Sau 2 năm triển khai, Netloading đã kết nối được 300 đối tác chủ xe và 200 chủ hàng. Nhờ việc kết nối xe thùng rỗng chiều về với các chủ hàng, mỗi tháng ứng dụng này mang lại khoảng 20 triệu đồng doanh thu tăng thêm cho các đối tác vận tải.

Uber trong ngành vận tải hàng hóa liên tỉnh

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng NetLoading, Lê Đình Giáp - founder của startup này cho biết, chị gái của anh là chủ đại ý buôn bán thép. Mỗi tháng, chị nhập hàng trăm tấn thép từ Bắc Ninh, Hải Phòng rồi bán vào TP Hồ Chí Minh. Cái khó nhất của chị là tìm xe chở hàng bởi thép vốn nặng và quãng đường di chuyển lại xa nên cho chi phí đội lên rất cao.

Cách đây vài năm, mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) ở Việt Nam đã manh nha hình thành. Vì vậy, Giáp nghĩ đến việc xây dựng hệ thống xe chiều về thùng rỗng kết nối với các chủ hàng ở địa phương.

Lê Đình Giáp và hai người bạn khác là Lê Thị Nga (phụ trách marketing) và Lê Đăng Quỳnh (phụ trách tài chính và thiết kế sản phẩm) đã bắt tay xây dựng NetLoading. Lý giải về việc lựa chọn tên sản phẩm, Lê Thị Nga – Co-founder của Netloading cho biết, đây là từ ghép của “network” (kết nối) và “loading” (vận tải). Mục tiêu của cả nhóm là xây dựng một phần mềm thông minh giúp kết nối giữa người dùng hay doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với mạng lưới xe vận tải chiều về trống thùng trên khắp Việt Nam. Ứng dụng giúp doanh nghiệp vận tải có thêm doanh thu trong khi chí phí không đổi, mặt khác, làm giảm phí vận tải cho khách hàng do họ chỉ phải gánh chịu chi phí cho một chiều với tỷ lệ thấp hơn.

Chân dung Lê Đình Giáp.

Chị Nga cho biết: “Khi xây dựng nền tảng, chúng tôi đã đến gặp các tài xế và thấy rằng, 90% xe tư nhân trống chiều về. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một giải pháp thực sự nào hiệu quả cho vấn đề này. Đây là cơ hội lớn để NetLoading có được thị trường của riêng mình. Nhìn ra thế giới, nhiều sản phẩm tương tự đã có và thành công như Loji ở Trung Quốc, Black Buck ở Ấn Độ”.

Năm 2016 khi vừa xây dựng sản phẩm, nhóm thiết kế các kết nối trên website NetLoading nhưng “không ăn thua”. Theo chị Nga, thời điểm đó, dù người dùng được sử dụng miễn phí nhưng các nhà xe vẫn không dùng đến Netloading. Tìm hiểu mới thấy, tài xế khi lái xe thường di chuyển liên tục, lại phải tập trung lái xe, không có thời gian mở website xem yêu cầu chở hàng hay báo cước. Vì vậy, Lê Đình Giáp bàn với cả nhóm về việc kết nối chủ hàng chủ động hơn, tiện lợi hơn như xây dựng Mobile App, Marketing, Telesale và Direct sale.

Hiện nay, NetLoading đang có 02 sản phẩm chính là Website, Ứng dụng cho chủ xe và Mobile App - Tìm xe chiều về (Phiên bản Android) cho chủ hàng. Khi chủ xe có nhu cầu kết nối xe chiều về, họ sẽ đăng thông tin lên App. Sau đó, hệ thống sẽ tự động khớp lệnh theo tuyến đường, nhu cầu vận tải mà chủ hàng đang tìm kiếm.

Mục tiêu 1.000 khách hàng

Tổng kết năm 2017, mỗi ngày NetLoading thực hiện 10 giao dịch. Mỗi tháng, ứng dụng này mang lại khoảng 20 triệu đồng cho mỗi đối tác vận tải nhờ tận dụng xe trống chiều về. Hiện, NetLoading đang có khoảng 300 đối tác chủ xe và 200 chủ hàng. Theo chị Nga, hiện nay, khách hàng của tiện ích này chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc và một số tỉnh miền Trung có kinh tế sôi động như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.

Chị Nga cho biết: “Thực tế, việc tận dụng xe tải trống chiều về đã được một số hãng xe triển khai. Tuy nhiên, NetLoading là đơn vị đầu tiên ứng dụng nền tảng công nghệ Mobile App để phục vụ việc lên đơn, đặt xe của các bên đối tác”.

Phân tích kỹ hơn về đối tượng khách hàng của NetLoading, chị Nga chia sẻ, chủ hàng và chủ xe luôn thắc mắc về đối tác của mình. Khi chủ hàng tham gia hệ thống của NetLoading, để đảm bảo lợi ích, họ cần khai báo đầy đủ nhất các thông tin như: Tên hàng, khối lượng, loại xe, thời gian bốc hàng, thời gian xuống hàng… Thông tin càng đầy đủ, nhà xe càng dễ báo cước và mọi việc sẽ diễn ra trơn tru. Ví dụ nếu bạn chỉ nói “Cần chuyển 33 tấn hàng”, ngay lập tức sẽ có hàng loạt nhà xe hỏi lại “Hàng gì? Hàng đi đâu? Thời gian như thế nào...

Chị Nga nói: “NetLoading cam kết bảo mật thông tin của chủ hàng cho đến khi họ tìm được nhà xe phù hợp, và thông tin của họ chỉ được chuyển đến bên vận tải “thắng thầu”.

Cái khó của việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh là nhà xe đảm bảo quá trình vận chuyển không hư hại, đảm bảo an toàn, thời gian giao nhận. Chị Nga cho biết, NetLoading xây dựng 3 giải pháp đi kèm. Đó là chọn lọc đối tác kỹ: Các nhà xe muốn tham gia vào mạng lưới đều được nhân viên của NetLoading rà soát kỹ về chất lượng, với bản hợp đồng vận chuyển chi tiết, trong đó có những điều kiện về hư hại hàng hóa để nhà xe nắm được. Ngoài ra, NetLoading cũng có hợp đồng đảm bảo cung cấp cho phía chủ hàng, trong đó nêu rõ các trường hợp chủ hàng được bồi thường. NetLoading cũng xây dựng tính năng theo dõi hàng hóa trên app của chủ hàng. Nhờ vậy, chủ hàng có thể dễ dàng theo dõi sự di chuyển của xe và nắm được vị trí của hàng hóa.

Trong tương lai, mô hình NetLoading hướng tới là dịch vụ All-in-One cho chủ xe và chủ hàng. Nghĩa là, startup này không dừng lại ở việc kết nối hàng – xe mà sẽ phát triển kho bãi, dịch vụ đóng gói – bốc xếp hàng hóa…. NetLoading Mall có mọi thứ nhà xe cần như dầu nhớt, sửa chữa, linh kiện…

Năm 2018, NetLoading đặt mục tiêu tiếp cận 1.000 chủ hàng lớn với doanh thu thuần là 1,2 tỷ. Nga chia sẻ: “Thời điểm này, chúng tôi đã đi được 1/5 quãng đường. Để hoàn thành mục tiêu, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình từ giờ đến cuối năm”.