picard trên iPhone đã tình cờ được chứng minh là có thể dự báo các cơn co giật và cảnh báo người giám hộ cho đến khi bệnh nhân thật sự trở lại trạng thái an toàn.
Nadia Berthouze - một chuyên gia khoa học máy tính người Italia tại Đại học London - thì nhìn thấy khả năng ứng dụng máy tính trong lĩnh vực đo cảm giác đau đớn. Cảm giác này thay đổi từng phút, nhưng chỉ bệnh nhân mới thực sự hiểu tình trạng của mình và cách đo lường duy nhất hiện nay là yêu cầu bệnh nhân tự đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 10.
Kaliouby, Picard và Berthouze đều nhất trí rằng các thiết bị có trí thông minh cảm xúc sẽ sớm trở thành một bộ phận của cuộc sống hằng ngày. Apple Watch là một ví dụ thực tế và những thiết bị loại này sẽ được thấy ngày càng nhiều ngay cả ở những nơi không ngờ đến. Chẳng hạn, theo Picard, rất có thể chúng ta sẽ được dùng một chiếc bàn chải đánh răng có khả năng mỉm cười.
Trong thế hệ kế tiếp, smartphone có thể sẽ được gắn một con chip cảm xúc nhỏ như chip GPS. Chúng có thể giúp người dùng tránh lên lịch cho một cuộc họp quan trọng khi đang ở trạng thái mệt mỏi, hoặc nghỉ ngơi một lát mỗi khi đánh mất sự tập trung cần thiết.
Trong tương lai gần, tủ lạnh có thể đưa ra đề nghị không ăn kem khi thấy người dùng bị stress nặng, còn xe hơi cũng có thể yêu cầu ông bà chủ cân nhắc việc lái xe trong trạng thái bực bội.
“Kỷ nguyên của các máy móc có cảm xúc đang đến” - Picard tin tưởng.