Một nghiên cứu mới công bố cho thấy công nghệ laser kỹ thuật số và khí ozone có thể giúp giảm ô nhiễm trong quá trình sản xuất vải denim ở Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ laser và ozone có thể giúp ngành sản xuất denim trở nên bền vững hơn. Ảnh: Pixabay
Ứng dụng công nghệ laser và ozone có thể giúp ngành sản xuất denim trở nên bền vững hơn. Ảnh: Pixabay

Denim là loại vải dệt kiểu đan chéo bằng những sợi cotton trắng và chàm. Tên gọi của nó được đặt theo nơi sản xuất đầu tiên là “serge de Nimes” (Pháp).

Denim thường được dùng để may quần jeans - một loại trang phục cực kỳ phổ biến ở khắp nơi trên trái đất. Tuy nhiên, để làm ra một chiếc quần jeans tính từ lúc trồng bông đến sản phẩm hoàn thiện, thông thường cần hơn 3.700 lít nước.

Quy trình sản xuất vải demin đòi hỏi phải giặt nhiều lần và sử dụng nhiều hóa chất. Để tạo cho chiếc quần jean hiệu ứng bạc màu hoặc phai màu, người ta dùng các loại axit và hóa chất để làm sáng màu vải, hoặc chà đá bọt lên vải. Quần jeans sau đó được giặt kỹ nhiều lần để loại bỏ các hóa chất, axit và đá mịn trước khi đem bán.

Trong quá trình xử lý và nhuộm vải, hàng tấn nước thải chứa các hóa chất có thể bị đổ ra môi trường mà không qua xử lý cẩn thận.

Tin vui là, giờ đây đã có giải pháp cho mối bận tâm của của các nhà hoạt động môi trường và sinh thái học đối với quần jeans trong bối cảnh thế giới ngày càng khan hiếm nước ngọt.

Trong một bài báo khoa học mới xuất bản trên tạp chí Current Opinion in Green and Sustainable Chemistry Journal, một nhóm các nhà nghiên cứu làm việc tại Việt Nam, Úc và Ấn Độ đã đo lường tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ laser kỹ thuật số và công nghệ ozone vào sản xuất denim để giảm tác động môi trường ở Việt Nam.

Trên thực tế, công nghệ laser có thể dùng để tạo hoa văn, làm phai màu và khắc lên bề mặt vải. Sử dụng laser được đánh giá là hiệu quả và vệ sinh hơn so với các kỹ thuật thông thường, đồng thời giảm thiểu tác động lên môi trường bởi chúng gần như không sử dụng nước.

Kết quả của nghiên cứu điển hình với hai doanh nghiệp Việt Nam cho thấy công nghệ laser kỹ thuật số giúp tiết kiệm một lượng đáng kể nước (97%), năng lượng (70-90%) và chi phí hóa chất (60-70%).

Denim là một mặt hàng chủ lực trong tủ quần áo, đặc biệt là các loại quần jeans. Ảnh: J.V
Denim là một mặt hàng chủ lực trong tủ quần áo của nhiều người, đặc biệt là các loại quần jeans. Ảnh: J.V

Các tác giả cho biết thêm, thay vì thời gian xử lý kéo dài từ 30-45 phút như trước kia thì công nghệ laser chỉ cần hai phút. Nó cũng có thể tạo ra nhiều hiệu ứng sáng tạo khác nhau với độ chính xác cao chỉ trong vòng vài phút, do vậy doanh nghiệp có thể nhanh chóng thử nghiệm nhiều mẫu mã mới trên thị trường.

Trong khi đó, ozone là chất oxy hóa mạnh có thể dùng để tạo hiệu ứng phai màu trong quá trình giặt vải denim. Không giống như các phương pháp giặt thông thường, khí ozone có thể loại bỏ vết chàm khỏi bề mặt vải mà không cần sử dụng hóa chất hay ngâm nước.

Vải denim khô sau khi được ozone hóa sẽ không cần giặt xả bằng nước. Nếu ozone hóa vải ướt, chỉ cần giặt 1-2 lần là đủ để loại bỏ hết lượng ozone còn sót lại và chất chàm đã tẩy khỏi vải. Đây là cơ chế giúp tiết kiệm nước của phương pháp này.

Đồng tác giả PGS. Rajkishore Nayak, Khoa Truyền thông và Thiết kế của Đại học RMIT Việt Nam, nhận xét rằng: "Nhìn chung, laser và ozone có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng và nước, tiết kiệm đáng kể hóa chất và hạn chế chất thải dạng lỏng đổ ra sông hồ. Tuy nhiên, các công nghệ này hiện mới chỉ được sử dụng ở một số doanh nghiệp sản xuất denim ở Việt Nam do chi phí đầu tư ban đầu cao và đòi hỏi kỹ năng riêng đối với nhân sự vận hành máy móc."

PGS. Rajkishore Nayak nói về việc phát triển các loại thời trang bền vững nhằm tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh: RMIT Vietnam
PGS. Rajkishore Nayak nói về việc phát triển các loại thời trang bền vững nhằm tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh: RMIT Vietnam

Ông tin rằng với xu thế khuyến khích kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững như hiện nay, tỷ suất hoàn vốn (ROI) và lợi ích đạt được khi áp dụng công nghệ sẽ lớn hơn khoản đầu tư ban đầu. Công nghệ laser có thể ứng dụng rộng rãi hơn so với ozone vì chúng có thể dùng trong sản xuất cả hàng dệt may kỹ thuật, vật liệu nội thất ô tô và trang trí nội thất gia đình.

Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất vải denim. Theo thống kê sơ bộ của Foursource - mạng lưới tìm nguồn cung ứng B2B lớn nhất cho ngành dệt may có trụ ở tại Đức, Việt Nam đang có khoảng 520 nhà sản xuất quần jeans denim. Con số này chiếm khoảng 8 - 10% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may trên cả nước.