Cần số tiền lớn để phương pháp trồng ngô mới của mình đến được với nông dân, kỹ sư Chu Văn Tiệp bàn với vợ bán luôn căn nhà ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Trong chuyện cầm, bán tài sản cho việc nghiên cứu lúa, ngô, ông bà luôn thuận vợ thuận chồng.

Phương pháp trồng ngô mật độ cao; quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm với cây lúa là 2 công trình vinh danh KS Tiệp và cộng sự - cũng là bạn đời của ông, KS Trịnh Thị Thanh - tại giải thưởng Vifotec năm 2005 và 2015. Đó là kết quả của những tháng ngày ông bà đồng cam cộng khổ, cầm cố tài sản để có tiền nghiên cứu.

Phương pháp cấy lúa hàng biên tối ưu tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: N. Biếu
Phương pháp cấy lúa hàng biên tối ưu tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: N. Biếu

Phòng thí nghiệm là ruộng lúa

KS Chu Văn Tiệp - Trung tâm Tư vấn đào tạo và Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Hội Sinh học Hà Nội - tự trào rằng mình như người tâm thần khi đi ngược trào lưu, ấp ủ ước mơ làm “cuộc cách mạng” với ngô và lúa. “Không có phòng thí nghiệm hay kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, tôi làm khoa học một mình. Tôi luôn tự nhủ nếu thuận lợi thì làm nhanh và nhiều, không thuận lợi thì làm chậm và ít chứ không bao giờ bỏ cuộc” - ông nói.

Ngày nghỉ, ngày lễ là dịp KS Tiệp về với đồng ruộng. Hình ảnh người đàn ông lọ mọ trên ruộng, tỉ mẩn ngắm nghía, nâng niu từng bông lúa đã rất quen thuộc với nhiều người dân xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nơi đầu tiên triển khai phương pháp cấy lúa hàng biên - công trình đoạt giải nhì giải thưởng Vifotec 2015 của ông. Bất kể ruộng lạ hay ruộng quen, hễ ở đâu có lúa trổ bông hay lúa chín là người ta bắt gặp ông ở đó, tỉ mẩn quan sát. “Có người còn hỏi tôi làm gì ở ruộng nhà họ vậy?” - ông cười khà kể.

Kỹ sư Chu Văn Tiệp. Ảnh: Đ.Dung
Kỹ sư Chu Văn Tiệp. Ảnh: Đ.Dung

Trong câu chuyện, KS Tiệp luôn miệng nhắc đến vợ với lòng biết ơn: “Bà ấy là người duy nhất đồng hành với tôi cho đến hôm nay. Trong các nghiên cứu của tôi, công bà ấy hai phần, tôi chỉ có một phần thôi”.

Cái thời kinh tế chưa ổn, lúc nào cần tiền cho chồng nghiên cứu, vợ ông lại cầm cố nhẫn, dây chuyền rồi tìm cách chuộc lại, cứ như vậy không biết bao nhiêu lần. Món đồ cầm đắt nhất là chiếc xe Honda cub 89 - thời bấy giờ thuộc loại hiếm của Hà Nội - được chừng chục triệu đồng.

Căng nhất là hồi mới nghiên cứu thành công phương pháp trồng ngô mật độ cao, cần 50-70 triệu đồng tổ chức hội nghị phổ biến cho nông dân mà không xoay xở được. Thế nên năm 2004, ông bà quyết bán căn nhà ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội được 170 triệu đồng. Cái họ nhận được từ sự quên mình đó không chỉ là giải thưởng, mà lớn hơn là nụ cười của người nông dân khi những giọt mồ hôi đã đổi lại được mùa màng bội thu.



Sàn nhà biến thành ruộng

Chia sẻ về công trình cấy lúa hàng biên, KS Tiệp kể: “Một lần đi thăm ruộng năm 2002, bà nhà tôi thắc mắc tại sao lúa gần bờ thì khóm to, bông nhiều hạt và gần như không mắc bệnh, nhưng chỉ cần bước một bước vào trong thì khóm bé, bông bé, hạt lép và nhiều sâu bệnh. Tôi nói đó là hiệu ứng hàng biên, đã được đề cập nhiều nhưng vẫn bị coi là tất yếu. Giống như thấy quả táo rơi, ai cũng thấy và cho là đương nhiên, chỉ Newton đặt câu hỏi tại sao quả táo không rơi ngang, rơi chéo mà rơi thẳng đứng”.

Sau chuyến đi, vợ chồng ông bắt tay vào việc tìm quy luật xuất hiện hiệu ứng hàng biên tối ưu để ứng dụng vào sản xuất.

Trong 6 năm, ông lăn lộn với từng thửa ruộng, nếu tính tổng cộng thì có lẽ đã đi tới đi lui đến hàng vạn hécta. Kết quả là công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên ra đời, được cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 9/2015: Cứ hai hàng hẹp cách nhau 15cm (các khóm cách nhau 15cm) lại cấy một hàng rộng 38-40cm. Thay vì mỗi mét vuông cấy 40-50 khóm như thông thường, ông chủ trương cấy 15-16 khóm với lúa lai, 18-20 khóm với lúa thuần. Việc cấy thưa giúp phát huy hiệu ứng hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu vào gốc, thân, lá, kích thích các chồi mắt phát triển nên lúa đẻ sớm, đẻ khoẻ lại ít sâu bệnh.

Để chứng minh hiệu quả, ông Tiệp biến căn nhà 3 tầng của mình thành ruộng với đủ bùn, đất, phân, trấu… “Tôi gieo mạ khắp tầng 1 và tầng 2. Trời rét, tôi phải bật đèn, bật quạt sưởi cho mạ” - ông nhớ lại.

Tuy nhiên, việc thuyết phục nông dân cấy theo cách mới không đơn giản. Ông nhớ như in buổi đầu tiên phổ biến phương pháp này tại Yên Lạc: “Bà con đến nghe có đến 200-300 hộ, nhưng chỉ 3 hộ dám làm theo, dù tôi cam kết hụt cân nào sẽ đền cân đấy. Tôi hỏi tại sao thì họ đáp chúng em cả đời làm ruộng, nghe nhiều công nghệ lắm rồi, bác nói dễ hiểu và hay lắm, nhưng chuyện mỗi mét vuông cấy có hơn chục khóm mà năng suất cao hơn cấy 40-50 khóm nghe nó hoang đường quá, chúng em sợ không dám theo”.

Vụ xuân 2013 đó, 3 hộ làm theo cách của ông Tiệp đạt năng suất vượt trội. Hiện có 18 tỉnh miền Bắc áp dụng công nghệ này. Nhiều bà con người Mông, Thái… ở Điện Biên gọi điện nhờ ông hướng dẫn. “Người dân ôm lấy tôi cảm ơn, bảo nhờ có vợ chồng tôi mà họ không bỏ ruộng nữa, chỉ cấy lúa rồi ở nhà nuôi lợn, nuôi gà vẫn hơn đi chợ, kỷ niệm đó cứ ám ảnh tôi và là niềm hạnh phúc không gì mua được” - KS Tiệp xúc động chia sẻ.

Trước khi chia tay, ông Tiệp khoe với vẻ hào hứng quen thuộc mỗi khi nói về nghiên cứu nông học: “Sắp tới tôi sẽ có thêm bằng độc quyền sáng chế nữa, có thể là về cây đỗ”.

Người "tặng" tiền tỷ cho nông dân

"Quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm với cây lúalà công trình khoa học duy nhất từ trước đến nay đã tìm ra 2 khuyết điểm chung của cả 5 công nghệ gieo cấy lúa trên thế giới và Việt Nam” - kỷ yếu lễ tổng kết và trao giải Vifotec 2015 viết về công trình đoạt giải nhì của vợ chồng KS Chu Văn Tiệp. Lúa cấy theo phương pháp này tăng năng suất trung bình 25-30% so với các phương pháp gieo cấy tiên tiến nhất hiện nay.

Theo tác giả, tính bình quânmỗi hécta lúa áp dụng công nghệ này cho lãi ròng từ 18-35 triệu đồng. Đến nay, đã có hàng trăm hécta được triển khai cấy lúa hàng biên ở 18 tỉnh miền Bắc, lợi ích kinh tế mang lại từ công nghệ này là hàng tỷ đồng, chưa kể số chi phí tiết kiệm được do tốn ít giống, nhân công, tiền phân bón, thuốc trừ sâu bệnh. “Tôi không lấy của người dân một đồng nào, tất cả vợ chồng tôi đều tự bỏ tiền túi ra làm. Đó là mình làm từ thiện” - kỹ sư Chu Văn Tiệp nói.