Điều này sẽ thúc đấy hoạt động sản xuất vắcxin “made in Vietnam”.
Xây dựng cấu trúc cây công nghệ theo 4 lớp
Đề tài “Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong sản xuất vắcxin cho người” do Công ty TNHH MTV Vắcxin và Sinh phẩm số 1 thực hiện nằm trong chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia - một trong các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia đang được triển khai tại Bộ KH&CN. Đề tài đã xây dựng được bản đồ công nghệ với lộ trình cho ngành vắcxin Việt Nam. Đây là cơ sở để triển khai nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm chất lượng và an toàn.
Trong đề tài này, Công ty TNHH MTV Vắcxin và Sinh phẩm số 1 đề xuất cấu trúc cây công nghệ của ngành vắcxin theo 4 lớp. Trong đó, công nghệ ở lớp thứ nhất được phân tích thành 7 nhánh công nghệ (tạo vắcxin thành phẩm, tạo chủng, tạo dòng tế bào cơ chất, tạo chất BTPCC, nhân nuôi, bất hoạt - tinh khiết, thu hoạch) cho lớp thứ hai. 7 nhánh này tiếp tục được phân tích thành 24 công nghệ chi tiết hơn ở lớp thứ ba. Ở lớp thứ tư, 24 công nghệ được chia nhỏ thành 43 công nghệ thành phần.
Mỗi công nghệ ở lớp thứ tư được sử dụng để sản xuất một loại vắcxin cụ thể. Từ hồ sơ của các công nghệ lớp này, các nhà khoa học có thể xác định năng lực làm chủ công nghệ của ngành. Phân tích hiện trạng và tổng hợp thông tin từ bản đồ công nghệ, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đã làm chủ và đạt trình độ các nước tiên tiến đối với các công nghệ thuộc 2 lớp đầu tiên và vẫn còn yếu ở lớp thứ ba, như công nghệ trong nhóm tạo chủng, nhân nuôi virus trên bioreactor hay phối hợp kháng nguyên... Điều này khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc phát triển chủng vắcxin mới, vắcxin phối hợp 5 trong 1 hay 6 trong 1.
Xây dựng lộ trình công nghệ cho từng sản phẩm
Theo nhóm nghiên cứu, một ý nghĩa quan trọng của bản đồ công nghệ là thể hiện các công nghệ đang được sử dụng và năng lực thực để sản xuất chuỗi vắcxin. Từ đây, giới chuyên gia có thể so sánh công nghệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Bản đồ cũng sẽ giúp các cấp quản lý có thêm thông tin để trả lời một số câu hỏi: Ngành sản xuất vắcxin Việt Nam muốn vươn lên nhóm đứng đầu thế giới thì cần tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng nào, lộ trình ra sao, cần đặt hàng những nhiệm vụ khoa học và phát triển nguồn nhân lực như thế nào?
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp bản đồ công nghệ với danh mục các sản phẩm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Họ cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể để phát triển sản phẩm vắcxin: Sản xuất vắcxin 6 trong 1 (DTaP-vGB-IPV-Hib) và 5 trong 1 (DTaP-vGB-Hib) thành phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất bán thành phẩm đơn giá; sản xuất vắcxin viêm não Nhật Bản trên nuôi cấy tế bào; mở rộng quy mô sản xuất vắcxin Rota đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; hoàn thiện, chuyển giao công nghệ và thương mại hoá vắcxin sởi - rubella; hoàn thiện và thương mại hoá vắcxin cúm đại dịch (H5N1); xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắcxin HPV; tiếp cận công nghệ sản xuất vắcxin phế cầu (toàn tế bào hoặc cộng hợp).
Từ những mục tiêu này, lộ trình công nghệ của ngành sản xuất vắcxin giai đoạn 2016-2030 cũng được đưa ra với những định hướng, thứ tự ưu tiên phát triển công nghệ và đề tài, dự án cần triển khai.
Ví dụ, để phát triển các sản phẩm công nghệ và sản phẩm cho việc sản xuất vắcxin 6 trong 1, thời gian tới, cần triển khai các dự án nghiên cứu phát triển vắcxin bại liệt bất hoạt, vắcxin Hib cộng hợp, vắcxin phòng ngừa bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván chứa thành phần ho gà vô bào (DTaP), vắcxin 6 trong 1 (DTaPHepB- Hib-IPV); xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin 6 trong 1, thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện, sản xuất quy mô công nghiệp.