Các nhà khoa học thuộc Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã thảo luận với tập đoàn công nghệ CMC của Việt Nam để trao đổi về các nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho việc phát triển thành phố thông minh.
Khoa học công nghệ là công cụ căn bản
Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều thành phố trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng đã bắt đầu có một số tỉnh, thành phố triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Việc hình thành những thành phố tương lai như vậy không chỉ là công việc của các nhà hoạch định mà chắc chắn đòi hỏi sự chung tay của các nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và cả những người điều hành thành phố và công dân sẽ sinh sống ở đó.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu về vấn đề này với tầm nhìn Xã hội 5.0 (Society 5.0), tại đó con người là trung tâm và được cân bằng giữa phát triển về kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội bởi một hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực. Để làm được điều đó, việc áp dụng những công nghệ hiện đại nhất dường như là đòi hỏi cơ bản.
Ngày 6/5, tại Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (
NASATI), Tổ chức Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (
VANJ) và Tập đoàn công nghệ CMC phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Từ nghiên cứu đến ứng dụng triển khai”.
Tại đây các nhà khoa học người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại những viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp lớn của Nhật Bản có dịp kết nối với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam nhằm cập nhật những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực đô thị thông minh, đồng thời thiết lập các cơ hội nghiên cứu và hợp tác chuyển giao công nghệ.
Tích hợp công nghệ để giải quyết những nhu cầu cơ bản
TS. Tạ Đức Tùng, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết, một trong những thách thức lớn nhất mà Nhật Bản đang gặp phải là vấn đề dân số già. Để đối phó với vấn đề này, một trong những nỗ lực là xây dựng các thành phố thông minh, tự động hóa vào hầu hết mọi khía cạnh của thành phố.
Theo chia sẻ, có 5 vấn đề Nhật Bản phải đối mặt và họ hi vọng sẽ sử dụng công nghệ cùng các kết quả nghiên cứu mới để giải quyết, bao gồm: Phương tiện đi lại (mobility), Tự nhiên (Nature), Năng lượng (Energy), Sự an toàn và an tâm (Safe and Securities) và Tái chế rác (Recycle). Ở đó, công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (Wifi, 4G/5G), điện thoại thông minh, Big data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được ứng dụng trong mọi hoạt động kể trên của thành phố.
Hội thảo đã trình bày những công nghệ mới nhất về cảm biến MEMS do TS. Nguyễn Thành Vinh, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật công nghiệp tiên tiến (Nhật Bản). Những cảm biến này có thể đo các đại lượng cơ học như lực, dao động, ma sát, áp suất với độ nhạy cao, vì vậy có thể ứng dụng trong điều khiển Robot, chăm sóc sức khỏe, quan trắc cơ sở hạ tầng, v.v.
TS. Lê Anh Sơn, Đại học Nagoya, cũng chia sẻ những công nghệ phát triển giao thông thông minh, đặc biệt là hệ thống xe tự lái và Robot hỗ trợ người già do Toyota hợp tác.
Đặc biệt, TS. Lê Văn Hải, Ban Cơ yếu Chính phủ đã trao đổi chuyên sâu về công nghệ vi mạch Việt Nam trong các ngành công nghiệp 4.0.
Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam có khá nhiều tiềm năng hợp tác với Nhật nhằm phát triển một số lĩnh vực cho thành phố thông minh. Ví dụ như các máy bay không người lái (Drone) ở Việt Nam được nghiên cứu khá tốt, trong khi Nhật Bản có những chính sách về hạn chế bay, bởi vậy các nhà nghiên cứu trong nước có thể thu thập, thử nghiệm và xử lý các dữ liệu không gian để chuyển giao công nghệ cho Nhật.
Bên cạnh đó, các học giả cũng chỉ ra rằng trọng tâm của thành phố thông minh là phục vụ con người, bởi vậy sẽ có những hướng tiếp cận rất khác nhau cho từng đối tượng tham gia sinh sống trong thành phố. TS. Lê Anh Sơn cho biết mặc dù hiện nay Nhật đã có đủ khả năng công nghệ để chạy xe tự lái ở mức độ tự hành cao nhất (level 5) và có thể sẵn sàng sản xuất hàng loạt, nhưng câu hỏi đặt ra là có nên khuyến khích sử dụng hệ thống đó không.
“Nếu áp dụng tự động hoàn toàn cho tất cả mọi người thì không nên, nhưng nếu câu hỏi là có cần phát triển hoàn chỉnh công nghệ hay không thì câu trả lời là nên”, TS. Lê Anh Sơn chia sẻ quan điểm.
Theo TS. Sơn, sẽ có những đối tượng như người già không đủ khả năng hoặc sức khỏe để lái xe, họ sẽ cần các dòng xe tự lái hoàn toàn, nhưng sẽ có những đối tượng muốn tương tác, trải nghiệm các khoảnh khắc lái xe, rèn luyện năng lực não, thì công nghệ chỉ cần ở mức hỗ trợ. Đó là điều mà thành phố thông minh hướng tới – phục vụ hợp lý nhất cho con người. Việt Nam sẽ cần cân nhắc rất kỹ khía cạnh này trước khi lựa chọn chạy theo nghiên cứu ứng dụng bất kỳ công nghệ tiên tiến nào.
Tập đoàn CMC cho biết họ cũng đang có nhiều nghiên cứu nhằm phục vụ nhu cầu về thành phố thông minh. Với mô hình phòng lab trong doanh nghiệp làm cốt lõi cho mọi hoạt động, ông Nguyễn Chấn Hùng, Viện trưởng viện nghiên cứu ứng dụng (CIST) của tập đoàn, đã dẫn đoàn tận mắt tham quan chuỗi nghiên cứu AI-over-IoT (AIoT) có khả năng giải quyết bài toán về nhận dạng mặt, nhận dạng vật thể, biển số xe và các bất thường, thiên tai… thông qua AI kết nối với các camera không chuyên hoặc robot.
Ông Hùng cho biết, nhu cầu camera là một phần thiết yếu cho thành phố thông minh và cần những giải pháp đặc thù cho Việt Nam bởi hạ tầng camera của chúng ta hiện nay còn quá ít, nhiều lỗ hổng an ninh nhưng đòi hỏi chi phí lại không thể quá cao. Viện cũng đang thí nghiệm việc kết nối dữ liệu thu được từ camera với hệ thống thông tin mạng xã hội. Các đại biểu cũng được tham quan Trung tâm an ninh và Trung tâm dữ liệu do CMC điều hành.
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch, Tổng Giám đốc CMC, cho rằng hội thảo thực sự là cơ hội tốt để gặp gỡ với một mạng lưới nhiều nhà nghiên cứu giỏi đang làm việc tại các phòng lab và doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Hai bên kỳ vọng sẽ thiết lập quan hệ hợp tác trong thời gian không xa để góp phần phát triển công nghệ cho thành phố thông minh tại Việt Nam.
Hội thảo Đô thị thông minh: Từ nghiên cứu đến ứng dụng triển khai là một trong những hoạt động bên lề của sự kiện Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức từ ngày 03-06/5.
VANJ là tổ chức học thuật Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập vào năm 2016, bao gồm các nghiên cứu sinh tiến sĩ của Việt Nam đã và đang làm việc ở các trường đại học, nghiên cứu, tổ chức hoặc công ty tại Nhật Bản. Sứ mệnh của VANJ nhằm hỗ trợ và thúc đẩy kết nối tất cả các thành viên, tối ưu hóa sự đóng góp của các thành viên cho Khoa học, Công nghệ và Giáo dục và đặc biệt là phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam- Nhật Bản. |