Ở thời kỳ đỉnh cao như tháng 9/2021, mỗi tuần trên thế giới có khoảng 225.000 giao dịch NFT. Nhiều NFT có trị giá hàng triệu USD. Nhưng giờ đây, theo thống kê mới nhất hồi tháng 5/2022, số lượng giao dịch mỗi tuần đạt 19.000, giảm 92%, và các NFT chỉ còn giá vài trăm USD, thậm chí, tiệm cận 0. Vậy đâu sẽ là tương lai của NFT?
Sự cuồng nhiệt của người dùng đi xuống
Thật khó để tưởng tượng về sự bùng nổ của NFT vào năm ngoái. Theo thống kê của NonFungible, tổng giá trị NFT giao dịch năm 2021 đạt 17,6 tỷ USD. NFT dòng tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey được mua với giá 2,9 triệu USD. Bộ sưu tập CryptoPunk gồm 10.000 NFT, là các nhân vật dạng pixel, được tạo thành dựa trên blockchain Ethereum cũng được định giá từ vài trăm USD đến vài triệu USD. Chưa đầy một năm sau đó, gió đã đổi chiều. Số lượng các ví hoạt động (active wallet) trong thị trường NFT giảm tới 88%, từ 119.000 ví vào tháng 11/2021 xuống khoảng 14.000 ví vào tháng 5/2022. Dòng tweet triệu đô trong cuộc đấu giá tổ chức đầu năm 2022 đã không được ai trả cao hơn 14.000 USD. NFT Doggy #4292 của ca sĩ Snoop Dogg từng được bán với giá 32.000 USD vào đầu tháng tư, nhưng sang tới tháng Năm thì chỉ được trả mức cao nhất là 210 USD.
Paris Hilton là một trong những nghệ sĩ đầu tiên phát hành NFT của riêng mình.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại cuộc đối thoại: Thách thức, cơ hội và tương lai NFT trong khuôn khổ chương trình NFT Summit 2022, diễn ra hôm 4/6 “NFT cũng giống tiền điện tử (crypto) đang trong giai đoạn điều chỉnh giá”. Nhìn một cách tổng quan, giá trị của NFT phụ thuộc vào giá của các đồng tiền điện tử được sử dụng được mua bán. Thực tế, giá trị hàng triệu USD của một NFT trên thị trường là giá quy đổi. Các giao dịch được thực hiện không phải bằng đồng USD mà bằng các token/coin được phát hành. Nếu một bức tranh NFT được mua giá 550 ETH hồi tháng 9/2021, có thể quy đổi thành 2,3 triệu USD. Khi đồng ETH bị mất thì giá trị của bức tranh chỉ còn vài trăm nghìn USD và ngược lại.
Ông J. Scofield - Người sáng lập, CEO BSCStation cho rằng, NFT là một mảnh ghép quan trọng của blockchain và crypto, tuy nhiên, tất cả đều đang ở giai đoạn ‘rất sớm”. Trong giai đoạn sơ khởi này, giá trị của các NFT về cơ bản vẫn phải phụ thuộc vào chu kỳ lên xuống của thị trường và niềm tin của người dùng.
“Việc định giá NFT cần dựa vào các yếu tố như đại diện cho một sản phẩm thực tế (một bức tranh, một bất động sản…), mục đích sử dụng, số lượng NFT được phát hành” – ông J. Scofield nói thêm.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, việc thị trường NFT đi xuống là bước lùi cần thiết cho một thị trường quá mới và vừa trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng như vậy. Các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực này dường như vẫn có niềm tin rất lớn vào sự trở lại trong một tương lai không xa của thị trường NFT, khi mọi thứ rõ ràng hơn về pháp luật, nhận thức của người dùng cũng như cách để định giá một tài sản NFT.
Trong bối cảnh thị trường đi xuống như vậy, theo bà Ella Đỗ - Giám đốc Kinh doanh thị trường toàn cầu, Thetan Arena - Wolffun Game, các công ty có hai hướng đi. Một là đóng băng theo thị trường, để khi nào thị trường ấm lên thì họ cũng ấm theo. Trong thời gian đó, họ sẽ tập trung làm hoàn thiện sản phẩm, nhất là phần nền tảng, bởi trong giai đoạn tăng trưởng nóng vừa qua, do phát triển quá nhanh nên sản phẩm “có phần không vững vàng” – bà Ella Đỗ nói trong buổi hội thảo của NFT Summit 2022 diễn ra hôm 4/6 vừa qua. Xu hướng thứ hai là các công ty vẫn phát triển và chạy sản phẩm “như đốm lửa trong đêm đông để sau thời gian băng giá, ai sẽ tồn tại tới cuối cùng sẽ là người chiếm được thị trường” – bà Ella Đỗ nói.
Trong khi đó, ông Sina Estavi - CEO của công ty blockchain Bridge Oracle tại Malaysia đã nói với WSJ rằng, NFT vẫn là một thị trường đang phát triển, và không ai có thể dự đoán nó sẽ diễn biến thế nào trong vài năm tới.
Tương lai nào cho NFT?
Trong bối cảnh mà NFT vẫn còn “chênh vênh” thì ông Phạm Toàn Thắng - CEO Công ty TNHH Nghệ thuật Cổng Trời - đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc đấu giá NFT đình đám ở Việt Nam cho rằng, để biết được giá trị của công nghệ blockchain cũng như NFT cần phải hiểu về các giá trị cốt lõi mà nó mang lại.
“NFT định danh người khởi tạo ra token và xác định rõ rang ai là người sáng tạo, người sở hữu NFT đó. Toàn bộ quá trình giao dịch từ người đầu tiên tới người thứ n đều được ghi nhận lại. Sau mỗi lần giao dịch, người khởi tạo đầu tiên luôn nhận được một phần hoa hồng theo quy định của sàn” – ông Thắng tin rằng với những giá trị này thì bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng NFT chứ không riêng tranh ảnh hay âm nhạc.
Lấy ví dụ về việc NFT các loại vé của một chương trình ca nhạc, hay bóng đá, ông Thắng cho rằng, việc này có thể giải quyết nhiều bài toán nhức nhối hiện nay. Đơn cử như việc, trước thời gian diễn ra sự kiện, vé chợ đen thường được bán cao gấp 3-4 lần so với thực tế mà người tổ chức lại không thu thêm được tiền vé. Như thế, khi được mua bán và phân phối qua blockchain, việc quản lý mua bán qua các cấp sẽ trở nên dễ dàng hơn, đơn vị tổ chức cũng sẽ thu được nhiều tiền hơn.
Theo bà Kiều Oanh – Giám đốc LaunchZone Ventures, một trong những ứng dụng tuyệt vời của NFT là trong lĩnh vực âm nhạc, nhằm giải quyết vấn đề bản quyền của nghệ sĩ. Khi có sản phẩm mới, nghệ sĩ có thể phát hành trực tiếp đến fan chứ không cần qua hãng âm nhạc.
“Đơn cử như rapper Binz đã phát hành bộ sưu tập NFT của ca khúc Don’t Break My Heart dưới 4 định dạng: Platinum, Gold, Silver, và Bronze. Được mã hóa nhờ công nghệ chuỗi khối (blockchain) và hợp đồng kỹ thuật số (smart contract) của nền tảng Tuniver, mỗi định dạng NFT này sẽ tương ứng với một tỷ lệ chia sẻ doanh thu bản quyền nhạc số nhất định của ‘Don’t Break My Heart’ cùng những đặc quyền khác nhau dành riêng cho người hâm mộ” – bà Kiều Oanh nêu. Những đặc quyền có được khi mua các định dạng tương ứng sẽ giúp Binz đến gần người hâm mộ hơn. Với tư cách là nhà đầu tư, đại diện của LaunchZone Ventures tin rằng, các hoạt động như vậy là cầu nối để NFT đến gần hơn với công nghệ chuỗi khối đang rất mới. Các sản phẩm không tốt sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường để nghệ sĩ tập trung đem đến sản phẩm tốt hơn cho người chơi. Công nghệ này cũng có thể được ứng dụng trong phát hành tem chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc….
Để tất cả kỳ vọng đó trở thành hiện thực, ở Việt Nam, theo bà Ella Đỗ vẫn còn nhiều rào cản. Vấn đề trước mắt chính là hệ thống pháp luật chưa sẵn sàng. Nếu các giao dịch diễn ra bình thường thì không sao, nhưng khi xảy ra vấn đề tranh chấp, lừa đảo, người dùng vô cùng lo lắng khi không biết ai có thể bảo vệ được mình. Nếu kiến nghị với tòa án, công an thì cơ quan chức năng cũng không có văn bản hướng dẫn nào để bảo vệ người dân trong trường hợp họ bị lừa đảo. Việc này khiến người dùng có phần ngần ngại trong khi nhà đầu tư không dám mạo hiểm.
Sự “lạc hậu” của hạ tầng và các sản phẩm phần cứng cũng được xem là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh. "Phần mềm đã đi trước rất lâu nhưng phần cứng thì vô cùng hạn chế. Có lẽ các quỹ đầu tư, tập đoàn lớn đang chờ độ chín nhất định của công nghệ này để rót tiền. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực cũng là vấn đề của thị trường, khi mà hiểu biết về công nghệ blockchain và NFT không đồng đều" – bà Ella Đỗ chỉ ra.
Giai đoạn thị trường đang điều chỉnh giá này cũng được xem là một màng lọc để sản phẩm NFT chứng minh giá trị thực sự, những dự án theo trào lưu chắc chắn khó tồn tại. Tại Blockchain Week diễn ra tại Dubai hồi tháng tư vừa qua, CEO của Sandbox cũng chia sẻ về xu hướng đang diễn ra khi các doanh nghiệp tìm nhiều cách để giữ giá trị cho NFT. Đơn cử như việc xây dựng các metaverse hay liên tục bổ sung thêm tính năng đặc biệt cho NFT. Sky Mavis mới đây cũng công bố đưa NFT của mình ứng dụng trong nhiều dự án game hơn, thay vì chỉ có Axie Infinity.
“GameFi (game kết hợp với yếu tố tài chính) đã qua giai đoạn đỉnh cao và đang đi vào thoái trào. Điểm rơi của GameFi bắt buộc phải giải quyết trong năm nay. Dòng tiền đang chuyển hướng từ GameFi (play – to – earn) đang chuyển sang các hướng khác” – ông Scofield bổ sung.
Trả lời cho câu hỏi, NFT là trào lưu nhất thời hay xu hướng của tương lai, người điều hành của Cổng Trời Phạm Toàn Thắng dẫn lại câu chuyện trong quá khứ, 7000 năm trước Công nguyên, nhạc cụ đầu tiên được tìm thấy và 14000 năm trước Công nguyên, bản nhạc đầu tiên đã được khai quật.
“Biết đâu ở giai đoạn đó, người ta cũng hỏi nhau rằng, liệu âm nhạc có phải một trường phái nghệ thuật của tương lai. Đến nay chúng ta mới trả lời được rằng, âm nhạc là nghệ thuật và có nhiều trào lưu khác nhau như Pop, RnB, Rock… Ở NFT tôi cũng thấy điều tương tự, rằng NFT là công nghệ và các trào lưu đang diễn ra mạnh mẽ như NFT art, NFT âm nhạc…. Vì thế tôi có niềm tin rằng, NFT sẽ là công nghệ gắn liền với nhiều lĩnh vực của đời sống” – ông Phạm Toàn Thắng lạc quan nói.