Suốt một thời gian dài, phạm nhân ở các nhà tù trên thế giới đã nghĩ ra nhiều mánh khóe, đôi khi là thỏa hiệp, để tuồn những mặt hàng cấm vào sau chấn song, như hối lộ nhân viên an ninh, sử dụng chim bồ câu để vận chuyển, hay nhờ người thân giấu hàng trên cơ thể, và tất nhiên không thể thiếu phương thức cổ điển: kẹp hàng vào chiếc bánh nướng.
Nhiều nhà chức trách Mỹ cho biết, trong vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều máy bay không người lái (drone) xuất hiện, lượn đi lượn lại trên những bức tường trại giam để phân phát mọi thứ, từ thuốc lá, phim khiêu dâm, đến ma túy và thậm chí cả vũ khí cho tù nhân.
Một chiếc DJI Phantom 4. Ảnh: Shapeways.com
Mùa xuân năm 2016, những nhân viên làm việc tại các nhà tù ở bang Michigan đã tìm thấy một chiếc drone đồ chơi nhỏ ngay trên nền đất của Trung tâm Hướng dẫn và Tiếp nhận Charles Egeler. Mặc dù kích thước của chiếc máy bay là quá nhỏ để có thể lôi theo bất cứ món hàng lậu nào, tuy nhiên nó vẫn có thể được sử dụng cho mục đích thăm dò hệ thống an ninh nhà tù, để phục vụ những phi vụ máy bay không người lái đưa hàng lậu vào nhà tù.
Loại drone phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là chiếc Phantom 4 của DJI – một startup dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, hiện có trụ sở tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) và được nhiều quỹ đầu tư Mỹ rót vốn. Chiếc Phantom 4 nặng khoảng 3 cân Anh (pound, chưa đầy 1,5 kg), được điều khiển bằng remote, có thể bay xa ít nhất 4 dặm (khoảng 6,4 km) tính từ vị trí của người điều khiển và truyền hình ảnh rõ nét về điện thoại thông minh qua ứng dụng nhờ công nghệ FPV (first-person view, tức truyền hình ảnh qua sóng vô tuyến). Trong khi Phantom 4 chỉ có khả năng mang hơn 1 pound (0,45kg) khi đang bay, người anh em thuộc thế hệ sau của nó, mạnh mẽ hơn, chiếc DJI S900, có trọng tải tối đa lên tới gần 7 pound – tức chỉ cần chi khoảng 2.000 USD là có thể chăm sóc các “đồng đảng” trong tù tốt hơn rất nhiều.
Mùa xuân năm 2015, bang South Carolina tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn những chiếc drone tiếp cận các nhà tù trong khu vực tiểu bang, bao gồm việc xây dựng thêm nhiều tháp canh mới để giúp lực lượng canh gác quan sát sự hiện diện của những chiếc drone gần đó dễ dàng hơn. Động thái này đến ngay sau khi những nhân viên làm việc tại Học viện Cải huấn Lee phát hiện thấy một chiếc drone rơi xuống đất khi đang theo mang điện thoại di động, thuốc lá và cần sa, trong một cuộc kiểm tra định kỳ.
Hiện tượng những chiếc drone xâm nhập khu vực nhà tù là vấn nạn không chỉ riêng Hoa Kỳ mới phải đối mặt. Nhiều trại giam ở Canada, Brazil, Nga, Australia, Thái Lan, Hy Lạp và Anh cũng đang vật lộn trước sự gia tăng quá nhanh của những thiết bị robot không quá đắt đỏ này.