Hàn Quốc là một trong những chính phủ đầu tiên bỏ tiền đầu tư vào ngành công nghiệp non trẻ này. Điều này có thể cung cấp một kế hoạch chi tiết cho các nước khác tham khảo.
Là một phần của Thỏa thuận kỹ thuật số mới, một chương trình đầu tư vào các công nghệ mới trong nền kinh tế đất nước, Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc có kế hoạch khởi động ngành công nghiệp metaverse bằng cách hỗ trợ các công ty và tạo ra việc làm trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Lim Hyesook gọi metaverse là “một lục địa kỹ thuật số chưa được khám phá với tiềm năng vô hạn”, và chính phủ sẽ dành 223,7 tỷ won (~177,1 triệu USD) cho nỗ lực đó.
Ở cấp thành phố, chính quyền Seoul đang xây dựng một nền tảng metaverse trị giá 3,9 tỷ won (~31,5 triệu USD) để cho phép công dân tiếp cận các dịch vụ công cộng trên mạng ảo.
Từ năm ngoái, metaverse (vũ trụ ảo) đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên toàn cầu khi đề cập đến các công nghệ như thực tế ảo và đặt ra ý tưởng rằng mọi người có thể chơi và sống trong thế giới ảo. Gã khổng lồ Facebook thậm chí còn đổi tên thành Meta và cam kết sẽ tập trung phát triển tương lai vào metaverse. Tất cả những công nghệ mới mẻ này đều nằm trong một ô dù lớn hơn gọi là WEB3, một thế hệ Internet mới bao gồm metaverse, thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ blockchain, cũng như các tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử và các mã không thể thay thế (NFTs).
Hàn Quốc là nước đầu tiên thận trọng bước chân vào metaverse. “Thật thú vị, mataverse chủ yếu nằm ở khu vực tư nhân và các sáng kiến, xu hướng công nghệ lớn. Các chính phủ đã không làm gì nhiều, ngoại trừ Hàn Quốc”, Yugal Joshi, một đối tác tại công ty nghiên cứu Everest Group, chia sẻ.
Mặc dù chưa có động thái chính thức như Hàn Quốc, một số cơ quan chính phủ khác ở châu Á cũng đang chú ý đến vấn đề này. Vào tháng 12 năm ngoái, CNBC đưa tin chính quyền Thượng Hải khuyến khích xây dựng các dịch vụ công cộng trong đó có cân nhắc đến yếu tố metaverse. Joshi nhận xét rằng “bất cứ điều gì làm cho mọi người đến với nhau thì sẽ làm cho các chính phủ quan tâm”.
Ở Trung Quốc, những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Alibaba đã thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm metaverse bằng cách đầu tư vào một công ty khởi nghiệp kính thực tế ảo. Hoạt động metaverse ở châu Á, giống như phần còn lại của thế giới, vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Các công ty đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc tìm kiếm những ứng dụng dẫn đầu có thể tạo ra chiến thắng lớn.
Tuy nhiên, bất chấp sự quan tâm ngày càng tăng ở khu vực tư nhân và kế hoạch của chính quyền Hàn Quốc, hiện không có quốc gia nào nổi lên với lợi thế dẫn đầu rõ ràng. “Các chính phủ vẫn chưa quyết định được sẽ dùng metaverse như thế nào bởi vì toàn bộ hệ sinh thái vẫn chưa chắc chắn. Nó vẫn đang trong quá trình xây dựng”, Joshi nói.
Do đó, làm thế nào để công nghệ metaverse phù hợp với các quy định hiện hành là một trong nhiều câu hỏi mà các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn đối mặt trong những năm tới. Chẳng hạn NFTs, một phần quan trọng của metaverse, vẫn nằm trong khu vực pháp lý “màu xám” ở Hàn Quốc và không phải tuân theo các quy tắc tương tự như tiền điện tử. Phát ngôn viên của Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc từ chối bình luận ngoài các tuyên bố công khai đã đưa.
Nhưng hiện tại, việc áp dụng NFTs hoặc tiền điện tử ở Hàn Quốc vẫn chưa bị hạn chế. Nhiều tên tuổi lớn đang tham gia vào xu hướng này. Cuối năm ngoái, nhóm nhạc K-POP nổi tiếng BTS đã công bố một dự án NFT. Bất chấp một số phản ứng dữ dội từ người hâm mộ về những lo ngại môi trường, dự án vẫn đang tiến triển. Trong khi đó, gã khổng lồ công nghệ LG Electronics của Hàn Quốc đã ra mắt một bộ phận chuyên về blockchain và tiền điện tử vào đầu năm nay.
Nhận thức rủi ro
Javier Floren, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp NFT DNAverse, cho biết các quốc gia thử nghiệm các công nghệ mới sẽ hiểu rõ hơn về chúng trong tương lai, mặc dù thử nghiệm thường đi kèm với một số rủi ro. Tiền điện tử nổi tiếng là dễ bay hơi như người ta vừa chứng kiến sự sụp giá vào tháng năm. Đất nước El Salvador, nơi tiên phong thực hiện đấu thầu hợp pháp bitcoin, đã phải chịu tổn thương trước những biến động như vậy.
Floren nói rằng các rủi ro sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia khác nhau tiếp cận khía cạnh pháp lý. “Với bất kỳ công nghệ mới hoặc hệ sinh thái đột phá nào và những nơi mới để tương tác, sẽ có những vấn đề, thách thức và những mối nguy hiểm.” Các chính phủ sẽ cần phải “thay đổi một chút suy nghĩ của họ” để hiểu được cả cơ hội và rủi ro, chẳng hạn như bảo vệ quyền riêng tư của người dùng hoặc mối đe dọa lừa đảo.
Ông nhấn mạnh rằng, ban đầu sẽ không có bất kì sự hỗ trợ pháp lý hoặc bảo hiểm nào của các tổ chức chính thức, vì vậy chính phủ phải bắt đầu tìm hiểu cách WEB3 đang di chuyển trong không gian mới, vì các giao thức hiện tại chắc chắn sẽ không hoạt động trong không gian mới.
Thị trưởng Seoul ông Oh Se-hoon tham dự sự kiện với tư cách là một avatar trong nền tảng metaverse để minh họa về kế hoạch của thành phố khởi động các dịch vụ công trên nền tảng metaverse vào năm 2022. Ảnh: Chính quyền thành phố Seoul
Công ty Meta hình dung ra một metaverse trong đó mọi người giao tiếp trong thế giới kỹ thuật số thông qua avatar (nhân vật đại diện). Nhưng một trải nghiệm kỹ thuật số mới lạ cũng vẫn mang lại những vấn đề cũ. Các câu hỏi về quyền riêng tư, bảo mật, an toàn và phòng chống các hoạt động bất hợp pháp vẫn sẽ là những thách thức đối với các nền tảng và cho cả những cơ quan giám sát chúng.
Trong bối cảnh này, Hàn Quốc có kế hoạch thành lập một cơ quan để cùng đưa các Bộ vào giám sát những vấn đề như bảo vệ dữ liệu, chống lại hành vi bất hợp pháp và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhưng nếu metaverse trở nên phổ biến như những người ủng hộ nó kỳ vọng thì sẽ cần đến sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các cơ quan khác nhau.
Viện Kỹ thuật và Công nghệ, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã công bố một báo cáo vào tháng tư, trong đó nêu ra những lo ngại của mình xung quanh các nội dung về lạm dụng hoặc hành vi bất hợp pháp trong metaverse. Trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Báo cáo trích dẫn một cuộc khảo sát cho thấy 2/3 số phụ huynh không hiểu metaverse hoạt động như thế nào hoặc con cái họ đang truy cập những nội dung gì.
“Hiện không ai [cha mẹ] nghĩ về metaverse như một điều có nghĩa. Điều này thật không may vì nó thực sự quan trọng. Đây cũng chính là điều đã xảy ra đối với các phương tiện truyền thông xã hội”, Joshi nói.
Ông cũng đề cập thêm rằng có rất nhiều công ty đang nhảy vào metaverse mà không kiểm tra những rủi ro cụ thể đó: “Tôi không biết nhiều lĩnh vực mà ở đó các nhà xây dựng nên các nền tảng hoặc các công ty hoạt động trên nền tảng thực sự suy nghĩ về những [rủi ro] này”