Một nhóm nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard tin rằng, các TikToker có thể khuyến khích mọi người bàn luận về những vấn đề sức khỏe tinh thần khác nhau và trở thành đối tác truyền thông hoàn hảo.

Đầu tháng Hai, Đại học Harvard đồng loạt gửi lời mời hợp tác đến 25 người trẻ trên khắp nước Mỹ. Điểm chung của 25 người này là họ đều có tầm ảnh hưởng nhất định trên TikTok, thông qua việc sản xuất những video mang nội dung về sức khỏe tinh thần. Vốn được biết đến là "TikTok content creator" (người sáng tạo nội dung trên TikTok), họ không quen với việc nhận được sự chú ý của giới học thuật; một số người còn tưởng rằng lời mời đến từ trường Harvard là… giả mạo.

Dĩ nhiên, làm sao mà họ ngờ được - các nhà khoa học đến từ Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard đã "tìm hiểu" về họ trong nhiều tuần, lọc ra từ vô số "TikToker" có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Sau cùng, các nhà khoa học chọn ra 25 người, dựa trên tiêu chí về sự nổi tiếng và chất lượng nội dung kênh của họ.

Amanda Yarnell, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Truyền thông Sức khỏe tại trường T.H. Chan School, người đứng đầu cuộc nghiên cứu. Ảnh: Sarah Blesener/The New York Times
Amanda Yarnell, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Truyền thông Sức khỏe tại T.H. Chan School, người chủ trì nghiên cứu. Ảnh: Sarah Blesener/The New York Times

Người phát ngôn về các vấn đề liên quan đến y tế công cộng trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ từng mô tả về tình trạng sức khỏe tinh thần của những người trẻ ở Mỹ là "cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng của thời đại chúng ta". Đối với một thế hệ dễ bị tổn thương và khó tiếp cận như vậy, mạng xã hội đóng vai trò như một nguồn thông tin chính. Và vì lẽ đó, trong cuộc thí nghiệm hiện trường được các nhà khoa học xã hội của Trường T.H. Chan khởi xướng đầu năm nay, một số TikToker đã trở thành một phần của cuộc thí nghiệm; mục tiêu của các nhà khoa học là thử "cài cắm" các nội dung đã được kiểm chứng khoa học vào trong các video của họ.

"Mọi người đều đang tìm kiếm thông tin, và họ tìm ở TikTok, Instagram và YouTube. Ai kiểm soát truyền thông trong những mảng này? Những người sáng tạo nội dung. Vậy nên chúng tôi đang xem làm cách nào để hòa nhập được với thời đại mới" - Amanda Yarnell, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Truyền thông Sức khỏe tại Trường T.H. Chan chia sẻ.

Câu trả lời trở nên rõ ràng hơn vào tháng Tám, khi một chiếc xe chở hơn chục TikToker dừng bên trong khuôn viên Trường Y Harvard. Mọi thứ về không gian này, những thức cột Ionic và khẩu hiệu khắc trên đá hoa cương, cho các vị khách biết họ đã đặt chân đến ngôi đền tối cao của giới y học.

Mỗi vị khách dường như đều đại diện cho nhóm khán giả của mình: có người xăm trổ, có người đeo khuyên tai to bản hình chữ LOVE; có người là chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần, TikTok chỉ là việc tay trái của họ; có người lại nổi tiếng trên TikTok nhờ vào việc thẳng thắn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về bệnh tâm lý, chứng rối loạn ăn uống, thậm chí là việc đã cố tự tử,...

Giữa khuôn viên ngôi trường, trông họ cũng giống như những đoàn khách tham quan. Vậy mà, cùng nhau, thông qua nhiều nền tảng, họ đã điều khiển một cộng đồng tới 10 triệu người theo dõi.

Nhóm TikToker thực hiện hoạt động đi bộ chánh niệm trong khuôn viên trường Harvard, cùng với các nhà khoa học. Ảnh: Harvard
Nhóm TikToker thực hiện hoạt động đi bộ chánh niệm trong khuôn viên Trường Y Harvard, cùng với các nhà khoa học. Ảnh: Harvard

Bước 1: Đối tượng

Samantha Chung, 30 tuổi, với tài khoản TikTok tên @simplifying.sam, vốn không phải là chuyên gia tâm lý. Hai năm trước, một video cô đăng trên TikTok về chủ đề "sức mạnh của tiềm thức" - sử dụng tâm trí để có được những thay đổi mong muốn - đã thu hút nhiều lượt xem đến mức cô nhận ra mình có thể thu phí để hướng dẫn từng người.

Hiện tại Samantha Chung đang cung cấp các "gói" dịch vụ kéo dài từ ba đến sáu tháng. Cô thấy không cần phải tốt nghiệp hay lấy chứng chỉ; cách tiếp cận của cô, như cô nói, là "truyền sức mạnh cho khách hàng chứ không phải chẩn đoán họ". Cô có một kênh podcast, một bộ sách đã xuất bản và 813.000 người theo dõi trên TikTok.

Trong buổi học đặc biệt về sức khỏe tinh thần tại Harvard. Ảnh: Harvard
Trong buổi học đặc biệt về sức khỏe tinh thần tại Harvard. Ảnh: Harvard

Tại Harvard, các vị khách được đối xử như quý tộc, vừa ăn buffet vừa nghe bài giảng về chất lượng không khí và truyền thông sức khỏe. Đôi khi, các giảng viên sẽ sử dụng thuật ngữ chuyên môn, đề cập đến mô hình hồi quy đa biến và mô hình lý thuyết sinh thái của Bronfenbrenner.

Jaime Mahler, một nhà tư vấn tâm lý được cấp phép, đã bày tỏ ý kiến về cách dạy này. Trong các video TikTok của mình, cô tự hào về khả năng chắt lọc và biến những vấn đề phức tạp thành ý tưởng dễ hiểu. Theo cô, về mặt này thì Harvard có thể học hỏi nhiều từ TikTok.

Sau những buổi học, Samantha Chung được truyền cảm hứng đến mức đã tuyên bố với mọi người rằng, từ giờ cô sẽ dùng TikTok với tư cách một nhà hoạt động. "Tôi bước ra khỏi nơi này, biết rằng giờ mình đã là một người dẫn dắt về sức khỏe cộng đồng".

Bước 2: Thí nghiệm hiện trường

Nhiều học giả có cái nhìn không mấy thiện cảm với các kênh TikTok về sức khỏe tinh thần. Họ coi đó như một vùng đất hoang dã với những lời khuyên phản khoa học và sự khái quát hóa quá mức. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các nền tảng truyền thông xã hội thường bóp méo những hướng dẫn y tế chính thống, đưa người xem tránh xa khỏi phương pháp khoa học (như liệu pháp nhận thức hành vi và thuốc chống trầm cảm), thay vào đó khuyến khích các phương pháp rủi ro chưa được kiểm chứng (như kiềm chế xuất tinh).

Vốn gặp khó khăn trong việc kiểm duyệt những nội dung như vậy, TikTok vừa qua đã thông báo rằng khi người dùng tìm kiếm thông tin về các tình trạng như trầm cảm hay lo âu, họ sẽ được chuyển hướng đến nguồn thông tin từ Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia và phòng khám Cleveland Clinic.

Theo các nhà nghiên cứu, trong trường hợp tệ nhất, mạng xã hội có thể trở thành một căn buồng vang tối, nơi người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin, thông điệp, quan điểm phản ánh và củng cố quan điểm sẵn có của họ về việc tự hủy hoại hay chứng rối loạn ăn uống.

"Tâm trạng chúng ta cứ thế bị chìm xuống. Nếu chúng ta cảm thấy ủ rũ và nhìn mọi thứ u ám, và vì lý do nào đó mà ta lại bị thu hút vào những điều đó, ta sẽ rơi xuống càng ngày càng sâu. Và chúng ta có thể ngồi yên hàng tiếng đồng hồ để xem video của những người chỉ muốn chết đi" - Corey H. Basch, Giáo sư Sức khỏe Cộng đồng từ Đại học William Paterson, người dẫn đầu một nghiên cứu năm 2022 phân tích 100 video TikTok với hashtag #mentalhealth, chia sẻ.

Hashtag #mentalheath đã đạt được hơn 4 tỉ lượt truy cập trên TikTok. Ảnh: Internet
Hashtag #mentalheath đã đạt hơn 4 tỉ lượt truy cập trên TikTok. Ảnh: Internet

Amanda Yarnell, Giám đốc cao cấp của Trung tâm Truyền thông Sức khỏe Trường T.H. Chan, lại nhận thấy TikTok là "một nơi phong phú và thú vị" dành cho các nhà khoa học. Cô nhìn nhận những TikToker có tầm ảnh hưởng không giống như những kẻ nghiệp dư bị nghiện mạng xã hội, mà như các công ty truyền thông độc lập.

Ngoài ra, theo cô, họ rất giỏi trong lĩnh vực của mình. "Họ hiểu khán giả của mình cần gì. Họ kể vô vàn câu chuyện và từ đó giảm bớt những định kiến. Họ đã và đang đóng một vai trò to lớn, khuyến khích mọi người bàn luận về những vấn đề sức khỏe tinh thần khác nhau. Họ là một đối tác truyền tải hoàn hảo".

Chính bởi góc nhìn này, Yarnell đã thiết kế cuộc thử nghiệm để xác định xem liệu có thể thuyết phục các TikToker phổ biến nội dung có tính khoa học hơn hay không. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu của cô lập ra một danh sách gồm 105 TikToker vừa có sức ảnh hưởng vừa có vẻ đáng tin cậy (chẳng hạn, những người không tán thành việc dùng thuốc giảm cân, không làm những video kiểu "5 dấu hiệu cho thấy bạn bị tăng động"). 42 người trong số đó đã đồng ý tham gia vào nghiên cứu (dù không được trả tiền), sau đó họ nhận được một bộ công cụ kỹ thuật số chia thành năm chủ đề cốt lõi: sự khó khăn khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sang chấn xuyên thế hệ, mối liên kết giữa tâm trí và cơ thể, ảnh hưởng của phân biệt chủng tộc đối với sức khỏe tinh thần, và cuối cùng là mối lo về khí hậu.

Một danh sách ngắn hơn, gồm 25 TikToker, được nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý. Họ được mời tham gia các diễn đàn online kéo dài trong nhiều giờ, và cuối cùng được đón tiếp tại Trường Y Harvard.

Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi các bài đăng của những TikToker này, để xem bao nhiêu nội dung do Harvard cung cấp sẽ được họ đưa lên mạng.

Bước 3: Những khó khăn sau cuộc thử nghiệm

Một tháng sau buổi gặp gỡ tại Harvard, TikToker Havekost gặp phải khó khăn. Cô chia sẻ rằng, không phải là cô không quan tâm đến trách nhiệm của một người làm nội dung về sức khỏe cộng đồng, nhưng cô không tìm được cách nào đơn giản để lồng ghép các thông điệp đó vào trong video của mình. Nội dung trước giờ cô thường đăng tải là hình ảnh bản thân tự do nhảy múa hay nhìn vào camera với ánh mắt trìu mến, cùng lúc phần chữ chạy ngang màn hình. Theo cô, người theo dõi đã biết rõ phong cách giao tiếp của cô, nếu cô thêm các trích dẫn nghiên cứu vào video, sẽ chỉ mang lại cảm giác "giả trân" mà thôi.

Tucker cũng gặp tình trạng tương tự. Có 1,1 triệu người theo dõi trên TikTok, anh biết rõ chủ đề nào thu hút người xem. Tổn thương, lo lắng, các mối quan hệ độc hại, tính ái kỷ, "những thứ này gây nghiện" - Tucker nói, "Về cơ bản, đó là những thứ nuôi dưỡng tâm lý nạn nhân".

Tucker đã thử đăng tải một vài video dựa trên nghiên cứu của Harvard - ví dụ, về cách não phản ứng với âm thanh của nước - nhưng không mấy người xem. Anh nghĩ điều này có thể là do thuật toán của TikTok.

"TikTok không thực sự giúp lan tỏa các nghiên cứu có ích. Họ chỉ cố gắng giữ người xem video càng lâu càng tốt để có lợi thế với các nhà quảng cáo" - Tucker nói.

Đối với Speer thì khác. Sau khi trở về từ Harvard, cô nhận được email từ S. Bryn Austin, Giáo sư Khoa học Xã hội và Hành vi, đồng thời là chuyên gia về chứng rối loạn ăn uống, với lời đề nghị hợp tác thực hiện chiến dịch cấm bán thuốc giảm cân cho trẻ vị thành niên ở New York.
Speer bắt tay vào làm một video ngắn giới thiệu và đề xuất xin tài trợ. Khi hè dần chuyển sang thu, cuộc đời cô cũng rẽ sang một hướng khác. Cô nói: "Đây là điều tôi muốn làm. Tôi muốn làm vì mục đích tốt đẹp, thay vì là những thứ như kiểu… son bóng".

Bước 4: Tác động ở mức độ hệ thống

Đầu tháng Mười, Amanda Yarnell cùng cộng sự đã trình bày về kết quả thí nghiệm.

Thành công rồi, họ tuyên bố. 42 TikToker đã nhận lời tham gia nghiên cứu của Harvard có khả năng đăng nội dung về các chủ đề mà nhóm nghiên cứu cung cấp cao hơn 3%. Mặc dù con số có vẻ nhỏ, nhưng những TikToker này có một lượng người theo dõi lớn, đến mức những nội dung mới bổ sung thêm đã có hơn 800.000 lượt xem.

Những "thành công" của nghiên cứu này trông không giống với các nghiên cứu khác được bình duyệt. Chúng có hình hài như @drkojosarfo, một y tá chuyên khoa tâm thần học với 2,4 triệu người theo dõi, khiêu vũ trong nhà bếp cùng với hàng chữ về mối liên kết giữa tâm trí và cơ thể; hoặc như @latinxtherapy, phê phán các công ty bảo hiểm trong khi hát nhép theo bài hát của Shawty Bae.

Có vẻ như kết quả này có được là nhờ vào việc phân phát tài liệu giấy, chứ không có kết quả khác biệt nào đối với 25 người đã được tương tác sâu hơn cùng các giảng viên Harvard. Yarnell cho biết điều này khá bất ngờ nhưng cũng là tin tốt, bởi các bộ công cụ kỹ thuật số không tốn kém mấy và rất dễ mở rộng quy mô.

Amanda Yarnell (áo khoác xanh) cùng các giảng viên khác và các TikToker tại Harvard. Ảnh: Harvard
Amanda Yarnell (áo khoác xanh) cùng các giảng viên khác và các TikToker tại Harvard. Ảnh: Harvard

Một kết quả khác đã không được hiển thị trên dữ liệu: sự hình thành các mối quan hệ mới.

Phía dưới khán giả, Timm Chiusano, một ông bố "nổi tiếng" người Brooklyn, đang băn khoăn làm cách nào để xây dựng mối quan hệ đối tác của riêng mình với Trường T.H. Chan. "Tôi sẽ tải bộ công cụ đó ngay khi có thể" - anh nói.

Nhưng ai đã thúc đẩy ai? Jaime Mahler, một trong 25 TikToker được mời đến Harvard, chia sẻ: "Harvard có nền tảng kiến thức phong phú. Giá mà họ khám phá ra cách kết nối với những người muốn tìm hiểu nghiên cứu".

Theo Mahler, có những người dành 10 năm cho một dự án nghiên cứu, rồi công bố nó, "có thể nó sẽ giành được chú ý, nhưng đôi khi nghiên cứu đó không bao giờ đến được với công chúng để tạo ra những thay đổi đáng kể. Tôi buồn thay cho những trường hợp ấy".

Nguồn: