Năm 2011, nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi Nuclear Power Plant đã phải hứng chịu một vụ tan chảy lõi lò nghiêm trọng nhất trong lịch sử – thảm họa cho đến tận hôm nay vẫn còn gây ám ảnh.

Hơn 8 năm sau sự cố, cả lãnh đạo lẫn người dân Fukushima đều mong muốn gác lại những ký ức kinh hoàng và tiến bước mạnh mẽ về phía trước, nhưng không còn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nữa. Chính quyền địa phương vừa hứa hẹn đến năm 2040 sẽ cấp điện cho cả khu vực, 100 % bằng năng lượng tái tạo.

Vụ tan chảy lõi lò phản ứng Fukushima Daiichi Nuclear Power Plant thuộc vào loại nghiêm trọng nhất trong lịch sử phát triển năng lượng hạt nhân. Ảnh: Nikkei.

Vụ tan chảy lõi lò phản ứng Fukushima Daiichi Nuclear Power Plant năm 2011 thuộc loại nghiêm trọng nhất trong lịch sử phát triển năng lượng hạt nhân. Ảnh: Nikkei.

Một số dự án đầu tư lớn đang được xúc tiến. Tháng 11/2019, thời báo Nikkei Asian Review tiết lộ thông tin về một dự án trị giá 2,75 tỷ USD do chính phủ tài trợ, nhằm xây dựng 11 trại cung cấp điện gió và mặt trời trên khu vực đất canh tác, và cả vùng núi bỏ hoang.

Mặc dù vậy, dự án trên cũng mới chỉ thay thế được phần nào nguồn điện do Daiichi từng sản xuất. Theo ước tính, tổng sản lượng của toàn bộ các trại phong và quang điện sắp được xây dựng cộng lại mới chỉ đạt 600 MW – kém xa công suất 4,7 GW của Daiichi. Tuy nhiên, Fukushima cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy sản xuất địa nhiệt và sinh khối để bổ sung cho nguồn cung.

Chính quyền Fukushima hứa hẹn sẽ cung cấp điện 100 % bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: Japan Times.

Chính quyền Fukushima hứa hẹn đến năm 2040 sẽ cung cấp điện 100 % bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: Japan Times.

Cùng lúc đó, Nhật Bản có vẻ sẽ không từ bỏ điện hạt nhân trong tương lai gần. Đương kim Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần kêu gọi đầu tư thêm cho năng lượng hạt nhân, thúc giục các lò phản ứng (bị đóng cửa sau thảm họa 2011 để kiểm tra) trở lại hoạt động, bất chấp làn sóng phản đối.

Nhiều ý kiến đối lập với đảng LDP (Dân chủ tự do) cầm quyền của ông Abe cho rằng: năng lượng chỉ là lý do phụ, ông Abe đang muốn Nhật Bản sở hữu năng lực răn đe hạt nhân (nuclear deterrence capability) trước những mối đe dọa mới từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến tháng 07/2018, Nhật đã tích lũy tới 47 tấn Plutonium và Uranium làm giàu, đủ để chế tạo hàng ngàn quả bom – và với trình độ khoa học công nghệ của mình, nước này có lẽ sẽ chỉ mất vài tháng để trở thành một cường quốc hạt nhân thực thụ.

Đương kim thủ tướng Nhật Shinzo Abe được cho là người có lập trường cứng rắn, và ông cũng không ít lần ủng hộ quan điểm Nhật Bản cần sở hữu năng lực răn đe hạt nhân. Ảnh: Japan Times.

Đương kim Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được cho là người có lập trường cứng rắn, và ông cũng không ít lần ủng hộ quan điểm Nhật Bản cần sở hữu năng lực răn đe hạt nhân. Ảnh: Japan Times.

Nhưng điều trớ trêu là nội các của ông Abe lại suy nghĩ và hành động theo hướng khác. Hồi tháng 9/2019, Bộ trưởng môi trường Nhật Bản, ông Shinjirō Koizumi (con trai của cựu Thủ tướng Junichirō Koizumi) lên tiếng kêu gọi tháo dỡ các lò phản ứng cũ, nhấn mạnh Nhật Bản nên chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, nước Nhật còn cả một chặng đường dài phía trước phải đi. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng bền vững (ISEP), chỉ 17,4% năng lượng tiêu thụ ở Nhật trong năm 2018 đến từ các nguồn tái tạo. Nhật Bản vẫn là nước phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu, chủ yếu là các loại nhiên liệu hóa thạch như than và khí tự nhiên. Theo số liệu của Cục Thông tin năng lượng Hoa Kỳ, Nhật cũng chính là nước nhập khẩu than lớn thứ 3 thế giới.

Nguồn:
https://www.theguardian.com/environment/2020/jan/05/fukushima-unveils-plans-to-become-renewable-energy-hub-japan