Adam Neumann chính thức kiện SoftBank sau khi tập đoàn này hủy thỏa thuận mua lại cổ phần của anh và các cổ đông khác tại WeWork trị giá 3 tỷ USD.

Adam Neumann vừa chính thức tuyên chiến với SoftBank.

Hôm 4/5, nhà đồng sáng lập và cựu CEO của WeWork đã đệ đơn kiện tập đoàn SoftBank của Masayoshi Son lên Tòa án Delaware.

Động thái này đẩy Neumann vào một cuộc chiến pháp lý, bắt đầu từ khi hội đồng quản trị đặc biệt của công ty, đại diện cho We Company, đệ đơn kiện tương tự vào tháng trước. Vụ kiện của Neumann được coi là động thái củng cố thêm cho những khiếu nại trước đó. Đây cũng là một trong những hành động công khai đầu tiên của Neumann kể từ khi ông bị đẩy khỏi vị trí CEO vào tháng 9 năm ngoái, sau khi công ty thất bại trong việc tiến hành IPO.

.

Vụ kiện, vốn được coi là điều không tưởng vào 6 tháng trước, là bước ngoặt mới nhất của những bê bối chưa được sáng tỏ của startup không gian làm việc chung này.

Ngày 1/4, SoftBank quyết định hủy bỏ kế hoạch mua lại số cổ phiếu WeWork trị giá 3 tỷ USD từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thỏa thuận này là một phần của gói cứu trợ mở rộng cho WeWork vào tháng 10/2019 sau khi IPO thất bại. Việc hủy bỏ kế hoạch khiến Neumann không thể thu về 970 triệu USD từ việc bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Đơn khiếu nại viết “Sau khi giành được quyền kiểm soát WeWork và Hội đồng, SBG (SoftBank) và SBVF (SoftBank Vision Fund) đã không thực hiện lời hứa chi trả cho những lợi nhuận mà họ đã thu về". Còn về động cơ, bản khiếu nại chỉ ra tình trạng tài chính “đang xấu đi” của Softbank.

Giám đốc pháp lý của SoftBank, Rob Townsend, cho rằng các nhận định trên là “vô lý” và nói “Theo các điều khoản trong thỏa thuận Adam Neumann đã ký, SoftBank không có nghĩa vụ phải thực hiện việc mua lại cổ phiếu, trong đó ông Neumann – người hưởng lợi lớn nhất – bán được gần 1 tỷ USD cổ phiếu".

SoftBank đầu tư 3 tỷ USD vào WeWork vào tháng 3/2017, chỉ sau 12 phút trao đổi giữa Son và Neumann cùng với đồng sáng lập Miguel McKelvery. Nhà đầu tư này đã dẫn đầu 2 vòng gọi vốn khổng lồ, định giá WeWork 47 tỷ USD và cổ phần của Neumann ở mức 4 tỷ USD vào 1/2019, thúc đẩy cho việc mở rộng nhanh chóng nhưng thiếu bền vững của công ty.

Khi đưa ra quyết định đầu tư đầu tiên, Son đã nói với Neumann rằng “Cậu và Miguel không đủ điên rồ”.

Vào tháng 9, hội đồng quản trị WeWork đã loại Neumann ra khỏi vị trí CEO. Dưới sự quản lý của ông, công ty ghi nhận những khoản thua lỗ khổng lồ và thất bại trong việc IPO, phơi bày những vấn đề quản trị khắp bộ máy. Báo cáo của Wall Street Journal cho rằng việc sử dụng cần sa và các hành động khó hiểu của Neumann đã đẩy công ty đi đến quyết định cuối cùng.

Cần vốn, hội đồng quản trị WeWork đã bỏ phiếu đồng ý gói cứu trợ của SoftBank, thay vì gói vay nợ cạnh tranh trị giá 5 tỷ USD từ JPMorgan. Thỏa thuận của SoftBank tương đương gói vay nợ từ JPMorgan, nhưng lại thuận lợi hơn cho cá nhân Neumann, bởi nếu việc mua lại cổ phiếu được diễn ra, một khoản phí tư vấn 180 triệu USD và khoản tín dụng 500 triệu USD sẽ được dùng để chi trả cho các khoản nợ khác.

Neumann chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào kể từ khi rời khỏi ghế CEO và dành thời gian vừa qua tại quê nhà Israel. Trong khi đó tại NewYork, lãnh đạo công ty, dẫn đầu bởi chủ tịch điều hành WeWork kiêm COO SoftBank, Marcelo Claure, đang nỗ lực để ổn định startup. Công ty này đã sa thải hơn 2.650 nhân viên, bao gồm nhiều người vào tuần trước, cùng lúc đó bán tháo nhiều doanh nghiệp và bất động sản có được trong thời kỳ đỉnh cao.

Vào giữa tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ buộc nhiều địa điểm WeWork đóng cửa, Son tuyên bố với các nhà đầu tư rằng SoftBank có cơ sở để tiến hành tái đàm phán về thỏa thuận mua lại cổ phiếu, chỉ ra các điều kiện chưa được đáp ứng, bao gồm các cuộc điều tra pháp lý ngắm vào WeWork và thất bại của công ty trong việc củng cố kinh doanh tại Trung Quốc. Ngay trước hạn chót vào ngày 1/4, SoftBank thông báo với nhà đầu tư rằng họ sẽ không thực hiện thỏa thuận.

Vào 7/4, thành viên hội đồng quản trị lâu năm, ông Bruce Dunlevie của Benchmark và Lew Frankfort, cựu CEO của Coach, đã đại diện cho các cổ đông thiểu số, đệ đơn kiện lên Tòa án Delaware. Họ dựng nên một ủy ban đặc biệt, vốn được thành lập để đánh giá các đề nghị cứu trợ cạnh tranh từ SoftBank và JPMorgan.

Trong đó cáo buộc các giám đốc của SoftBank đã thực hiện các bước phá hoại việc mua lại ngay khi thỏa thuận được ký. Theo Forbes, Benchmark, sở hữu 8% WeWork, có thể đã kiếm được 350 triệu USD từ thỏa thuận chào mua công khai này. SoftBank đặt ra nghi vấn về động cơ cũng như quyền đệ đơn của Frankfort và Dunlevie, gọi đây là “nỗ lực sai lầm để viết lại thỏa thuận và để viết lại lịch sử của 6 tháng vừa qua".