EU đã hình thành Quỹ đầu tư cho R&D quốc phòng với kinh phí 7,9 tỉ euro nhằm tạo ra sự đột phá trong nghiên cứu công nghệ lưỡng dụng góp phần làm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào các công nghệ quốc phòng từ bên ngoài.

Giảm bớt sự phụ thuộc công nghệ ở ngoài châu lục

Hội đồng châu Âu đã bắt đầu kích hoạt Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF), tổng kinh phí 7,9 tỉ euro. Dự kiến trong đợt đầu sẽ có khoảng 23 dự án nâng cao năng lực quốc phòng công nghệ cao như nghiên cứu máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu chiến thế hệ mới cũng như các công nghệ quốc phòng quan trọng như đám mây dữ liệu quốc phòng, AI, bán dẫn, không gian, an ninh mạng hay các giải pháp về y tế, được chọn lọc từ các đề xuất với lượng đầu tư là 1,2 tỉ euro, với mục tiêu "góp phần làm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào các công nghệ quốc phòng từ bên ngoài", Bộ trưởng Quốc phòng Bồ Đào Nha João Gomes Cravinho nói.

Quỹ mới cũng sẽ đầu tư vào các dự án phát triển công nghệ lượng tử. Nguồn: CNRS

Quỹ Quốc phòng EDF là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của EU để tăng cường hơn nữa ảnh hưởng địa chính trị của mình trên thế giới và lấp đầy khoảng cách trong hệ thống phòng thủ của mình với Mỹ. Trong thời kỳ ông Donald Trump nắm chính quyền, việc Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lên tới 2% GDP và nay là thời kỳ ông Joe Biden, Mỹ một lần nữa đảm nhận vai trò hàng đầu. Ông Thierry Breton, ủy viên EU phụ trách thị trường nội địa cho rằng, “với Quỹ Quốc phòng châu Âu, châu Âu đang nắm lấy chính vận mệnh trong đôi tay mình”.

Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu là một trong những nền công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và chiếm khoảng 20% ​​tổng doanh thu quốc phòng toàn cầu. Tuy nhiên hiện châu Âu lại đang tụt hậu về tỷ trọng xuất khẩu thiết bị toàn cầu và thêm nữa, dù vẫn duy trì hợp tác quốc tế thì nhiều quốc gia thành viên thường vẫn có những khoản đầu tư phát triển công nghệ một cách trùng lặp, dẫn đến lãng phí những khoản chi không cần thiết. “Bất chấp những sáng kiến và hợp tác gần đây, bất chấp cả sự gia tăng về chi phí quốc phòng gần đây, việc đầu tư cho nghiên cứu trong lĩnh vực quốc phòng đang suy giảm”, ông đề cập đến nguyên nhân khiến châu Âu đang bị tụt hậu.

Mặt khác, Quỹ quốc phòng châu Âu chỉ có ngân sách bằng 13,5% toàn bộ ngân sách đầu tư cho R&D của Mỹ. Trước đây, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã lên kế hoạch là 13 tỉ euro sau các cuộc đàm phán về mức chi vào cuối năm ngoái thì họ đanh bằng lòng với con số 7,9 tỉ euro.

Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu vẫn cho rằng ngân sách này đã đủ để giúp EU có thể tận dụng được nguồn kinh phí đầu tư khác vào khoảng 40 tỉ euro từ các đối tác công nghiệp theo hình thức đồng tài trợ công tư vào các dự án được phê duyệt. Họ hi vọng chương trình này sẽ chứng minh được giá trị của nó trong việc thúc đẩy các ứng dụng quân sự và dân sự. Nếu làm tốt điều này, quỹ sẽ nhận được một khoản ngân sách cao hơn trong chu kỳ ngân sách tiếp theo. “Nếu người ta nhìn vào quá khứ, chúng ta sẽ thấy bắt đầu có một sự thay đổi lớn, và đó là tín hiệu cho thấy châu Âu đang coi trọng quốc phòng và các lợi ích chiến lược của mình,” Carvinho nói.

Chú ý đến công nghệ lưỡng dụng

Điều quan trọng là chương trình này sẽ đầu tư kinh phí cho những công nghệ mang tính đột phá nhưng lại có độ rủi ro cao. Nếu thiếu đi nguồn đầu tư này, châu Âu không thể trở thành một nhân vật lớn trong một lĩnh vực chiến lược và có thể có tác động rất lớn đến nền kinh tế dân sự.

Do đó, trong tổng ngân sách của Quỹ, có tới 8% kinh phí sẽ được phân bổ vào việc phát triển các công nghệ mang tính đột phá với cả ứng dụng quân sự và dân sự. “Những công nghệ đột phá và thiết bị mang tính đổi mới sáng tạo này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của chúng tôi trong những năm và thập kỷ tới”, ông Cristian Bușoi, chủ tịch ủy ban nghiên cứu và công nghiệp của Nghị viện Châu Âu, cho biết như vậy.

Bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành tổ chức châu Âu phù hợp với thời đại số, nhấn mạnh vào ý nghĩa này: “Quỹ Quốc phòng châu Âu giờ đóng vai trò chính trong việc hợp tác quốc phòng – dân sự ở châu Âu trở thành hiện thực lâu dài. Điều này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của châu Âu và góp phần đưa chúng ta đạt được những tham vọng về công nghệ. Với sự tham gia của các công ty ở mọi quy mô trên khắp châu Âu, Quỹ này sẽ đem lại cho chúng ta những cơ hội lớn để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực tiên tiến. 30% kinh phí được rót vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một sự xuất phát đầy hứa hẹn”. Bà muốn ngụ ý đến việc Quỹ này sẽ cùng với các chính sách và chương trình dân sự khác của EU dầu tư cho lĩnh vực không gian (khoảng 50 triệu euro), ứng phó y tế (khoảng 70 triệu euro), kỹ thuật số và mạng (khoảng 100 triệu euro) để cho phép những doanh nghiệp mới thành lập tham gia.

Bên cạnh đó, Quỹ này còn hướng đến đổi mới sáng tạo với việc phân bổ khoảng 120 triệu euro cho những công nghệ đột phá với sự tham gia của các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là công nghệ lượng tử, sản xuất các chất phụ gia và rada ngoài đường chân trời - một loại hệ thống radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở rất tầm xa, thường là hàng trăm đến hàng nghìn km, ngoài chân trời của radar thông thường.

Hiện có một chút mâu thuẫn ở đây: các nhà hoạch định chính sách và vận động hành lang ở Brussels muốn giới hạn một cách dứt khoát quyền tham gia vào các dự án do Quỹ này tài trợ của các nhà khoa học ở những quốc gia bị hạn chế về tự do học thuật và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong khi Hội đồng châu Âu lại muốn trong tương lai, việc tham gia quỹ sẽ đặt trên cơ sở các nguyên tắc hợp tác quốc tế mở.

Bản thân các nhà nghiên cứu vẫn chủ yếu ủng hộ cho mở rộng hợp tác R&D ở tầm quốc tế nhưng cũng muốn áp dụng các giới hạn với một số quốc gia có thể tận dụng quyền tiếp cận cởi mở với các chương trình của EU để theo dõi các công nghệ nhạy cảm để hướng tới mục tiêu là đạt các lợi ích về kinh tế và quân sự.

Nguồn: sciencebusiness.net - europeansting.com