Sự lớn mạnh của các cụm liên kết ngành sẽ kéo theo sự gia tăng và phát triển các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, thu hút vốn FDI. Đây chính là biện pháp hữu hiệu thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Tăng sức cạnh tranh với cụm công nghiệp
Cụm công nghiệp là nơi tập trung về địa lý của các công ty có liên kết với nhau, các nhà cung cấp được chuyên môn hóa, các tổ chức có liên quan cùng cạnh tranh và hợp tác.
Với những nước đang phát triển như Việt Nam, có hai dòng chuyển giao công nghệ chủ yếu là từ các nước phát triển và giữa các nước đang phát triển. Loại hình thứ hai gắn với sự hình thành các khối kinh tế khu vực như ASEAN ở châu Á, cộng đồng Đông Phi ở châu Phi…
Ở các nước đang phát triển, nông nghiệp chiếm vị trí chủ đạo, công cụ lao động lạc hậu, có nhiều khó khăn trong chuyển giao công nghệ như: Bản chất độc quyền của bên cung cấp; năng lực hấp thụ, nghiên cứu còn yếu; thiết chế xã hội kém năng động; thị trường khoa học công nghệ nhỏ hẹp, không tạo ra động lực cho việc tiếp nhận, làm chủ và đổi mới công nghệ.
Phát triển cụm công nghiệp là hướng chính sách quan trọng giúp tăng sức cạnh tranh, đổi mới, phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Hiện 75 nước đang triển khai phát triển cụm công nghiệp với 2.500 sáng kiến.
Doanh nghiệp được lợi gì?
Các doanh nghiệp trong cụm ngành thường nhận biết nhu cầu khách hàng mới rõ và nhanh hơn do được hưởng lợi từ sự quy tụ các kiến thức và quan hệ với bên mua, sự liền kề của các doanh nghiệp cùng ngành.
Việc tham gia vào cụm ngành mang lại những lợi thế nhận thức về khả năng công nghệ mới. Các đối tượng tham gia nhanh chóng và đều đặn nắm bắt công nghệ đang chuyển hóa, sự hiện diện của linh kiện, máy móc, các dịch vụ và hoạt động marketing… nhờ vào mối quan hệ liên tục với các tổ chức khác trong cụm, các chuyển đi tham quan địa điểm dễ dàng và các cuộc tiếp xúc trực diện.
Các doanh nghiệp trong cụm ngành có thể thử nghiệm với chi phí thấp và trì hoãn những cam kết lớn cho tới khi chắc chắn rằng một sản phẩm, quy trình hay dịch vụ mới có kết quả.
Cụm công nghiệp có ưu thế về chính sách, có sức hấp dẫn lớn đối với các dự án chuyển giao công nghệ từ bên ngoài. Cụm công nghiệp là một trong những yếu tố kinh tế trong môi trường đầu tư tại nước tiếp nhận vốn FDI, bao gồm: Cơ sở vật chất, chính sách, các nguồn lực đầu vào, dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư. Đây là các nhân tố thuận lợi, là động lực để các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào một địa điểm nhất định.
Cụm công nghiệp là môi trường tiếp nhận, chuyển giao và sử dụng hiệu quả những thành tựu khoa học và công nghệ. Quá trình tham gia hoạt động trong cụm công nghiệp sẽ tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, liên tục cải tiến và sáng tạo.
Các mô hình cụm công nghiệp trên thế giới
Cụm công nghiệp ôtô Bắc Carolina đứng thứ 10 nước Mỹ về số việc làm, với khoảng 400 nhà sản xuất ôtô và hơn 600 doanh nghiệp khác cung cấp thiết bị, linh kiện, phụ kiện, nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất ôtô.
Cụm công nghiệp ôtô Quảng Châu (Trung Quốc) thu hút ba hãng Toyota, Honda, Nissan. Trước đây, các doanh nghiệp hỗ trợ cho Nissan nằm ở Hoa Đô, cho Toyota ở Nam Sa, cho Honda ở Tăng Thành. Sự phát triển giao thông, hạ tầng khiến ba huyện này gần nhau hơn, giúp các doanh nghiệp hỗ trợ tách ra, độc lập với các hãng lắp ráp. Các doanh nghiệp hỗ trợ Toyota cung cấp cả linh kiện cho Nissan, Honda và ngược lại. Điều này giúp Quảng Châu thành cụm công nghiệp ôtô hiệu quả.
Thái Lan xây dựng các tổ chức theo ngành như Viện Nghiên cứu ôtô Thái Lan, Viện Nghiên cứu điện và điện tử... Cục Phát triển công nghiệp phối hợp với các viện cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, thiết kế và phát triển các sản phẩm mẫu.
Việc phát triển cụm công nghiệp cùng các ngành hỗ trợ nhằm đạt sự đồng bộ tối đa, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giúp phân công lao động và chuyên môn hóa trong ngành cao hơn. Các doanh nghiệp có thể tạo chuỗi giá trị cho một sản phẩm hoặc một cụm chi tiết từ khâu cung cấp nguyên liệu đến lắp ráp.
Nhiều quốc gia đã thành công trong chuyển giao công nghệ nhờ cụm công nghiệp. Để có hiệu quả, các mô hình cụm công nghiệp phải gắn với chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Cần có chiến lược giúp doanh nghiệp nội vượt rào cản về văn hóa và thông tin, có cơ hội tham gia hệ thống sản xuất của các tổ chức quốc tế, tiếp nhận công nghệ.