Grab Việt Nam đã thêm ví điện tử ZaloPay vào ứng dụng gọi xe của mình. Đây là minh chứng mới nhất cho thấy các công ty công nghệ đang nỗ lực hợp tác để tận dụng nguồn lực của nhau.

f
Grab không tiết lộ số lượng người dùng, song Statista thống kê công ty này cung cấp dịch vụ cho hơn 70% trong số gần 20 triệu người gọi xe ở Việt Nam. Ảnh: CNBC

Vào năm ngoái, nền tảng gọi xe Gojek đã hợp tác với ví điện tử lớn nhất Việt Nam - Momo. Mới đây, như một sự kiện đối trọng, Grab cho biết họ đã thêm ZaloPay, nhánh dịch vụ tài chính của công ty internet VNG, làm giải pháp không dùng tiền mặt mới nhất tại Việt Nam.

Như vậy từ nay, người dùng Grab tại Việt Nam sẽ có thể lựa chọn Ví điện tử ZaloPay để thanh toán các dịch vụ: đặt xe, đặt đồ ăn, đi chợ online và giao hàng, bên cạnh hình thức thanh toán qua Ví Moca trên ứng dụng Grab, bằng các thẻ ngân hàng đã liên kết hoặc tiền mặt như trước đây.

Sự kiện hợp tác này là một bước đi đáng chú ý bởi Grab cũng có một ví điện tử có tên Moca, ZaloPay và Moca vẫn thường được coi là đối thủ “truyền kiếp" trong cuộc chiến ví điện tử. Tuy nhiên, khi các công ty công nghệ tranh giành miếng bánh thị phần tại Việt Nam, họ buộc phải gạt sự cạnh tranh sang một bên để hợp tác với nhau, tận dụng cơ hội thu hút nhiều người dùng hơn vào hệ sinh thái của họ. Thông thường, họ sẽ tập trung vào các siêu ứng dụng với số lượng người dùng lớn. Với Grab Việt Nam, công ty đang dẫn đầu thị trường gọi xe và cung cấp nhiều dịch vụ khác như đặt phòng khách sạn. Grab không tiết lộ số lượng người dùng, song Statista thống kê công ty này cung cấp dịch vụ cho hơn 70% trong số gần 20 triệu người gọi xe ở Việt Nam.

Trong khi đó, ZaloPay là ứng dụng thanh toán di động độc lập đã hợp tác với Visa, Mastercard và 39 ngân hàng trong nước. Đây cũng là một dịch vụ tích hợp trong Zalo – ứng dụng nhắn tin có 71 triệu người dùng tại Việt Nam, trong đó có 10 triệu người dùng trả phí, tính đến tháng 7 năm 2022. Trong một cuộc phỏng vấn trước đấy với Tech in Asia, COO của Zalo Nguyễn Công Chính cho biết nền tảng trò chuyện đã có lãi từ năm 2020.

“Bằng cách tận dụng nguồn nhân lực và công nghệ của cả hai bên, chúng tôi sẽ hiện thực hóa ý tưởng của mình và cho ra mắt những sản phẩm mới thiết thực", bà Lê Lan Chi, Giám đốc vận hành ZaloPay, chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Grab Việt Nam, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cho biết ZaloPay và Grab đang “tận dụng sức mạnh hệ sinh thái của nhau, chia sẻ năng lực công nghệ tài chính và sự thấu hiểu trải nghiệm người dùng để hướng đến phát triển bền vững lâu dài”.

Đây được xem là bước đi quan trọng trong bối cảnh Grab đã gặp khó khăn ở Việt Nam trong năm qua: giá xăng tăng cao và chiến lược tăng giá cuốc của Grab đã khiến các tài xế bất mãn vì không nhận được khoản thù lao như mong muốn. Cuối năm 2022, Grab đã bổ nhiệm ông Alejandro Osorio làm Giám đốc Điều hành của Grab Việt Nam. Ông sẽ phụ trách tổng thể về tầm nhìn, chiến lược phát triển và vận hành cho tất cả hoạt động kinh doanh, từ đó hiện thực hoá mục tiêu tận dụng sức mạnh của hệ sinh thái siêu ứng dụng để củng cố vị trí dẫn đầu tại Việt Nam. Công ty cũng đặt kế hoạch tăng cường năng lực công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các đối tác, cung cấp nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người dùng hơn nữa, cũng như thúc đẩy các quan hệ hợp tác.

Nguồn: