John McCarthy là nhà khoa học máy tính tiên phong người Mỹ. Ông được biết đến là cha đẻ của trí thông minh nhân tạo (AI) do đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc định hình sự phát triển của máy móc thông minh.

John McCarthy cũng chính là nhà khoa học đã đề xuất thuật ngữ “trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence)” gọi tắt là AI trong một bản kế hoạch mà ông trình bày tại Hội nghị Dartmouth – hội nghị đầu tiên về trí tuệ nhân tạo diễn ra vào năm 1956. Mục tiêu của bản kế hoạch này là tìm ra cách chế tạo một cỗ máy có thể suy luận giống như con người, có khả năng suy nghĩ trừu tượng, giải quyết vấn đề và tự hoàn thiện bản thân.

John McCarthy (1927 - 2011) làm việc trong phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford. Ảnh: AP.

McCarthy tuyên bố “mọi khía cạnh của việc học hoặc bất kỳ tính năng nào khác của trí thông minh về nguyên tắc có thể được mô tả chính xác đến mức chúng ta có thể tạo ra một cỗ máy để mô phỏng nó”.

Năm 1958, McCarthy sáng tạo ra ngôn ngữ máy tính Lisp. Nó nhanh chóng trở thành ngôn ngữ lập trình AI tiêu chuẩn và được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay, không chỉ trong robot và các ứng dụng khoa học khác mà còn trong rất nhiều dịch vụ dựa trên internet, từ phát hiện gian lận thẻ tín dụng cho đến lập lịch trình hàng không. Nó cũng mở đường cho công nghệ nhận dạng giọng nói, bao gồm Siri - ứng dụng trợ lý cá nhân trên điện thoại iPhone.

McCarthy được các đồng nghiệp mô tả là người có tầm nhìn vượt thời đại. Vào thập niên 1960, ông đã hình thành ý tưởng về hệ thống chia sẻ thời gian (time-sharing) của máy tính hoặc mạng lưới, cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu bằng cách liên kết với một máy tính trung tâm, qua đó giúp hạ thấp chi phí sử dụng máy tính. Sự đổi mới này là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Internet, và là tiền thân của công nghệ điện toán đám mây – một phương pháp lưu trữ dữ liệu trên một máy chủ từ xa có thể truy cập thông qua Internet.

McCarthy sinh ra ở Boston, bang Massachusetts (Mỹ) vào năm 1927. Cha của ông là người nhập cư gốc Ailen và mẹ là người nhập cư Do Thái gốc Litva. Trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế, gia đình ông chuyển nơi ở nhiều lần, cuối cùng đến Los Angeles. Tại đây, cha của ông đã thành lập một nghiệp đoàn cho những công nhân sản xuất quần áo, trong khi mẹ ông là người tích cực tham gia phong trào đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ.

Lúc còn nhỏ, McCarthy là một đứa trẻ ốm yếu nhưng đặc biệt thông minh và có năng khiếu về toán học. Ông tốt nghiệp Viện Công nghệ California (Caltech) vào năm 1948. Sau khi tham dự một hội nghị chuyên đề về “Cơ chế não trong hành vi” tại Caltech, ông bắt đầu quan tâm đến AI và tìm cách phát triển những cỗ máy có thể suy nghĩ như con người.

Năm 1951, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học tại Đại học Princeton. Sau một thời gian công tác tại Đại học Dartmouth và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông trở thành giáo sư chính thức tại Đại học Stanford vào năm 1962, nơi ông làm việc cho đến khi nghỉ hưu.
Vào khoảng thời gian ở Đại học Dartmouth, McCarthy đã tổ chức những hội thảo mang tính đột phá về AI. Tại đây, ông gặp Marvin Minsky, người sau này trở thành một trong những nhà lý thuyết hàng đầu trong lĩnh vực này. Sau khi chuyển đến MIT, ông và Minsky đã thành lập Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo MIT. Tuy nhiên, quan điểm của họ về AI bắt đầu có nhiều điểm xung đột nên McCarthy chuyển tới Đại học Stanford và thành lập Phòng thí nghiệm AI tại đây với tên gọi SAIL. Phòng thí nghiệm SAIL nhanh chóng trở nên nổi tiếng và trở thành đối thủ cạnh tranh của Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo MIT. McCarthy từng là giám đốc của SAIL từ năm 1965 đến năm 1980.

Trong suốt những năm 1960 và 1970, phòng thí nghiệm SAIL đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra các hệ thống bắt chước nhiều kỹ năng của con người, bao gồm thị giác, lắng nghe, suy luận và chuyển động. Tại đây, ông đã nghiên cứu và chế tạo phiên bản đầu tiên của một chiếc xe tự lái. Ông thường xuyên giới thiệu các phát minh mới và mời Câu lạc bộ Máy tính Homebrew – một nhóm người có cùng đam mê nghiên cứu AI ở Thung lũng Silicon – tới phòng thí nghiệm để cùng nhau thảo luận. Câu lạc bộ Máy tính Homebrew bao gồm hai thành viên sáng lập của Apple, bao gồm Steve Jobs và Steven Wozniak.

Vào thập niên 1970, McCarthy đã công bố một bài báo về mua và bán hàng qua máy tính. Ông dường như đã nhìn thấy trước viễn cảnh tương lai của thương mại điện tử.

McCarthy nghỉ việc tại Đại học Stanford vào năm 1994, nhưng vẫn tiếp tục viết và thuyết trình, trong lần gần đây nhất là về tính khả thi của việc du hành giữa các vì sao.

Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của AI, McCarthy đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá ví dụ như Giải thưởng Turing của Hiệp hội Máy tính (năm 1971), Giải thưởng Kyoto (năm 1988), Huy chương Khoa học Quốc gia Mỹ về Toán học, Thống kê và Khoa học Tính toán (năm 1990), Huy chương Benjamin Franklin về Khoa học Máy tính và Nhận thức của Viện Franklin (năm 2003),....

Chúng ta không thể phủ nhận rằng công nghệ AI đã có nhiều sự đổi mới trong những năm qua, và việc sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực của đời sống mang lại những kết quả tuyệt vời. Những tiến bộ về AI sẽ biến đổi cuộc sống hiện đại bằng cách định hình lại giao thông vận tải, y tế, khoa học, tài chính và quân đội.

Theo báo cáo của Artificial Solutions: “Kết quả gần đây từ một cuộc khảo sát các nhà nghiên cứu học máy (machine learning) dự đoán AI sẽ vượt trội hơn con người ở nhiều lĩnh vực trong 10 năm tới, chẳng hạn như dịch ngôn ngữ (vào năm 2024), viết bài luận tại trường học (năm 2026), lái xe tải (năm 2027), làm việc trong lĩnh vực bán lẻ (năm 2031), viết một cuốn sách bán chạy nhất (năm 2049), cho đến làm việc như một bác sĩ phẫu thuật (năm 2053). Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng có 50% khả năng AI làm tốt hơn con người trong tất cả các nhiệm vụ trong 45 năm tới và tự động hóa tất cả các công việc của con người trong 120 năm”.

Gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi các cỗ máy trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy lợi nhuận và nâng cao năng lực con người. Chúng ta thật khó có thể tưởng tượng cuộc sống hiện đại sẽ ra sao nếu thiếu vắng AI.

Do đó, chúng ta sẽ mãi mãi biết ơn McCarthy và những người tiên phong khác là động lực đằng sau công nghệ đáng kinh ngạc này. Họ đã góp phần làm cho khoa học máy tính trở nên giống con người hơn và hiệu quả hơn.