Giới chuyên môn cho rằng, với đà tăng TFP (năng suất yếu tố tổng hợp) hiện nay, nếu tổng lực triển khai các giải pháp, mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể tăng đến 50% vào năm 2020 - đạt mức trung bình của thế giới.

Đóng góp của khoa học và công nghệ ngày càng lớn

Tăng TFP được coi là sự cải tiến về hiệu quả của công nghệ sản xuất và tiến bộ công nghệ trong tăng trưởng kinh tế. 2015 là năm bứt phá của chỉ số này khi góp khoảng 39,92% vào tăng trưởng GDP - tức là gần 2/5 mức tăng của GDP. Còn nếu tính trung bình giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt 28,04% và năm sau đều cao hơn năm trước, vượt qua thời kỳ suy giảm, thậm chí có giá trị âm vào năm 2010.

Khoa học và công nghệ đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Ảnh: Tuấn Anh
Khoa học và công nghệ đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP.
Ảnh: Tuấn Anh

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, TFP và năng suất lao động là hai chỉ tiêu quan trọng đối với nền kinh tế, trong đó khoa học và công nghệ (KH&CN) có tác động chủ đạo đối với sự tăng trưởng các yếu tố này.
Ở cấp độ nền kinh tế, TFP được đánh giá dựa trên hai chỉ số là tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Tuấn, tỷ lệ đóng góp của TFP vào GDP cho thấy KH&CN đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Xu hướng gia tăng đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng GDP 5 năm qua là kết quả sự đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN, đổi mới về cơ chế quản lý KH&CN gần đây. Điều này tạo môi trường pháp lý thuận lợi và thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư đổi mới công nghệ và sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giúp đầu tư nước ngoài gia tăng trong lĩnh vực công nghệ cao.

Chia sẻ vui về Việt Nam, TS Roslina Md Isa - Giám đốc Ban Năng suất và Cạnh tranh, Cơ quan Năng suất Malaysia - cho biết: “TFP của Malaysia cũng có những bước thăng trầm giống Việt Nam. Chúng tôi từng có thời thu hút đầu tư nước ngoài rất nhiều, nhưng đến mức độ nhất định thì đầu tư nước ngoài giảm xuống. Với Việt Nam, đóng góp của TFP cao lên trong 4 năm qua, đây là dấu hiệu rất tốt”.

Phải chớp thời cơ

Theo bà Roslina Md Isa, Malaysia mất 20 năm để đi từ giai đoạn thúc đẩy đầu tư hiệu quả lên giai đoạn kinh tế sáng tạo. Ở giai đoạn trước, cái yếu của quốc gia này là chưa ý thức đầu tư vào KH&CN nên đã bị Hàn Quốc bỏ lại đằng sau. “Còn ở thời điểm này, Malaysia đang lo bị Việt Nam vượt mặt. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể vượt Malaysia” - TS Roslina Md Isa nói.

Lý giải thêm về cơ sở của niềm tin này, PGS-TS Vũ Minh Khương thuộc Đại học Quốc gia Singapore - một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực TFP - đã dẫn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Việt Nam khát vọng rất dồi dào, hoàn toàn có thể làm được những điều Singapore đang làm”.

Theo TS Khương, việc xác định đóng góp của TFP vào nền kinh tế Việt Nam nên theo nguyên lý “lợi thế lạc hậu” (Gerschenkron, 1962). Với nguyên lý này, các nước đi sau có thể khai thác khoảng cách công nghệ của mình so với thế giới để đẩy nhanh công cuộc bắt kịp.

“Khoảng cách càng xa (càng lạc hậu về công nghệ) càng có khả năng đạt nhiều thành công ấn tượng trong nỗ lực này. Nghèo tức là còn kho “kiến thức vàng” cần phải học hỏi. Đây là thời kỳ Việt Nam đã làm được khá nhiều tuy chưa có đột biến lớn” - PGS-TS Vũ Minh Khương nhận định. Ông lấy ví dụ từ hãng Kodak: Trong khi hãng này còn lưỡng lự việc bỏ công nghệ phim bước vào công nghệ số thì ngay lập tức những hãng máy ảnh mới chưa có gì trong tay đã “nhảy” luôn vào công nghệ số và thành công. Kodak do không kịp chuyển hướng nên thất bại.

TS Khương gợi ý, Việt Nam có lợi thế đi sau, nên chú trọng đầu tư sâu về KH&CN nhưng phải có tầm nhìn dài hạn. Ví dụ, phải xác định 30 năm tới, KH&CN cần đạt mức trung bình tối thiểu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế về công nghệ. Ngoài ra, phải thúc đẩy hợp tác R&D trong tất cả các lĩnh vực.

Cũng chung quan điểm với TS Khương, TS Roslina Md Isa dẫn từ chính kinh nghiệm của Malaysia mà bà cho rằng Việt Nam có thể tham khảo. Theo đó, về đổi mới sáng tạo trong tiếp thị, sản phẩm, công nghệ, quá trình sản xuất, Malaysia chú trọng vào lõi sản phẩm nhất. 60-70% số doanh nghiệp Malaysia coi việc đưa sáng tạo KH&CN vào sản xuất rất quan trọng. Hiện nước này ở giai đoạn nền kinh tế sáng tạo, cơ chế của các tổ chức, doanh nghiệp đang có xu hướng tương đối linh hoạt, mềm dẻo.

“Kế hoạch 2016-2020 của Malaysia rất tham vọng và rõ ràng, nhấn mạnh việc ai chịu trách nhiệm, ai kiểm soát, giám sát…, thay đổi rất căn bản so với phương pháp cũ. Trước đây, nhân vật chịu trách nhiệm là người đứng đầu chính phủ, giờ giao cho những người đứng đầu từng ngành. Trong chiến lược thúc đẩy năng suất thời gian tới, các cơ quan, doanh nghiệp Malaysia sẽ làm việc với nhau trong một ràng buộc hợp đồng chặt chẽ”.

Đồng tình với chia sẻ của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian gần đây Việt Nam có nhiều đổi mới và tăng cường tiềm lực cho KH&CN. Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ KH&CN. Hiện doanh nghiệp nhà nước phải trích tối thiếu 3% số lợi nhuận trước thuế, còn với doanh nghiệp ngoài nhà nước thì chưa bắt buộc. Mục tiêu đến năm 2020, đầu tư cho KH&CN cả nước đạt 1,5-2% GDP.

Theo giới chuyên môn, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng mức đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP lên 50% - mức trung bình của thế giới, nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh bằng cách triển khai đồng bộ hơn các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý KH&CN để khu vực ngoài ngân sách đầu tư nhiều hơn cho KH&CN, tập trung nguồn lực cho những dự án đổi mới công nghệ trọng điểm thật sự hiệu quả, tạo ra những sản phẩm, ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Nếu đạt được mức đó, Việt Nam sẽ vững vàng nằm trong 3 nước dẫn đầu ASEAN và vượt chỉ tiêu 35% mà chúng ta đặt ra cho giai đoạn 2011-2020 (theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020).