Là một công ty đã sở hữu nhiều bằng sáng chế tại Mỹ, có nhiều sản phẩm công nghệ cao bán cho các hãng dược phẩm, nghiên cứu y sinh lớn trên thế giới, nhưng khi tiếp cận thị trường trong nước, người Việt lại không tin vào Phusa, dù là với sản phẩm hết sức cơ bản.
Vào cuối tháng 1/2020, khi nhân viên của Phusa Biochem chuẩn bị nghỉ Tết, giám đốc của họ, ông Ngô Quốc Nam bỗng nhiên “hốt hết mọi người lại, không cho về”. Ông nhận được cuộc điện thoại khẩn từ Phó giám đốc Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Hoàng Quốc Cường nhờ làm gấp sinh phẩm theo hướng dẫn của WHO để xét nghiệm virus viêm phổi từ Vũ Hán trên hai bệnh nhân người Trung Quốc ở TP. Hồ Chí Minh. Hai bệnh nhân này là hai cha con: Người cha có tới Vũ Hán trước đó nhưng không hề qua chợ hải sản – nơi được cho là khởi điểm của dịch bệnh. Người con thì không rời Việt Nam trong nhiều tháng trời.
Máy cô quay chân không (để cô đặc mẫu vật) trong PTN của Phusa.
Lúc bấy giờ người ta còn chưa có tên gọi cho căn bệnh này, thậm chí còn không dám khẳng định virus này lây từ người sang người, cũng không ai nghĩ nó sẽ trở thành đại dịch COVID như bây giờ. Các động thái của WHO bấy giờ chỉ là cung cấp thông tin và khuyến cáo. Đợi đến khi WHO gửi sinh phẩm đến Việt Nam sẽ là quá muộn.
Nhờ cú “cứu nguy” của Phusa Biochem, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã sớm công bố bài báo quốc tế đầu tiên đưa ra bằng chứng khẳng định Sars-CoV-2 lây từ người sang người trên tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM). Điều này cũng góp phần giúp Việt Nam có những quyết định kịp thời trong kiểm soát dịch bệnh thời kì đầu. Về sau, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ vào tháng 3/2021 đã tuyên bố rằng đây là “những đóng góp quan trọng” của Phusa Biochem và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
Loại sinh phẩm mà Phusa Biochem làm cho Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đó là đoạn mồi (primer hay còn gọi là oligonucleotide) –nguyên liệu quan trọng nhất của bất kì bộ kit xét nghiệm Covid-19 sử dụng công nghệ PCR nào. Primer được thiết kế dựa trên một đoạn nucleotide của kháng nguyên, sẽ “dính” vào virus (nếu có) trong mẫu bệnh phẩm và phát sáng, từ đó giúp cho người xét nghiệm biết được người đó có bị nhiễm Sars-CoV-2 hay không.
PCR là kỹ thuật không thể thiếu hàng thập kỉ nay trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu hóa sinh và y sinh trên khắp thế giới. Nó cho phép người ta có thể nghiên cứu chi tiết một đoạn DNA dù chỉ từ một lượng mẫu rất ít. Mỗi đoạn DNA cần nghiên cứu với mục đích khác nhau sẽ cần thiết kế primer riêng. Phusa Biochem hiện nay là công ty đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có thể sản xuất primer.
Vận hành máy tổng hợp primer trong PTN của Phusa
Doanh thu thấp tới nỗi muốn bỏ cuộc
Trước khi sáng lập Phusa, vào những năm 80 và 90, ông Nam nằm trong đội ngũ nhân sự đầu tiên của các startup đổi mới sáng tạo nhất của Pháp và Mỹ thời bấy giờ là Appligene và Affymetrix. Trong đó, ông là trưởng bộ phận tổng hợp oligonucleotide của Appligene và là thành viên của nhóm nghiên cứu ra chip sinh học DNA tiên phong trên thế giới (chip này ứng dụng trong việc xét nghiệm nhanh những bệnh liên quan đến gene người như các bệnh di truyền, ung thư…). Về sau Appligene và Affymetrix đều được mua lại bởi các công ty, tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới, trong đó riêng Affymetrix được định giá hơn một tỉ USD.
Bản thân ông Nam khi ở Mỹ cũng thành lập một startup tên là CTGen và sở hữu ba bằng sáng chế liên quan đến công nghệ tổng hợp primer. Máy tạo ra primer cần một hệ thống cột – là các ống nhựa chứa chất nền tạo điều kiện xảy ra tất cả các phản ứng hóa học để hình thành sản phẩm. Các sáng chế của CTGen, về sau chuyển lại cho Phusa Biochem (được thành lập năm 2008) là để sản xuất những chiếc cột đó. Về sau, bản thân Phusa Biochem sau đó cũng đăng ký thêm ba bằng sáng chế nữa để tăng hiệu quả của thiết bị này và họ đã bán hàng triệu chiếc cột cho các tập đoàn dược phẩm khổng lồ trên thế giới như Sigma (Mỹ), Genscript (Trung Quốc), Eurogentec (Bỉ)…Đồng thời, Sigma – Merk (công ty liên doanh của hai tập đoàn dược phẩm khổng lồ trên thế giới là Sigma – Merk, đặt tại Đức) cũng thuê bằng sáng chế của Phusa.
Sản xuất primer là công việc có phần “dưới cơ” của Phusa Biochem. Trên thực tế, trong một công bố ở dạng pre-print của một nhóm nhà nghiên cứu Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, primer của Phusa Biochem không thua kém gì các hãng khác trong xét nghiệm Covid-19. Hơn thế nữa, vì sản xuất trong nước nên thời gian cung ứng sản phẩm và giá cả rẻ hơn so với việc đặt hàng từ nước ngoài.
TS. Nguyễn Hải Hà, Phó Phòng phân tích gene, Viện Công nghệ gene còn chia sẻ thêm rằng “Giám đốc của Phusa đi vào kinh doanh từ nền tảng chuyên môn rất vững chắc nên mình rất dễ để trao đổi trực tiếp về các vấn đề liên quan đến sản phẩm của họ.” Khi biết đến Việt Nam sản xuất được primer, chị có “cảm tình” ngay và với tinh thần “luôn là người thử nghiệm mới” và “luôn muốn thúc đẩy sản xuất trong nước”, chị chuyển sang dùng sản phẩm của Phusa.
Những tưởng con đường vào thị trường Việt Nam sẽ dễ dàng, nhưng không. Ông Nam nhiều lần chia sẻ với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển trong cuộc trò chuyện rằng: “Nước ngoài họ rất nể Phusa còn trong nước họ coi thường Phusa”. Phần lớn các nhà nghiên cứu có quan niệm khác với chị Hải Hà, nếu không muốn nói là ngược lại. Họ e ngại chất lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm khoa học công nghệ.
Dù tốn kém nhiều tiền của để gửi hàng đến các viện, trường, bệnh viện dùng thử miễn phí, xây dựng website công khai giá bán và quy trình đặt hàng online, nhưng doanh thu cả năm ban đầu của Phusa Biochem từ sản phẩm primer chỉ là 30 triệu, thấp tới mức “lúc đó đang muốn ngừng rồi” – ông Nam nói. Nghe giống như một nghịch lí, nhưng với một sản phẩm quá đỗi đơn giản, Phusa lại phải nỗ lực trên mức bình thường để chứng minh năng lực của mình. Mỗi khi có khách hàng phản ánh là dùng primer của Phusa mà thí nghiệm không thành công, dù chắc chắn không phải lỗi từ phía mình, công ty vẫn thu hồi lại primer, xin mẫu của khách hàng, và chạy nhiều thí nghiệm để chỉ ra lỗi ở đâu. Nột cặp primer hai-ba trăm ngàn nhưng công ty có khi đã mất hai-ba triệu đồng cho một chứng minh như thế và “mất mát” đó mới chỉ tính tiền hóa chất, chưa kể đến thời gian và nhân công. Nhưng theo lời ông Nam, “nhờ cái đó mới giữ được khách hàng”.
Không có ai chứng nhận sản phẩm
Kể từ lúc bán primer vào năm 2017, sau ba năm thì doanh thu của Phusa đã lên mức 200 triệu/tháng. Vậy là giới khoa học đã tin vào sản phẩm của Phusa? Câu trả lời vẫn là chưa. Con đường của Phusa là hướng đến việc làm sao để các thí nghiệm sử dụng PCR được dễ dàng hơn, với giá rẻ hơn. Bước đầu là họ sản xuất primer, trước kia nhà khoa học phải chờ một tuần đến cả tháng để có được sản phẩm nếu mua ở nước ngoài, giờ chỉ cần vài tiếng đồng hồ kể từ khi đặt hàng, “Khoa học muốn làm thí nghiệm là phải có liền. Lúc đó mới thúc đẩy nghiên cứu” – ông Nam chia sẻ. Bước thứ hai, họ thiết kế và sản xuất máy PCR trong nước. Nếu mua của nước ngoài, mỗi máy có giá ít nhất là gần 100 triệu đồng, nhưng giá máy của Phusa chưa bằng một nửa. Theo ông Nam, “mình muốn cung cấp máy này cho hệ thống giáo dục để sinh viên có cơ hội được thực hành nhiều hơn”.
Với Phusa, máy PCR không khó sản xuất, nhất là khi không vướng vào bất kì ràng buộc nào về sở hữu trí tuệ do công nghệ này đã phổ biến hàng thập kỉ nay. Máy của họ đã được xuất khẩu sang Mexico. Nhưng Việt Nam vẫn không mua. “Từ trước đến giờ họ không tin. Mình không có cách nào chữa họ được. Họ không tin đời nào Việt Nam sản xuất được cái máy” – ông Nam giãi bày.
Nếu ai đó cho rằng, vậy chẳng lẽ Phusa không thể thay đổi niềm tin của khách hàng bằng các loại chứng nhận của nhà nước, thì hi vọng họ sẽ không ngạc nhiên khi biết được rằng, cho đến khi dịch COVID-19 xảy ra, không có cơ quan nào có thể chứng nhận được máy PCR. Các cơ quan chỉ có thể chứng nhận hiệu chuẩn (đánh giá sai số, độ chính xác của máy), nhưng xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá máy, cấp phép sử dụng máy thì không.
Kể ra cũng khá “oái oăm” khi nghĩ đến việc để lưu hành một sản phẩm dành cho thị trường Việt Nam nhưng phải bỏ ra rất nhiều chi phí để chứng nhận ở một thị trường khác. Nhưng có lẽ họ cũng không còn cách nào, cho đến khi…đại dịch COVID tới. Vào tháng 2/2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt ba nhiệm vụ cấp quốc gia đột xuất về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó Phusa chủ trì nhiệm vụ sản xuất hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của Sars-CoV-2.
Thấp thỏm chờ đợi
Chúng ta biết rằng, việc xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được đảm nhiệm bởi hai hệ thống phòng thí nghiệm bao gồm phòng thí nghiệm tầm soát (screening laboratory) và phòng thí nghiệm khẳng định (confirmatory laboratory). Các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm có kết quả xét nghiệm dương tính ở phòng thí nghiệm tầm soát sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm xác định để xác minh lần nữa. Trong 167 phòng thí nghiệm tham gia xét nghiệm ở Việt Nam, có 144 phòng thí nghiệm khẳng định và họ cũng đảm nhiệm luôn cả chức năng tầm soát. Theo báo cáo công bố mỗi hai tuần về tình hình COVID-19 của WHO tại Việt Nam, các phòng thí nghiệm của Việt Nam đang ở tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô xét nghiệm, đặc biệt là tăng số lượng các điểm tầm soát không phải là chuyện đơn giản, ít nhất là đảm bảo điều kiện về máy móc. Xét nghiệm COVID hiện nay không dùng máy PCR mà dùng máy Real-time PCR. Lí do là bước đọc kết quả của máy PCR phức tạp, mất thời gian và đòi hỏi cần mở nắp ống mẫu bệnh phẩm, dễ làm virus bay ra ngoài không khí, dẫn đến hiện tượng dương tính giả cho các lần xét nghiệm sau. Nhưng máy Real-time PCR lại có giá đắt đỏ, lên đến hơn một tỉ đồng/máy (mà không chỉ máy, bản thân sinh phẩm dùng cho Real-time PCR cũng đắt hơn máy PCR thông thường). Chưa hết, dù là máy PCR hay Real-time PCR, các sinh phẩm xét nghiệm đều phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh, lí do là bởi chúng chứa enzyme (có vai trò để khuếch đại số lượng DNA trong mẫu bệnh phẩm lên nhiều lần), rất nhạy với nhiệt và độ pH của môi trường. Kể cả khi đưa mẫu bệnh phẩm vào sinh phẩm xét nghiệm, cũng cần phải đặt lên khay đá. Vậy nên, dù dùng phương pháp PCR nào, sinh phẩm xét nghiệm nào, cũng cần một hệ thống làm lạnh cồng kềnh đi kèm, không phù hợp với điều kiện “dã chiến”, mọi lúc, mọi nơi được.
Phusa có thể cải thiện được những vấn đề trên bằng hai “cải tiến kĩ thuật” của họ. Thứ nhất, họ tạo ra máy đọc kết quả từ máy PCR đơn giản hơn, nhanh hơn và không cần mở nắp ống, gọi là Spot check. Khi đưa khay mẫu bệnh phẩm ra khỏi máy PCR, máy Spot check sẽ đọc kết quả phát quang từ đó. Như ta đã biết, khi có virus mẫu bệnh phẩm, primer sẽ “đính vào” đó và phát sáng, điều đó có nghĩa là nếu phát quang, tức là bệnh nhân đó bị nhiễm virus. Nếu không thì bệnh nhân đó âm tính với virus. Nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy thì độ chính xác vẫn chưa cao, máy spotcheck này còn phân biệt được hiện tượng âm tính giả, dương tính giả. Qua thử nghiệm lâm sàng ở Hải Dương trên 104 mẫu dương tính và 115 mẫu âm tính, độ nhạy của máy vào khoảng 94% (có 6 mẫu cho kết quả âm tính giả). Thứ hai, họ cũng tạo ra một loại primer mới cho phép thao tác và lưu trữ mẫu tại điều kiện nhiệt độ phòng bình thường. (Sắp tới, họ sẽ đăng ký sáng chế cho primer này). Giá của cả bộ xét nghiệm này chưa đến 100 triệu đồng, hơn nữa một máy spot check còn dùng được cho nhiều máy PCR. Với các đặc điểm như vậy, thậm chí có thể tạo ra nhiều điểm xét nghiệm tầm soát COVID-19 di động.
Việc nghiên cứu đã hoàn thành từ tháng 10 năm ngoái, nhưng đã tám tháng trôi qua kể từ khi xin giấy phép, Bộ Y tế vẫn chưa cấp chứng nhận cho hệ thống xét nghiệm của Phusa. Đã ba lần trả lời công văn của Bộ Y tế, mỗi lần, cách nhau vài tháng, lại yêu cầu bổ sung hồ sơ theo một cách khác nhau, công ty này vẫn thấp thỏm chờ đợi. “[Đề tài về COVID-19] đã chiếm hết toàn bộ nhân lực của công ty” – Anh Đào, nhân viên phòng kinh doanh của Phusa Biochem cho biết.
Không chỉ Phusa sốt ruột, vào tháng ba vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn xin phép Bộ Y tế để sử dụng máy Spot check của Phusa để “phục vụ sàng lọc, tầm soát virus Sars-CoV-2 trong cộng đồng và người có nguy cơ cao” nhất là khi máy xét nghiệm Real-time PCR được tài trợ của tỉnh này hiện đang hết sinh phẩm.
Sau lần thứ ba trả lời Bộ Y tế, Phusa vẫn tiếp tục hi vọng “nhờ đề tài này mà có được chứng nhận của cơ quan quốc gia là máy hoạt động đúng như mình nói, thì mình có thể dùng cái này là bằng cớ để đi tới”.