Biên tập viên Trần Nguyên của Khoa học và Phát triển là người đã hiệu chỉnh bản thảo của tập sách đình đám của năm “Tôi, tương lai và thế giới” của tác giả Nguyễn Phi Vân. Hai người, cùng “nói qua nói lại” một câu chuyện đầu năm…

Trần Nguyên (phải) và tác giả Phi Vân. Ảnh: KH&PT
Trần Nguyên (phải) và tác giả Phi Vân. Ảnh: KH&PT

Trần Nguyên: Sao cứ suốt ngày phải hô hào “công dân thế giới”, “công dân toàn cầu”, khi mà cái “làng quê Việt Nam” của chúng ta đã tự động được bàn tay kỳ diệu nào đó đến sáp nhập với thế giới từ lúc nào rồi… Làm người toàn cầu, giờ đâu phải là một lựa chọn làm hay không làm, mà là làm như thế nào thôi. Chúng ta cứ mải miết trên những chuyến bay, có khi quên mất ở cái xóm nghèo của mình, cũng đã là chuyện toàn cầu… Chúng ta, bất quá, chỉ là những người may mắn, và liều lĩnh, để cứ dấn bước trên con đường bất định của thế giới thôi…

Phi Vân: Trên chuyến tàu nhanh từ London sang Brussel một ngày mùa thu tháng 7/2018, tôi nghĩ, cuộc đời kỳ diệu thật. Một người Việt sinh ra trong những ngày tháng Tổ quốc gian nan, thiếu thốn vạn bề vật chất, lĩnh hội một nền giáo dục đã lỗi thời, sao có thể di chuyển giữa những ranh giới vật lý mà mình chưa bao giờ mảy may nghĩ đến? Không nền tảng, thiếu kiến thức, trống rỗng ước mơ thời niên thiếu, tôi vin vào cái gì để tự cho bản thân cơ hội được tự do chọn lựa những chuyến tàu xuyên lục địa? May mắn? – Có và không. Tôi có may mắn gì hơn nhiều người Việt trẻ hôm nay? Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, chật vật vì sự xáo trộn của xã hội, học như vẹt, và no idea – chẳng có chút ý niệm nào về chuyện mình học gì và học để làm gì. Tình thật, tôi cũng chỉ bắt đầu như các bạn, có khi còn tệ hơn là đằng khác. Điều vĩ đại duy nhất tôi tình cờ vấp phải, là sự chới với, bàng hoàng trong một chiều hạ mong manh, về sự ngộ nhận, sự tự cao đầy ngu dốt của bản thân mình. Thì ra, thế giới ngoài kia to lớn lắm!

Khiêm tốn là tốt. Nhưng đôi khi phải tự tin rằng mình có thể làm được, thì mới dám “quảy gánh băng đồng ra thế giới” chứ. Trong giới khởi nghiệp có câu “fake it until we make it” – giả bộ như là mình đã làm được chuyện đó cho tới khi mình thực sự làm được. Đừng tự mắng mình là cái tôi ngu dốt…

Ta giỏi gì khi thế giới còn chưa biết tương lai sẽ về đâu? Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chẳng hiểu từ xó xỉnh nào, bỗng dưng lật nhào mọi khái niệm mà người ta bao năm qua cố nhét vào đầu lũ trẻ. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tuyên bố, 65% công việc mà các bạn học sinh cấp 1 sẽ thực hiện trong tương lai, giờ chưa biết là việc kiểu gì. Trời! Nếu còn không biết 10-15 năm nữa công việc ta làm sẽ là gì, vậy con người phải học sao, học cái gì đây cho đúng? Khái niệm đúng sai, mọi tính toán hoàn hảo về con đường sự nghiệp, công danh giờ biết rẽ ngã nào? Vậy, ta giỏi gì? Không lẽ giỏi cái chưa biết? Nghe cũng hay hay nhưng hình như có gì đó sai sai….

Nhưng vũ trụ bao la, còn một trời kiến thức mà ta đâu có bao giờ biết hết được. Cuộc đời quy định, thành công không phải là do những gì ta biết được, mà là chúng ta làm được cái gì, chuyển hoá kiến thức mình biết thành những giá trị thực tế. Có một sự thực khác, là khi mà công nghệ càng cao, con người càng cô đơn, thì có lúc, hiểu biết về trái tim con người, về cách mở rộng trái tim mình ra mới là điều quan trọng hơn… Người, sẽ luôn luôn khác Máy.

Chưa kịp phản ứng nữa, tự nhiên người ta nói về sự hợp nhất của người và máy. Người, bắn con chip vô da thịt mình, bỗng nhiên biến thành cyborg – sinh vật cơ khí hoá. Ủa là sao? Học thuyết tiến hoá của Darwin, giờ thêm một con nữa sau người, là con sinh vật cơ khí hoá? Mà Thụy Điển và vài nước Bắc Âu khác đã thử nghiệm rồi. Cấy con chip vô tay, vậy là chỉ cần quơ một cái là cửa mở ra, là thanh toán xong ly cà phê buổi sáng, là leo lên tàu điện mà không cần mua vé…. Thế giới bàn nhau về cảnh giới gọi là singularity – cảnh giới mà ở đó, sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo sẽ khai sinh một nòi giống siêu việt hơn, siêu thông minh, có khả năng tự nâng cấp trí thông minh và công nghệ vô giới hạn, với tốc độ không ai trên đời này còn tưởng tượng ra. Đó, là tận thế của văn minh nhân loại, là sự bắt đầu của nòi giống siêu việt nào đó trong các bộ phim viễn tưởng. Mà giờ, mấy chuyện viễn tưởng cũng thành sự thật rồi. Cho nên, chẳng có gì là viễn tưởng. Ở thế kỷ 21 này, điều kỳ lạ oái ăm nào cũng có thể xảy ra. Thì AI – trí tuệ nhân tạo đã hợp tác với ca sỹ Taryn Southern để sản xuất ra album nhạc đầu tiên mang tên “I Am AI”, một dự án nghệ thuật đầu tiên hợp tác giữa người và máy. Bạn google bài đầu tiên trong album và nghe thử đi, bài Break Free, nhạc nghe ám ảnh luôn à.

Ngủ một ngày sáng dậy, robot tự nhiên trở thành một phần không thiếu được của cuộc sống. Robot phục vụ trong nhà hàng, làm tiếp tân, chăm sóc cho người già trong viện dưỡng lão. Robot thay người làm hết những công việc tay chân và xử lý thông tin, chỉ vì robot chính xác hơn người. Người ta nói, mấy kiểu công việc tưởng người lắm như là dược sỹ, chuyên viên tư vấn pháp lý, tài xế, nhân viên bán hàng, nhân viên trực tổng đài, nhân viên dịch vụ khách hàng, nhân viên bảo vệ, và thậm chí cả bác sỹ giải phẫu hay phóng viên nữa. Ủa, rồi chuyện gì mới cần đến con người? Người ta nói chỉ còn những công việc thật sự cần đưa ra các quyết định phức tạp mà máy chưa làm nổi, công việc thật sự cần sự sáng tạo, cần kỹ năng lãnh đạo và khả năng tự quản trị bản thân cực cao. Mà tương lai không có khái niệm tuyển nhân viên. Người ta đi tìm chuyên môn nào đó đang cần, rồi chỉ sử dụng chuyên môn đó bán thời gian, hay free-lance (làm việc tự do). Vậy là, việc làm, cách làm đều bất định. Cả tôi, giờ làm việc và sắp xếp cuộc đời, cũng hỏi trợ lý google (google assistant) cho nhanh. Ở nhà một đứa. Điện thoại một đứa. Chẳng bao lâu trợ lý ảo gọi điện đặt hẹn và giải quyết công việc hằng ngày được luôn nữa là xong. Tương lai có ở đâu xa. Tương lai đang diễn ra ở ngay đây hằng ngày hằng giờ. Tới một lúc nào đó, khi người máy được châm vào thêm cảm xúc, mà chuyện này trước sau gì cũng diễn ra, thì chuyện lãng mạn yêu đương giữa người và máy dĩ nhiên là thành chuyện bình thường. Giờ, ở Nhật đã có bạn gái và vợ ảo bằng hologram rồi (hình ảnh trình chiếu bằng công nghệ toàn ảnh – holographic). Cô ta vừa lo kiểm soát mọi máy móc dụng cụ trong nhà, vừa trò chuyện theo cảm xúc của chồng thật, tương tác theo nhu cầu, nói chuyện cũng được mà gửi tin nhắn cũng xong. Mấy anh nói, vợ thế đỡ phiền, cần shut up – im miệng là nó im miệng ngay, không có cảm xúc cao trào, giận hờn phiền phức.

Nói cho vui vậy thôi. Lý thuyết thì là một màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Khi mà ta còn chưa biết nói lời thương yêu với những người bên cạnh, thì cần gì trợ lý ảo hay trí tuệ nhân tạo làm giúp. Thế giới thì rộng lớn và còn rất nhiều việc phải làm, có khi những ngày này, chỉ cần nhìn một bông hoa và mỉm cười với nó thôi là đủ rồi, nghĩ nhiều mệt lắm.

Toa tàu hyperloop kích thước thật được ra mắt hôm 2/10/2018 ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Toa tàu hyperloop kích thước thật được ra mắt hôm 2/10/2018 ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Rồi thế giới tự nhiên nhỏ xíu. Tàu hyperloop ra đời, rút ngắn gấp 3 lần hành trình bằng tàu cao tốc. Việt Nam mình, tàu cao tốc kiểu vận tốc lên tới 600km/giờ còn chưa kịp nghĩ ra, giờ hyperloop gấp 3 lần, là cỡ 1.800km/giờ. Boeing 747, mà vận tốc mới đâu đó 885km/giờ. Ta đang sống trong thế giới kiểu gì? Trước sau, chắc cũng tới sự ra đời của máy du hành thời gian quá. Đi nhanh vậy không đủ. Giờ người ta phải đi xa, mà xa ra tới vũ trụ, lên định cư trên sao Hoả, giá 200 ngàn USD một vé. Bạn cười, hoang tưởng! Nhưng UAE – Các Tiểu vương quốc Ả Rập thì không nghĩ vậy. Họ đã chuẩn bị kế hoạch để xây dựng thành phố đầu tiên trên sao hỏa vào năm 2117. Tổng thống UAE ổng tuyên bố thế theo kế hoạch 100 năm xây dựng quốc gia này tại hội nghị đỉnh cao chính phủ toàn cầu tháng 2/2018, với sự tham dự của 138 đại diện chính phủ các quốc gia trên thế giới. Bạn nghĩ ông này ổng giỡn hay sao?

Xứ mình có chú Cuội lên cung trăng từ ngàn xưa rồi. Và dù là máy móc có tiến bộ, có khôn ngoan, có tự suy nghĩ đến mức nào đi nữa, nó cũng không sở hữu trí tưởng tượng được đâu. Tôi nghĩ, mỗi tối kể chuyện cổ tích cho con nít nghe, để sau này chuyện gì xảy ra đi nữa thì nó không bị hoảng hồn như chúng mình…

Còn một tỷ thứ hoảng hồn khác, mà kể nữa không biết đến bao giờ cho hết. Có điều, tôi nghiệm ra rồi. Cuối cùng, mình dốt thiệt. Thấy cái gì cũng há hốc mồm. Và nguyên lý đằng sau mấy thứ hoàn toàn xa lạ đó, lõm bõm hiểu đầu mất đuôi. Khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ ánh sáng. Người thường trên thế giới còn đuổi theo không kịp. Những quốc gia được xếp hạng là sáng tạo nhất thế giới, kiểu dẫn đầu theo bảng xếp hạng của WIPO – Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới như Thụy Sĩ, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Singapore mà còn vất vả cập nhật chưa xong hệ thống giáo dục để xây dựng tương lai cho thế hệ tiếp nối. Việt Nam mình chưa chờ tàu cao tốc đã lỗi thời. Vì vậy, có khi ta cần dừng lại, nhìn thế giới bất định mà phán một câu rằng, “Ta còn chưa hiểu thì dạy gì cho người không hiểu?” Có chăng, là ta đi học lại, và học cùng với nhau những kỹ năng để tồn tại và hội nhập vào thế giới bất định này. Có chăng, là ta tự nhìn mình trong gương, rồi hỏi, mình có đủ phẩm chất để người hơn máy? Chưa bao giờ trong lịch sử, mà con người phải suy nghĩ, phản tư về cái sự người của mình hơn thời đoạn chuyển đổi này. Nên thôi, kiến thức chỉ chọn lọc và cơ bản. Kỹ năng và phẩm chất đổ móng xây nền. Rồi khi thế giới vỡ ra như nào là tri thức tương lai, ai đã có nền sẽ biết cần bổ sung tri thức thế nào cho phù hợp. Học, không còn là chuyện của trường. Tự học, là kỹ năng quan trọng nhất cả đời, để người còn có thể sống còn cùng với máy.

Đồng ý chứ. Nhưng mà có thêm ý này nữa: bản chất của trí tuệ nhân tạo là máy học. Mà nó học từ ai, là học từ con người chúng ta. Nên mở cửa năm mới, cứ vững tin rằng, tương lai của thế giới, chính là phụ thuộc vào cái tôi của chúng ta hôm nay. Một cái tôi cần được nâng cấp, cả về chiều rộng của trí tưởng tượng, chiều sâu của tri thức và chiều mênh mông của trái tim.

Rồi tự nhiên, ở đâu không biết, thế giới quăng vào mặt ta một loạt những khái niệm hoàn toàn mới, quá sức xa lạ, không có trong tự điển, chưa bao giờ được nhắc đến trong một tiết học nào. Nè bạn thử nhìn cái danh sách này, rồi giải thích cho người kế bên, mấy thứ khái niệm này là cái gì xem nhé.
- AI - Artificial Intelligence: trí tuệ nhân tạo
- VR – Virtual Reality: thực tế ảo
- AR – Augmented Reality: thực tế tăng cường
- Automation: tự động hoá
- Machine learning: máy học
- Biometrics: sinh trắc học
- Blockchain: công nghệ chuỗi khối
- Cloud technology: công nghệ điện toán đám mây
- Mobility: công nghệ di động
- Robotics: công nghệ robot
- 3D printing: công nghệ in 3D