Phân viện viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống xử lý xoài sau khi thu hoạch, giúp đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản.
Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước. Tuy nhiên, tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch xoài hiện còn khá lớn, trên 28% trong quá trình thu hoạch và vận chuyển. Ngoài ra, xoài sau khi thu hoạch không được làm sạch, xử lý nấm bệnh, loại bỏ mủ triệt để, và bảo quản ở điều kiện nhiệt độ phù hợp.
Trước thực tế đó, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền xử lý xoài sau thu hoạch, gồm máy rửa xoài, máy xử lý hóa lý và máy làm ráo. Các thiết bị nói trên có thể kết nối với nhau thành hệ thống dây chuyền liên tục.
Theo đó, xoài sau khi được phân loại sẽ được đưa vào làm sạch. Máy rửa xoài sử dụng các con lăn bàn chải với sợi cước nylon mềm, xoay tròn với tốc độ phù hợp, đánh sạch các vết bẩn, mủ dính trên bề mặt xoài mà không gây trầy xước. Độ cứng của cước trên các con lăn được làm phù hợp với các loại xoài có vỏ dày, mỏng khác nhau.
Sau khi qua công đoạn làm sạch, xoài được chuyển vào máy hóa lý để xử lý mầm bệnh. Máy hoạt động theo nguyên lý phun nước nóng (50 – 52°C) trực tiếp lên toàn bề mặt quả, trong khoảng thời gian nhất định tùy vào từng loại quả, kết hợp dùng thuốc diệt nấm được phép sử dụng, trong khoảng 10 phút. Sau đó, xoài được làm khô ở máy làm ráo bằng hai quạt ly tâm.
Cuối cùng, xoài được đem bao trái và bảo quản lạnh ở nhiệt độ 12 – 13°C, độ ẩm không khí từ 85 – 90%. Theo quy trình này, mủ xoài được xử lý triệt để, không còn dính da, gây ra bệnh nấm da hay thối đầu cuống.
Các máy có công suất 1 - 2 tấn/giờ; có thể dùng cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, kinh doanh xoài. Hệ thống nói trên đã được Công ty TNHH Kim Nhung (Đồng Tháp) đưa vào sử dụng, giúp bảo quản xoài Cát Chu và Đài Loan trên 30 ngày và đảm bảo chất lượng.
Kiều Anh