Từng làm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng khao khát tạo ra một dòng sản phẩm hữu cơ dùng trong nhà tắm dành riêng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh đã đưa chị Nguyễn Thanh Thủy đến với việc sáng lập công ty Gen Green và lan tỏa các phương pháp trồng trọt hữu cơ theo tiểu chuẩn Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thủy,ý tưởng về việc sản xuất những sản phẩm dùng trong nhà tắm như sữa rửa mặt, sữa tắm cho mẹ và bé, dung dịch vệ sinh phụ nữ… từ nguồn dược liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu để có thể cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài là một hướng đi có nhiều triển vọng dù không ít khó khăn. Tuy vậy với những kiến thức nền tảng trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, chị dành thời gian nghiên cứu về các tiêu chuẩn hữu cơ NOP-USDA và EU trong hơn một năm cũng như tìm kiếm một vùng đất sạch có ít nhất ba năm không sử dụng hóa chất để tiết kiệm thời gian chuyển đổi và chi phí xử lý đất ban đầu. Suy nghĩ đó đã thôi thúc chị xin nghỉ công việc ở Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam để “khởi nghiệp” với Gen Green.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy tại vùng trồng nguyên liệu của Gen Green.

Áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế

Cách khởi nghiệp của chị không giống nhiều người khác. Nếu như nhiều nơi làm organic khác chỉ xác định làm trọn vẹn một khâu, hoặc là xây dựng nhà máy hoặc là đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thì chị Thủy và các cộng sự của mình quyết định Gen Green phải làm cả hai việc bởi “Khi mình có vùng nguyên liệu mình sẽ kiểm soát được quy trình canh tác, chủ động được số lượng. Khi mình có nhà máy, mình sẽ không chịu áp lực về mặt số lượng sản xuất trong một lần và mình có thể linh hoạt thay đổi quy trình sản xuất chế biến sản phẩm. Việc chủ động điều tiết sản xuất sẽ giúp tiết kiệm chi phí và chủ động nghiên cứu phát triển sản phẩm”.


Bởi vậy họ đã dành ra hai năm để nghiên cứu về cách làm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn của UDSA và EU cũng như tìm kiếm một vùng đất sạch có ít nhất ba năm không sử dụng hóa chất để tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý đất ban đầu. Phải đến khi bắt tay vào làm trên thực tế thì cái khó mới dần lộ diện. Canh tác hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và đất ở khu Đồng Nai cũng không màu mỡ nên những thử nghiệm ban đầu đã thất bại. “Cây trồng không phát triển chưa kể sâu bệnh tàn phá. Miền Nam 2 mùa mưa nắng, có những loại cây lại chỉ trồng được vào mùa mưa, vào mùa nắng chỉ cần ở xa vòi phun vài mét là chết khô” – đó là những ký ức mà chị không bao giờ quên thuở ban đầu.

Phải đến khi bắt tay vào làm, cái khó mới dần lộ diện. “Phải làm thế nào để chống chọi bệnh dịch, đất đai màu mỡ cho cây phát triển”; đồng thời mỗi nước lại có tiêu chuẩn khác nhau, đạt tiêu chuẩn của Mỹ không có nghĩa sẽ đạt tiêu chuẩn của Việt Nam, châu Âu hay Nhật. Có những nguồn chất đầu vào (loại cây tạo màu mỡ hay loại cây dùng để diệt sâu bọ) trong danh mục sử dụng của NOP-USDA nhưng lại bị hạn chế ở EU. Vì thế, phải lựa chọn được những loại cây trồng có thể cho năng suất tốt trong ba năm.

Ở hệ sinh thái của Gen Green, các cây được trồng xen canh bố trí phù hợp theo tầng tán và bộ rễ. Lá cây, cành cây cắt tỉa và các loại cỏ được trồng là nguồn phân xanh trực tiếp nạp vào đất, hạn chế cỏ dại, tạo được lớp che phủ bề mặt tránh sự bốc thoát hơi nước và lâu ngày sẽ hình thành lớp mùn. Đơn cử, có lô đất, cây keo tai tượng và cây trôm được chọn để tạo bóng mát do có độ cao trên 5m, lá phù hợp để làm phân xanh. Ở tán dưới là cây chuối hột rừng và đậu săng với độ cao 2,5-3m vừa dùng làm phân xanh vừa cho thu hoạch trái lại giúp cải tạo đất tầng sâu. Tầng dưới là sả, dừa cạn, lá bỏng, thổ cao ly sâm để duy trì và tạo hệ sinh thái, thu hoạch dược liệu. Cuối cùng rau má được chọn là thảm thực vật chống bốc hơi nước và cho thu hoạch lá.

Quy trình trồng và chăm sóc từng loại cây cũng như xây dựng hệ sinh thái của hơn 120 loại cây được Gen Green giữ như bảo bối bởi đó là kết quả của cả một quá trình làm việc liên tục miệt mài của “những bạn kỹ sư sống sẵn sàng ở trang trại cả tháng không về”.

Lan tỏa giá trị của nuôi trồng hữu cơ

Khôgn chỉ từng bước mở rộng thị trường và thuyết phục khách hàng với nhóm sản phẩm tâm huyết của mình, mà Gen Green còn trở thành một đơn vị tư vấn, đào tạo các doanh nghiệp có nhu cầu làm nông nghiệp hữu cơ.

Mọi việc bắt đầu từ việc Gen Green tham gia chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức đã giúp Gen Green được đào tạo bài bản về tiêu chuẩn hữu cơ của nông nghiệp Nhật Bản (JAS). Vừa có kinh nghiệm triển khai tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Mỹ, châu Âu lại được đào tạo về tiêu chuẩn cả Nhật Bản – nhóm ba thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, nên Gen Green nhận được không ít lời mời hỗ trợ. “Vườn Xoài Bà Ba tại An Giang với 5ha xoài cát hòa lộc đặc sản, làm sao để 1-2 năm tới lấy được tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ - NOP-USDA?” – là những câu hỏi mà chị Thủy thường nhận được. Người tìm tới chị còn có người trồng điều, cam, bưởi cà rốt… Sau mỗi cuộc điện thoại như thế, chị lại lên đường đi khảo sát từng vùng đất để lên kế hoạch tư vấn giúp các trang trại có được chứng nhận hữu cơ. Những chuỗi hành động như vậy đã đem lại cho Gen Green dáng dấp của một doanh nghiệp “cộng đồng”, “tạo tác động xã hội”.

Tiếp tục trung thành với hướng đi về nông nghiệp hữu cơ, nhưng ở một tầm nhìn xa hơn, người sáng lập Gen Green bày tỏ mong muốn có thể hỗ trợ cho bà con ở những vùng trồng cây chuyên canh về điều, café, tiêu… để cùng bà con xây dựng được thương hiệu nông sản tốt cũng như lấy được giấy chứng nhận hữu cơ từ Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Khi những mô hình như vậy được nhân lên có nghĩa là người dân sẽ có nhiều cơ hội được sử dụng sản phẩm tốt nhất và nông sản Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.