Theo nghiên cứu của nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Sinh học Nhiệt đới, các loại bọ Neochetina có thể hạn chế được sự phát triển của cây lục bình mà không đòi hỏi chi phí tốn kém.
Tại TPHCM lục bình hiện đang xâm hại các hệ thống kênh mương nội đồng cũng như hệ thống kênh thoát nước trong nội ô thành phố, làm giảm tốc độ chảy của nguồn nước từ các kênh chính về toàn tuyến và vào sâu nội đồng. Vì vậy, các tuyến kênh này không phát huy được hết tác dụng tưới tiêu kịp thời cho cây trồng, hoặc thừa nước tưới ở đầu nguồn nhưng thiếu nước sản xuất tại những địa phương nằm cuối nguồn. Ngoài ra, lục bình phát triển dày đặc tại 25km sông, kênh rạch trên địa bàn Thành phố làm giảm tốc độ dòng chảy, gây nên lụt cục bộ trong nội đô, đặc biệt vào mùa mưa.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lục bình cũng đang là nỗi lo ngại của người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều ghe, xuồng phải neo bờ vì không thể di chuyển. Theo tính toán của người dân, chạy ghe, xuồng trên đoạn sông bị lục bình bao phủ phải tốn nhiên liệu gấp 8 – 10 lần so với lòng sông thông thoáng.
Các biện pháp kiểm soát, hạn chế việc phát triển lục bình đang được thực hiện tại Việt Nam và thế giới như cơ học (trục vớt, thu gom), hóa học (dùng thuốc diệt cỏ), sinh học (dùng sinh vật, nấm,…). Trong các biện pháp kiểm soát lục bình, biện pháp sinh học cho thấy có nhiều tiềm năng phát triển, ít tốn kém chi phí, thân thiện với môi trường và đảm bảo được tính bền vững.
Các biện pháp kiểm soát sinh học chính được sử dụng thành công là hai loài bọ Neochetina eichhorniae (N. eichhorniae) và Neochetina bruchi (N. bruchi), một số côn trùng thuộc bộ cánh vảy, loài ve,…. Trong đó, bọ N. bruchi và bọ N. eichhorniae đã được áp dụng thành công trong việc kiểm soát lục bình ở các nước như Argentina, Australia, Ấn Độ, Mỹ,Thái Lan, Malaysia,…
Vì vậy, nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Sinh học Nhiệt đới đã triển khai đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình sử dụng bọ Neochetina để kiểm soát cây lục bình trên hệ thống kênh rạch tại TPHCM”.
Nhóm tác giả đã thu bắt các loại côn trùng ăn phá trên cây lục bình, sau đó tiến hành giải phẫu các bộ phận của bọ trưởng thành như râu đầu, vòi voi, cánh cứng,… để xác định đúng bọ N. bruchi, N. eichhorniae trên cây lục bình, cũng như tập tính phát triển, vòng đời, … của chúng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bọ N. bruchi, bọ N. eichhorniae là loài côn trùng biến thái hoàn toàn chỉ ăn phá và hoàn thành vòng đời trên cây ký chủ là lục bình. Nhiệt độ 30ºC là thích hợp nhất cho loài bọ này sinh trưởng và sinh sản. Như vậy, điều kiện Nam Bộ thích hợp để phát triển quần thể của bọ Neochetina.
Sau 4 tháng thử nghiệm phóng thích các loại bọ trên tại một số nơi như Tham Lương – Bến Cát, Bình Hưng Hòa, Bình Tân, với quy mô 20.000m2, hoàn toàn bị che phủ kín lục bình, 100% lục bình bị cắn phá, không xuất hiện hoa, diện tích che phủ giảm hơn 25%. Loài N. bruchi cắn phá nhiều nhất ở những cây lục bình đang phát triển mạnh, ưu tiên cắn phá ở những bộ phận non hơn như nách lá, cuống lá non, cây con. Loài N. eichhorniae có xu thế lựa chọn ăn phá ở các bộ phận già hơn.
Theo nhóm tác giả, hai loài bọ N. eichhorniae và N. bruchi phù hợp để sử dụng làm thiên địch kiểm soát lục bình tại Việt Nam do có nhiều ưu thế (vòng đời ngắn, khả năng sinh sản cao), không ảnh hưởng đến môi trường nước và các loại sinh vật khác. Nhóm tác giả có thể chuyển giao quy trình sử dụng bọ Neochetina để kiểm soát cây lục bình trên hệ thống kênh rạch đến các đơn vị, địa phương có nhu cầu.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.