Hai quy trình công nghệ mà Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển giao cho Ralaco giúp giảm số đèn không đạt chuẩn về độ tráng phủ, tái sử dụng nhiều tấn bột huỳnh quang pha tạp chất đất hiếm và hàng trăm tấn thủy tinh không chì trị giá hàng chục tỷ đồng.

Sinh viên Bách khoa luôn được đánh giá cao trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ảnh: Việt An
Sinh viên Bách khoa luôn được đánh giá cao trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ảnh: Việt An

Chuyển giao công nghệ là tiêu chí đánh giá nghiên cứu

Đại học Bách khoa Hà Nội được đánh giá là điển hình về chuyển giao công nghệ từ trường đại học.

Các cải cách của trường thời gian qua tập trung vào đổi mới và thí điểm cơ chế tự chủ về tổ chức, chương trình đào tạo, hoạt động KH&CN trong lộ trình trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu. Việc sử dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu của trường cho doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá tính hiệu quả của nghiên cứu khoa học.

Trường tích cực hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu mở gắn với các phòng thí nghiệm đầu tư tập trung. Hiện trong trường hình thành hơn 200 nhóm nghiên cứu với khoảng 80 nhóm nghiên cứu mạnh.

Các hội đồng khoa học liên ngành được thành lập nhằm tăng hiệu quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc tổ chức đăng ký, xét duyệt và thực hiện các đề tài.
Xây dựng các chương trình nghiên cứu của trường là hoạt động mang tính đột phá. Các chương trình này đều có tính chiến lược, thường là trung hạn đòi hỏi sự phối hợp đa ngành của các đơn vị nghiên cứu trong trường.

Đột phá trong chuyển giao công nghệ

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, hằng năm kinh phí nghiên cứu được giao cho cán bộ của trường thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm.

Để hỗ trợ cán bộ trong quá trình làm hồ sơ đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, trường có các tổ sở hữu trí tuệ trực thuộc phòng KH&CN hoạt động 8 năm qua.

Nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp và ươm tạo công nghệ, trường thành lập hệ thống chợ công nghệ trực tuyến (E-techmart) từ tháng 11/2011. Hàng trăm sản phẩm là kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm được giới thiệu trên trang web này.

Ví dụ điển hình cho hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội là mô hình hợp tác giữa trường và Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Ralaco)
.
Cuối năm 2007, khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng”, các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS) và Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ (AIST) chủ động liên hệ với Ralaco.

Sau một năm, 2 quy trình công nghệ đã được chuyển giao thành công cho công ty này, giúp giảm số đèn không đạt tiêu chuẩn trong khâu tráng phủ khoảng 4%, đồng thời tái sử dụng nhiều tấn bột huỳnh quang pha tạp chất đất hiếm và hàng trăm tấn thủy tinh không chì trị giá hàng chục tỷ đồng.

Năm 2009, thỏa thuận hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung và xưởng thí nghiệm giữa trường và Ralaco được ký kết.

Với phòng thí nghiệm chung, trong 2 năm 2009-2010, nhiều vấn đề công nghệ được giải quyết, điển hình là 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, năm 2011 Ralaco quyết định thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển. Năm 2013, Đại học Bách khoa Hà Nội và Ralaco ký thỏa thuận xây dựng phòng thí nghiệm chung thứ hai.

Doanh nghiệp liên doanh giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Ralaco trong lĩnh vực chiếu sáng LED cũng đã được hai bên nhất trí thành lập.

Đây là điển hình thành công của việc phát triển công nghệ ứng dụng trong các trường đại học nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.