“Anh đã có hết địa chỉ, thông tin về các em rồi. Anh phụ trách nghiên cứu của Viettel sẽ điện cho từng người. Hôm nay, các em có trao đổi gì thì cứ nói, thời gian dành cho các em sẽ nhiều hơn” - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - TGĐ Tập đoàn Viettel - chia sẻ

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
Rộng cửa đón các nhà khoa học trẻ
Trong chuyến thăm Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, 68 thành viên trong đoàn các nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015 đã tới thăm Tập đoàn Viettel. Sau lời giới thiệu ngắn gọn về Viettel, tướng Hùng dành phần lớn thời gian để các nhà khoa học trẻ chia sẻ và trao đổi về vấn đề KH&CN, những vướng mắc mà các nhà khoa học trẻ đang gặp phải. Ông thẳng thắn: “Dù sao anh cũng đi trước các em khá nhiều, hãy coi anh là người đi trước và chia sẻ với các em, xem chúng ta có gì giúp nhau được không”.
Như cách nói của vị TGĐ tập đoàn, làm việc trong Viettel sẽ được đào tạo 2 nghề:
Thứ nhất là đương đầu với thách thức, mới có thể vươn xa và tạo không gian mới. “Điều này rất quan trọng với các em, vì chính người trẻ như các em mới có khả năng để đương đầu với những thách thức trong tương lai” – tướng Hùng nói.
Thứ hai là khó tính. “Ở Viettel, làm việc gì cũng muốn đạt được mức hoàn hảo và lãnh đạo có một thứ rất quan trọng, đó là khó tính. TGĐ Viettel tiếp tục dí dỏm: “Ở Viettel, sau khi vứt mọi người vào “chỗ chết”, khó là “chết”, “chết” thì thay người khác, vì luôn phải thay đổi”.
“Cách đây khoảng hơn 2 năm, Viettel đưa ra một định nghĩa mới về viễn thông: Viễn thông + công nghệ thông tin + thiết bị công nghệ thông tin + tri thức mở để đưa viễn thông vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đây là cuộc cách mạng, có thể sẽ mất khoảng 20 năm” - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Cùng với đó, tướng Hùng mong muốn tất cả các nhà khoa học trẻ sẽ cùng đóng góp vào sự tiến bộ chung của các lĩnh vực KH&CN mà Viettel đang nghiên cứu.
Dành nhiều thời gian lắng nghe và chia sẻ, tướng Hùng giải đáp từng câu hỏi của các nhà khoa học trẻ. TS Nguyễn Thị Thu Hà (ĐH Điện lực) với đề xuất được hợp tác để cùng chế tạo côngtơ điện một pha trong hộ gia đình. Viettel hiện cũng đang nghiên cứu dự án này, TGĐ Viettel đề nghị TS Hà sẽ có cuộc làm việc cụ thể, cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra mẫu côngtơ điện một pha có hiệu quả và giá thấp nhất.
TS Nguyễn Bá Hải - người được Thủ tướng Chính phủ quyết đầu tư cho dự án kính cho người mù ngay trên bàn tọa đàm - thì mở ra một hướng kết hợp với Viettel khác. Đó là dự án chế tạo rôbốt dân sự của anh đã có những tiến triển khả quan. Gần như ngay lập tức, tướng Hùng đề nghị đại tá Nguyễn Đình Chiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel - trao đổi với TS Nguyễn Bá Hải. Với công nghệ lõi, sensor, vi mạch cảm biến tự sáng chế, cả Thiếu tướng Hùng cùng đại tá Chiến hứa hẹn sự kết hợp khả quan mà dự án TS Bá Hải đang theo đuổi sẽ áp dụng được rộng rãi trong nhiều thiết bị tự động hóa mà Viettel đang nghiên cứu chế tạo.
Theo tướng Hùng, CNQP nếu hiểu đúng thì không phải quân sự. CNQP chính là những công nghệ mới nhất, quan trọng nhất, hiện đại nhất của một nền công nghiệp quốc gia. Vì đầu tư cho quốc phòng thường là những công nghệ mới nhất, dùng một phần cho CNQP, còn lại giúp cho quốc gia góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Vì thế, CNQP không phải là chạy đua về vũ trang mà thực chất là chạy đua về công nghệ và kinh tế.
“Và cũng giống như vậy, nếu chúng ta đi mua, cứ bắn một quả tên lửa là chúng ta nghèo đi một chút. Nếu chúng ta sản xuất được, chúng ta bắn một quả tên lửa là giàu lên một chút. Là vì quả tên lửa ấy được sản xuất trong nước, tăng GDP. Điều khác biệt nằm ở chỗ đó. Vẫn là một hành động thôi, nhưng một cái làm nghèo đất nước đi, một cái làm giàu đất nước lên” - tướng Hùng giải thích.
Phải vươn ra thế giới
Chuyện Viettel vươn ra thế giới không còn xa lạ với nhiều người. “Chuyện chúng ta ít ra chinh phục thế giới chính là bởi người Việt ta chưa có nhiều tin tưởng, nhưng anh nghĩ là nếu chúng ta không vươn ra thế giới thì đất nước mình không ngẩng mặt lên được” - tướng Hùng nhấn mạnh với các nhà khoa học trẻ.
“Bây giờ phải làm được thứ gì thật sự xuất sắc để bán cho 90 triệu người ở Việt Nam và 6-7 tỉ người trên thế giới. Đó là bản chất của thế giới phẳng; chỉ cần một thứ thôi, nhưng phải thật xuất sắc” - TGĐ Viettel nhấn mạnh.
Nhiều nhà khoa học trẻ sau chuyến thăm Tập đoàn Viettel có chung một cảm xúc: “Dù không am hiểu nhiều về viễn thông vì nghiên cứu ở lĩnh vực khác, nhưng câu chuyện từ lý thuyết đến thực tế và ham muốn vươn tầm thế giới của Viettel làm bản thân chúng tôi có thêm động lực, nghiên cứu và áp dụng KH&CN vào thực tiễn” - TS Dương Tuấn Hưng (chuyên ngành hóa học) hào hứng.