Khi Mark Zuckerberg tuyên bố Facebook sẽ chính thức đổi tên thành Meta giữa những tố cáo của Frances Haugen, một cựu kỹ sư dữ liệu của Facebook, về bằng chứng cho sự tắc trách của công ty này xung quanh một chuỗi những bê bối về chính trị - xã hội.
Giới quan sát công nghệ không khỏi cảm thấy bi quan cho sự khủng hoảng đạo đức của Zuckerberg nói riêng, và của tập đoàn mạng xã hội do Zuckerberg đứng đầu nói chung.
Thuật toán của Facebook ưu tiên cho các post có nhiều phản ứng giận dữ, bởi càng giận dữ, người ta càng bình luận và chia sẻ nhiều. Ảnh: The Washington Post.
Thực tại mục ruỗng của Facebook
Mark Zuckerberg tuyên bố tại sự kiện Connect 2021 rằng công ty Facebook chính thức đổi tên thành Meta, với mục đích tập hợp toàn bộ các ứng dụng và dự án công nghệ của công ty này dưới một thương hiệu chung, và chính thức đẩy mạnh việc xây dựng một ‘metaverse’. Việc đổi tên này có lẽ sẽ không thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ giới quan sát công nghệ nếu trước đó Facebook không vướng phải vụ bê bối mang tên “Facebook Papers” (Tạm dịch là Tài liệu Facebook).
Facebook Papers được khởi xướng đầu tiên từ loạt bài điều tra của tờ Wall Street Journal dựa trên những tài liệu rò rỉ bởi Frances Haugen, cựu nhân viên của Facebook. Điều đáng nói, Haugen được tuyển vào nhóm “Liêm chính Công dân” gồm 200 người trong công ty, vốn có nhiệm vụ nghiên cứu giải pháp cho các tin bịa đặt, phát ngôn thù ghét và sự đàn áp của chính phủ lên người dân trên Facebook. Tuy nhiên, Haugen và những người đồng nghiệp nhanh chóng bị “vỡ mộng”: Quyết tâm muốn “dọn dẹp” chính mình của Facebook gần như chỉ mang tính hình thức.
Những tài liệu rò rỉ của Haugen cho thấy rằng, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này nhận thức rất rõ, chính xác hơn là công ty này có nghiên cứu nội bộ, rằng chính Facebook đã tạo điều kiện cho việc phát tán những tin bịa đặt, đặc biệt là những tin bịa đặt về vaccine trong đại dịch COVID-19; thậm chí Facebook còn chủ ý trao cho một số tài khoản nhiều quyền lực hơn các tài khoản khác, gián tiếp cho phép họ thoải mái tung ra những phát ngôn bôi nhọ, vu khống, thù ghét người khác, hình ảnh khiêu dâm trên nền tảng của mình, thao túng dư luận; Còn Instagram – một sản phẩm khác của Facebook là nguyên nhân gây ra những tổn thương tâm lý cho đại đa số người dùng nữ ở tuổi vị thành niên… Tuy nhiên, công ty này không làm gì hoặc làm rất ít để sửa chữa những lỗi lầm nghiêm trọng đó, nhất là, nếu điều đó phải đánh đổi bằng sự tăng trưởng ngắn hạn của công ty1.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích những mạng xã hội như Facebook “đang giết người” bởi nó thúc đẩy những tin bịa đặt tràn lan trên mạng về vaccine, là một trong những nguyên do khiến tỉ lệ tiêm chủng vaccine ở Mỹ thấp. “Hãy nhìn đi, đại dịch duy nhất mà chúng ta đang có là ở những người chưa tiêm vaccine – và đó là lí do tại sao chúng (mạng xã hội) đang giết người”.
Theo một báo cáo đưa ra của nhóm vận động xã hội Avaaz, năm 2020, số lượng các thông tin sai lệch trên Facebook gấp bốn lần số lượng tin, bài từ 10 nguồn tin uy tín hàng đầu thế giới. Các nhà nghiên cứu ở Facebook tìm ra cách quét sơ bộ các bình luận trên facebook và nhận ra rằng, các tin chống vaccine “nở rộ” trong các bình luận của Facebook, đúng hơn là với mức độ “được hưởng ứng gấp đôi” các post. Tuy nhiên, các kĩ sư của Facebook phải thừa nhận rằng những bộ lọc tin vịt của Facebook gần như vô dụng với các bình luận. Những nỗ lực khác của Facebook như điều chỉnh xếp hạng của các thông tin liên quan đến sức khỏe theo hướng các thông tin sai lệch sẽ xuất hiện ít thường xuyên cũng không mấy hiệu quả. Còn Mark Zuckerberg- người đứng đầu Facebook, vốn từng tuyên bố “ưu tiên hàng đầu của tôi là đảm bảo mọi người đều đọc những thông tin chính xác và đáng tin cậy”, lại luôn kháng cự lại việc can thiệp vào các tài khoản cá nhân. Kể cả khi những tài khoản đó phát tán thông tin gây hại. Theo điều tra trong nội bộ Facebook, hầu hết các tin bịa đặt về đại dịch và vaccine là do chỉ một số ít tài khoản mạnh mẽ thêu dệt và mở rộng người theo dõi.
Nhưng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này không chỉ là “trùm” chứa thông tin sai lệch mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những phát ngôn thù ghét. Mặc cho các kĩ sư nhấn mạnh rằng, không thể có một mô hình khả thi nào để tự động tìm kiếm những phát ngôn có hại, Facebook vẫn muốn dựa vào AI và học máy để lọc thông tin thay vì thuê thêm người làm thủ công. Trên thực tế, Facebook thậm chí còn cắt giảm nhân công rà soát các thông tin gây hại dù AI của công ty này phát hiện và không phát hiện nổi 10% tin tức độc hại, thậm chí AI còn thường xuyên nhầm lẫn thông tin giải trí với thông tin bạo lực.
Việc Facebook “dựa dẫm” vào công cụ tự động để “dọn dẹp” nền tảng này còn có những tác động tiêu cực. Vào năm 2018, mạng xã hội này đã có một thay đổi lớn trong thuật toán – tăng cường các “tương tác ý nghĩa” trên Facebook. Facebook từng tuyên bố rằng thay đổi này là để người dùng chứng kiến tin tức đầy tình cảm của bạn bè, người thân nhiều hơn là những tin quảng cáo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra lỗ hổng cho nhiều tài khoản tung tin bịa đặt về chính trị theo hướng thao túng cảm xúc của người đọc. Các nhân viên công ty đã nhanh chóng cảnh báo mặt thiếu lành mạnh của sự thay đổi này. Tuy nhiên, người đứng đầu công ty không muốn hành động. Lí do là, sự điều chỉnh thuật toán này dù khiến Facebook trở thành một nền tảng độc hại hơn, chia rẽ phân cực hơn, ngập tràn sự giận dữ hơn, nhưng nó lại kích thích nhiều tương tác – tức người dùng bấm “thích” nhiều hơn, “chia sẻ” nhiều hơn, và đặc biệt là “bình luận” nhiều hơn. Mà với Facebook, tương tác là chỉ số đo sự phát triển của công ty.
Không phải mọi tài khoản đều bình đẳng trên Facebook như tuyên bố, có những tài khoản nhiều đặc quyền hơn các tài khoản khác. Những tài khoản có đặc quyền này thường thuộc sở hữu của những người có ảnh hưởng và nổi tiếng hoặc các chính trị gia. Đặc quyền ở đây, là đứng trên những chính sách và tiêu chuẩn của Facebook. Thậm chí, Facebook còn yêu cầu các đối tác kiểm chứng thông tin hãy tránh những tài khoản này ra. Nhưng khi tung tin bịa đặt, phát ngôn thù ghét, phát tán những nội dung khiêu dâm hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác, chính những tài khoản này mới có tác động sâu rộng đến cộng đồng. Các nhà nghiên cứu trong Facebook đã lên tiếng nhiều trường hợp như vậy, nhưng các tài khoản đó còn không bị xóa hay khóa ngay lập tức.
Tranh biếm họa về việc Facebook châm ngòi cho phát ngôn thù ghét, thuyết âm mưu, bạo lực, tin bịa đặt, tin chia rẽ. Ảnh: syracus.com
Có lẽ, điều gây chấn động nhất trong hồ sơ Facebook vừa qua là ảnh hưởng của Istagram – mạng xã hội do Facebook sở hữu, tới tâm lí của trẻ vị thành niên. Nghiên cứu nội bộ của Facebook chỉ ra rằng cứ ba trẻ vị thành niên nữ ở Mỹ, thì có một trẻ cảm thấy tồi tệ hơn về cơ thể của mình khi xem Instagram. Họ còn đi sâu hơn khi chỉ ra rằng những vấn đề về tâm lý của trẻ vị thành niên, đặc biệt là các em gái, thường có nguồn gốc cụ thể từ Instagram chứ không phải mạng xã hội nói chung. Instagram được xây dựng dựa trên việc thúc đẩy các so sánh xã hội, đề cao những giá trị về tiền bạc, sắc đẹp và thành công của con người. Những trẻ em mới lớn thì lại càng nhạy cảm với điều đó. Nghiên cứu này được chuyển đến những lãnh đạo cấp cao nhất của công ty, nhưng Facebook gần như không làm gì để thay đổi. Mark Zuckeberg không đề cập đến kết quả nghiên cứu này khi bị Quốc hội chất vấn. Thậm chí, công ty này còn tối ưu thuật toán và các công cụ chỉnh ảnh xoáy sâu vào những so sánh hình thể, gương mặt giữa người dùng, nhằm giữ chân những em nữ tham gia vào mạng xã hội này chặt hơn nữa.
Những vấn đề nói trên đang và sẽ tồi tệ hơn ở những quốc gia ngoài Mỹ và Canada, đặc biệt là những nước đang phát triển – nơi đóng góp cho Facebook hơn 90% người dùng mới mỗi tháng. Các nhà hoạt động xã hội và nhiều nhân viên trong Facebook đều nhận định rằng, công ty này làm quá ít để bảo vệ người dùng của mình ở các quốc gia nghèo. Nhiều nhân viên nghiên cứu trong Facebook đã bày tỏ nỗi xấu hổ, bức xúc khi nhiều quyết định của công ty đã tạo điều kiện để người dùng đăng tải những video giết người, kích động bạo lực, đe dọa những người bất đồng chính kiến và thậm chí là đăng quảng cáo buôn người ở các quốc gia đang phát triển. Khi phát hiện ra những hành vi đó, Facebook không xóa hoàn toàn những tài khoản vi phạm. Nếu có xóa, Facebook cũng không có những hành động mang tính hệ thống để ngăn chặn những sai phạm tương tự tiếp diễn.
Frances Haugen được mời đến tường trình trước Quốc hội về vấn đề của Facebook vào ngày 5/10/2021. Hồ sơ Facebook cũng được mở cho các cơ quan báo chí truyền thông khai thác. Cần nhớ rằng đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị tố cáo. Vào năm 2018, Christopher Wylie đã tiết lộ việc Facebook đã để cho công ty Cambridge Analytica thu thập thông tin và mối quan hệ của hàng triệu người dùng. Từ năm 2018 đến năm 2020, một cựu nhân viên khác của Facebook cũng lên tiếng rằng công ty này đã phớt lờ các tổ chức chính quyền tạo ra các tương tác giả để thao túng dư luận. Trước đó, Facebook cũng đã chịu tai tiếng trong việc xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.
Những cáo buộc của Haugen giống như giọt nước tràn ly. Nó đặc biệt được chú ý bởi báo chí và công chúng tại thời điểm mà danh tiếng của Facebook đã chịu nhiều tổn hại trong nhiều năm liền, đồng thời giúp xác nhận những chỉ trích mà giới chuyên gia đã liên tục đưa ra về Facebook trong gần một thập kỷ qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden buộc tội mạng xã hội như Facebook đang “giết người” vì góp phần phát tán những tin bịa đặt về vaccine và đại dịch. Ảnh: Oprahdaily.com
Metaverse là gì, và liệu đây có phải là cứu rỗi cho Facebook?
Tuy nhiên, không đả động gì về những tác hại xã hội đó, đi kèm với việc đổi tên thành tập đoàn Meta, Facebook đang mải vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi sáng mà họ sắp tạo ra – metaverse.
Metaverse – tạm dịch là siêu vũ trụ được Mark Zuckerberg hứa hẹn trong Facebook Connect là tương lai của Internet di động, một internet được nhúng trong mắt kính, một internet cho phép chúng ta là một phần của trải nghiệm chứ không bị ngăn cách bởi màn hình máy tính.
Người dùng các sản phẩm của Meta từ nay sẽ có thể chia sẻ các trải nghiệm nhập sâu vai với bạn bè và đồng nghiệp ngay cả khi không ở cùng nhau ở không gian vật lý. Trong đoạn phim giới thiệu về metaverse, chỉ cần đeo một thiết bị lên mắt hoặc đầu, mỗi người sẽ trở thành một nhân vật hoạt hình để có thể họp mặt bạn bè, cùng nhau tới các buổi biểu diễn ca nhạc, cùng tổ chức tiệc với người thân trong một không gian ảo. Mark Zuckerberg dùng từ “đẹp đẽ”, “tràn ngập niềm vui”, “tuyệt vời” để nói về những tương tác trong metaverse.
Tuy nhiên, giới quan sát công nghệ không tin vào điều đó. Người ta cho rằng, Facebook không thể chạy trốn khỏi thực tại. Trái lại, tất cả những vấn đề xã hội mà Facebook tạo ra, sẽ được kéo vào metaverse, thậm chí là ở mức độ nguy hiểm hơn mà tất cả chúng ta đều chưa sẵn sàng đối mặt.
Khi Mark Zuckerberg nói rằng người dùng trong metaverse toàn quyền quyết định ai sẽ bước vào bong bóng của họ, ai sẽ bị chặn ở ngoài, người ta lo sợ về một tương lai mà những tranh cãi trên internet càng ngày càng chia rẽ và phân cực, con người càng khó chấp nhận những quan điểm khác biệt của người khác trên mạng2.
Khi Mark Zuckerberg vẽ ra viễn cảnh rằng metaverse sẽ mở để người dùng có thể sử dụng liên thông sản phẩm của ứng dụng này sang ứng dụng khác, người ta nghi ngờ điều đó khi nhìn thói quen thâu tóm các đối thủ của Facebook trong hai thập kỉ qua3. Gần đây, Facebook/Meta còn khóa một tài khoản Instagram có tên là metaverse của một nghệ sĩ được lập ra hơn 10 năm mà không đưa ra một lí do nào4. Khó có thể tưởng tượng được rằng Facebook chấp nhận trở thành một phần nhỏ của siêu vũ trụ - metaverse. Dù bản chất metaverse có mở đến đâu, Meta vẫn sẽ muốn một quyền lực tập trung, sẽ tham gia sâu hơn, kiếm lợi nhiều hơn từ các mối quan hệ, nghề nghiệp, quan điểm chính trị và các giao dịch của chúng ta trên mạng.
Tên gọi ‘metaverse’ thực ra xuất phát từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash xuất bản vào năm 1992 của Neal Stephenson. Trong tưởng tượng của Stephenson, internet của tương lai (nhìn từ những năm 90 của thế kỷ trước) sẽ được cấu thành bởi các không gian 3D liên tục, kết nối cùng nhau để tạo nên một siêu vũ trụ hoàn chỉnh. Metaverse hiện lên trong mắt của người dùng là một không gian đô thị bên một con đường duy nhất rộng một trăm mét và chạy dài 216 km cuốn lại thành một hành tinh hình cầu. Các công ty tập đoàn trong thế giới thực muốn hiện diện trong thế giới ảo phải trả tiền cho Tập đoàn Giao thức Đa phương tiện Toàn cầu để mua bất động sản số. Các cá nhân muốn bước vào thế giới này cũng phải trả tiền truy cập để có được hình đại diện chất lượng cao, còn nếu không, họ chỉ là những nhân vật mang màu trắng-đen nhiễu mờ trong thế giới ấy. Trong tiểu thuyết của Stephenson, một bộ phận dân số trong xã hội tự nguyện lựa chọn sống trong metaverse bằng cách luôn luôn đeo thiết bị di động cồng kềnh trên mặt – họ được đặt biệt danh là “gargoyles” – những nhân vật quái dị thường hay xuất hiện trong truyện cổ phương Tây – do vẻ ngoài kỳ dị của họ. Viễn cảnh về metaverse do Stephenson vẽ ra là một viễn cảnh phản địa đàng mang tính châm biếm và phê phán; điều đáng mỉa mai là Zuckerberg và giới lập trình công nghệ dường như bỏ qua hoàn toàn tính phê phán này, và dùng các hình ảnh viễn tưởng này như là kim chỉ nam cho xu hướng phát triển công nghệ của họ.
Việc Zuckerberg lẳng lặng sử dụng khái niệm metaverse và xa hơn là tái định dạng thương hiệu của Facebook thành Meta thể hiện sự nghèo nàn trí tưởng tượng, thậm chí là tầm thường đến phản cảm của Zuckerberg trong nỗ lực đánh lạc hướng dư luận ra khỏi những khủng hoảng nghiêm trọng không chỉ về danh tiếng, mà còn về tương lai phát triển của tập đoàn mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Liệu metaverse của Facebook có thành sự thật?
Ngay sau khi metaverse được công bố là dự án lớn nhất sắp tới của Facebook/Meta, giới quan sát công nghệ lập tức nổ ra những chỉ trích mang tính giễu cợt bởi sự thiếu tính thực tế và sáo rỗng của dự án này. Metaverse mà Zuckerberg vẽ ra lệ thuộc vào sự trưởng thành của các công nghệ VR/AR/MR (hiện thực ảo, hiện thực tăng cường, hiện thực hỗn hợp); trên thực tế, các công nghệ này chưa đạt được mức trưởng thành mà Zuckerberg tưởng tượng, và còn rất xa để các công nghệ này có thể được chế tạo với giá thành đủ thấp để đại đa số người dùng có thể đủ khả năng chi trả cho các thiết bị phần cứng này.
Facebook lần đầu tiên nhúng chân vào phần cứng khi mua lại Oculus, nhà sản xuất phần cứng thực tế ảo, vào năm 2014. Sau khi mua lại Oculus, Facebook lúc bấy giờ thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển phần cứng có tên là Building 8 vào năm 2016, đặt ra vô vàn những lời hứa hẹn đậm tính khoa học viễn tưởng về các công nghệ giúp người dùng có thể nghe bằng da và đánh máy bằng sức mạnh suy nghĩ. Tuy nhiên, Building 8 đã biến mất sau hai năm tồn tại sau vài lần tái cơ cấu tổ chức; đóng góp còn lại duy nhất của Building 8 là thiết bị trò chuyện bằng video mang tên Portal. Xuất hiện vào năm 2018, Portal chỉ bán được 54.000 thiết bị trong lần ra mắt đầu tiên; song song với việc thành lập Meta, Zuckerberg cũng cho ra mắt Portal Go và New Portal+ như là hai thiết bị gọi điện video đầu tiên được cho ra đời dưới thương hiệu Meta.
Liệu Meta có phải là cứu cánh cho Facebook hay không, có lẽ chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Liệu metaverse như Zuckerberg tưởng tượng có thể trở thành hiện thực hay không, câu trả lời sẽ nằm ở việc liệu các thiết bị phần cứng mà Meta cho ra đời trong tương lai có mang tính thuyết phục hay không. Điều duy nhất chúng ta có thể biết chắc chắn, đó là sự khủng hoảng về đạo đức, trí tưởng tượng, và giá trị nhân văn của các tỷ phú công nghệ sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ trong việc định hình tương lai xã hội của chúng ta. Chính chúng ta, với tư cách là người tiêu dùng và các thành viên trong xã hội gánh chịu trực tiếp hệ quả từ chính những khủng hoảng này, cần tiếp tục theo dõi, quan sát, phê bình, và tự giáo dục bản thân về những vấn đề xung quanh hệ quả xã hội từ công nghệ. □
------
1 Tư liệu về những tác hại xã hội của Facebook trong Facebook Papers được tóm tắt và tổng hợp từ 16 bài điều tra của the Wall Street Journal. Độc giả có thể đọc kĩ hơn tại: https://www.wsj.com/articles/the-facebook-files-11631713039
2 https://www.nytimes.com/2021/12/02/opinion/metaverse-politics-disinformation-society.html
3 https://www.newyorker.com/culture/infinite-scroll/facebook-wants-us-to-live-in-the-metaverse
4 https://www.nytimes.com/2021/12/13/technology/instagram-handle-metaverse.html