Sau 3 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong nghiên cứu chọn tạo giống lúa. Từ một đất nước nhập khẩu gạo, chúng ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Thái Lan.

Giống lúa cải tiến bao phủ trên 80% diện tích

Đó là một số liệu thống kê thuộc đề tài "Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong tạo giống và sản xuất lúa lai tại miền Bắc và duyên hải miền Trung" do thạc sỹ Phạm Ngọc Lý - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) - làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 - một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được triển khai tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang quan sát và đánh giá cảm quan các giống lúa được bảo tồn. Ảnh: Loan Lê

Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang quan sát và đánh giá cảm quan các giống lúa được bảo tồn. Ảnh: Loan Lê

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, tổng diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam là 7,66 triệu ha, trong đó có 255 giống lúa được đưa vào sản xuất.

Theo các chuyên gia, có kết quả trên là do Việt Nam đã làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống lúa như phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học (marker phân tử, nuôi cấy túi phấn) của Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long, phương pháp thu thập nguồn vật liệu giống lúa cạn chịu hạn địa phương của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, phương pháp lai giữa dòng bất dục 103s và dòng phục hồi chứa gene kháng bệnh bạc lá tạo ra giống lúa lai hai dòng kháng bệnh bạc lá của Viện Di truyền nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp Hà Nội 1…

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống cây lúa cũng đạt nhiều thành tựu như sử dụng phương pháp lai tạo truyền thống kết hợp với marker phân tử (protein, DNA) cũng như kỹ thuật nuôi cấy tế bào, mô túi phấn, kỹ thuật đột biến… đã giúp rút ngắn thời gian và giúp chọn tạo nhiều giống lúa chống chịu điều kiện bất lợi như mặn, phèn, hạn, bệnh đạo ôn, rầy nâu…. Các kỹ thuật này đã giúp cải thiện chất lượng gạo như tăng mùi thơm, giảm hàm lượng amylose, làm mềm cơm rất hiệu quả.

“Từ một đất nước nhập khẩu gạo, chúng ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Thái Lan” - ông Phạm Ngọc Lý - Phó Tổng Giám đốc Vinaseed - nói.


Bản đồ công nghệ đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam

Theo các chuyên gia, để chọn tạo giống lúa mới cần các yếu tố công nghệ và kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Lý, ngành chọn tạo giống lúa của Việt nam vẫn dựa trên công nghệ truyền thống lai tạo là chính. Vai trò của các công nghệ mới trong chọn tạo giống lúa mới đạt được một số kết quả bước đầu. Ngoài ra, ngành chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và kế thừa các khâu, đặc biệt là với các nhánh công nghệ mới, do đó chưa tạo được giống lúa đạt chuẩn quốc gia tương đương các giống lúa của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

“Với bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ ngành chọn tạo giống lúa đã giúp trả lời câu hỏi cần tập trung phát triển sản phẩm nào, phân khúc thị trường nào trong tương lai; trong thị trường đó cần tập trung phát triển sản phẩm gì với đặc tính kỹ thuật như thế nào, cần phát triển những công nghệ gì để sản xuất ra sản phẩm đó...” - ông Lý nói và phân tích, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần tập trung triển khai những hoạt động cụ thể như các nhiệm vụ nghiên cứu các cấp, chuyển giao công nghệ hay đầu tư, mua bán, sáp nhập...

Cụ thể, bản đồ đã chỉ ra, Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu giống lúa thuần,33% nhu cầu về giống lúa lai, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ với giá trị nhập khẩu xấp xỉ 35 triệu USD. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao còn thấp, chưa có giống xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.

“Bản đồ công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp biết về công nghệ cần đầu tư, tối ưu hóa để giảm thiểu được giá thành công nghệ, tránh đầu tư công nghệ lạc hậu. Khi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên, bà con nông dân sẽ được hưởng thụ gián tiếp lợi ích của bản đồ công nghệ” - tiến sỹ Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN - nói.

Với ý nghĩa đó, đây được coi là bản đồ công nghệ đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này đã góp phần chỉ rõ được con đường và kế hoạch cụ thể để nhà nước có thể đầu tư tăng cường cho khoa học công nghệ phục vụ ngành lúa gạo trong tương lai đến 2030.