Kết quả nghiên cứu do nhóm tác giả Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ TPHCM thực hiện cho thấy, dịch chiết chứa anthocyanin từ trái sim có khả năng chống tia UV, mở ra tiềm năng ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm bảo vệ da.
Sim là loài cây bụi, phân bố nhiều ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, đây là loại cây quen thuộc ở khắp các tỉnh vùng trung du và núi thấp. Theo đông y, hồng sim có vị ngọt chát, tính bình. Trái sim có tác dụng dưỡng huyết, cầm máu, dùng chữa các chứng huyết hư, ù tai, băng huyết,… Hiện nay, quả sim được sử dụng phổ biến trong ngành thực phẩm như lên men tạo rượu sim, bánh kẹo và mứt.
Sim còn là loại trái giàu anthocyanin, một hợp chất màu hữu cơ thiên nhiên có nhiều hoạt tính sinh học. Anthocyanin được tìm thấy trong một số loại rau, hoa, quả, hạt có màu từ đỏ đến tím như nho, dâu, bắp cải tím, lá tía tô, đậu đen, cà tím, gạo nếp than, gạo đỏ,... Tuy nhiên, đến nay, các nghiên cứu liên quan đến tách chiết anthocyanin từ trái sim và đánh giá hoạt tính sinh học của nó vẫn còn khá hạn chế.
Trước thực tế đó, nhóm tác giả Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu điều kiện thu nhận và khảo sát hoạt tính sinh học của dịch chiết giàu anthocyanin từ trái sim Rhodomyrtus tomentosa”, nhằm tìm hiểu điều kiện tách chiết để thu hồi được sản phẩm có hàm lượng anthocyanin cao từ trái sim rừng Phú Quốc. Đồng thời, nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá một số hoạt tính sinh học của dịch chiết giàu anthocyanin như khả năng kháng oxy hóa, ức chế tyrosinase, bảo vệ chống lại tia UV.
Sim tươi thu được từ rừng Phú Quốc, đem rửa sạch, phơi ráo trong nhà mát, sau đó nghiền mịn. Ngâm chiết nguyên liệu với các dung môi ethanol 50% có bổ sung HCl 0,125M; thời gian ngâm 120 phút trong điều kiện nhiệt 60°C; sóng siêu âm 100W trong 60 phút. Sau đó, lọc dịch chiết và cô quay chân không trong thời gian 150 phút, ở nhiệt độ 40 – 55°C. Dịch thu được sau quá trình cô quay sấy ở nhiệt độ 50 – 60°C trong thời gian 180 – 200 phút.
Khả năng kháng oxy hóa của dịch chiết anthocyanin được đánh giá thông qua năng lực khử sắt của nó, với đối chứng là vitamin C - chất có khả năng oxy hóa mạnh. Kết quả, khả năng khử sắt của dịch chiết anthocyanin gần tương đương với vitamin C. Chứng tỏ dịch chiết anthocyanin có khả năng kháng oxy hóa cao.
Bên cạnh đó, dịch chiết còn cho thấy khả năng ức chế tyrosinase rất tốt. Tyrosinase một enzyme tham gia vào quá trình hình thành các sắc tố melanin. Ức chế enzym tyrosinase có thể làm hạn chế việc sản sinh quá nhiều các sắc tố melanin, từ đó giúp điều trị các rối loạn liên quan đến tăng sắc tố da.
Thử nghiệm khả năng chống tia UV trên chuột nhắt bằng cách thoa dịch chiết anthocyanin trên da được chiếu tia UV trong 4 ngày. Kết quả, da không bị co rút và ít nhăn hơn so với nhóm không sử dụng dịch chiết (da bị co rút, nhăn nhiều).
Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, dịch chiết anthocyanin từ trái sim mở ra tiềm năng ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm mới có khả năng kháng oxy hóa cao, chống nắng, bảo vệ da. Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua. Hiện nhóm có thể chuyển giao quy trình tách chiết anthocyanin từ trái sim cho các cơ sở sản xuất.