Công nghệ blockchain có thể khiến chuỗi cung ứng thực phẩm trở nên minh bạch hơn, cho phép theo dõi nguồn gốc và chất lượng sản phẩm từ nhà cung cấp đến nơi bán hàng và cuối cùng là người tiêu dùng.
Theo dõi nguồn gốc và chất lượng sản phẩm
Trước khi thực phẩm đến được các nhà hàng hoặc kệ bán hàng hóa, công nghệ blockchain có thể ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm do vi khuẩn như Escherichia coli. Một hệ thống được xây dựng dựa trên nền tảng blockchain cho phép người mua theo dõi thông tin sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm, bao gồm chi tiết nguồn gốc trang trại, số lô hàng, nhà máy chế biến, ngày hết hạn, nhiệt độ lưu trữ và quá trình vận chuyển. Từ đó, các bên liên quan trong chuỗi cung ứng có thể xác định những mối nguy hiểm tiềm ẩn chỉ bằng một vài cú click chuột trên màn hình.
Thông tin thích hợp được ghi lại trong blockchain tại mỗi bước của quá trình sản xuất, chế biến, cũng như khi hàng hóa được vận chuyển từ cơ sở cung ứng đến nơi người tiêu dùng mua hàng. Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán. Mỗi máy tính trong mạng blockchain phải xác minh thông tin của từng giao dịch riêng lẻ liên tiếp, và một khi đạt được sự đồng thuận của những người tham gia mạng lưới, nó trở thành một hồ sơ vĩnh viễn không thể thay đổi. Theo cách này, các ứng dụng blockchain bảo đảm tính chính xác của toàn bộ thông tin liên quan đến chuỗi cung ứng thực phẩm được lưu trữ trong mạng của chúng.
Ngoài ra, công nghệ blockchain có thể cách mạng hóa ngành công nghiệp thực phẩm bằng cách loại bỏ các bên trung gian hoặc người môi giới, đồng thời làm giảm chi phí giao dịch, ngăn ngừa việc áp đặt giá cả. Điều này có thể dẫn đến việc định giá công bằng, giúp cho nông dân sản xuất nhỏ lẻ thu hút được sự chú ý của thị trường nhiều hơn.
Năm 2016, hệ thống blockchain lần đầu tiên được thử nghiệm để theo dõi thực phẩm từ trang trại đến người tiêu dùng, khi công ty Walmart thu thập thông tin về thịt lợn xuất xứ ở Trung Quốc – nơi người tiêu dùng thường xuyên nghi ngờ tuyên bố của những người bán hàng về nguồn gốc và chất lượng thịt mà họ bày bán. Nhân viên tại trang trại lợn sẽ cập nhật báo cáo kiểm tra trang trại và giấy chứng nhận sức khỏe vật nuôi, lưu trữ chúng trong một cơ sở dữ liệu trực tuyến an toàn. Tại đó, các dữ liệu không thể bị xóa hoặc sửa đổi mà chỉ được thêm vào.
Khi những con lợn trong trang trại được giết mổ, chế biến, đóng gói và mang đến địa điểm bán, những người lái xe chở hàng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Ở mỗi bước, họ sẽ thu thập thông tin chi tiết về lô hàng, nhiệt độ lưu trữ, dấu kiểm định của cơ quan chức năng và các báo cáo an toàn khác. Sau đó, lái xe sẽ chụp ảnh những tài liệu này và tải chúng lên cơ sở dữ liệu được xây dựng dựa trên nền tảng blockchain. Mỗi gói thịt lợn được dán nhãn chứa mã QR có thể đọc bằng điện thoại thông minh. Người tiêu dùng sẽ quét mã ngay trong cửa hàng để truy xuất nguồn gốc của miếng thịt trên blockchain. Điều này giúp họ yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm và hạn chế mua phải hàng giả.
Công ty Walmart cũng tiến hành các thử nghiệm tương tự đối với xoài nhập khẩu vào Mỹ từ khu vực Mỹ Latinh. Công ty nhận thấy rằng, người tiêu dùng chỉ mất 2,2 giây để tìm ra khối lượng của từng quả, giống cây, địa điểm trồng, thời gian thu hoạch, cơ sở bảo quản lạnh, ngày nó đi qua hải quan Mỹ, thời gian chờ đợi bao lâu trước khi chuyển đến một cửa hàng.
Ngoài việc theo dõi nguồn gốc thực phẩm, công nghệ blockchain đang góp phần giúp rượu vang không bị làm giả. Một số người làm rượu giả lấy những chai rượu rỗng với nhãn hiệu hàng đầu, sau đó đổ rượu vang rẻ hơn vào để gặt hái lợi nhuận. Chuyên gia rượu vang Maureen Downey đã ra mắt một hệ thống blockchain cung cấp cho mỗi chai một nhận dạng số duy nhất kết hợp với hơn 90 thông tin dữ liệu, bao gồm quá trình sản xuất, quyền sở hữu, lịch sử lưu trữ, nhãn hiệu…Khi các chai được chuyển từ nhà máy sản xuất rượu vang sang nhà phân phối và đại lý, dữ liệu sẽ được cập nhật và có thể dễ dàng kiểm tra lại bởi các nhà kho và người bán lẻ.
Đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu
Các hệ thống blockchain được bảo mật, nhưng dữ liệu của chúng – giống như các cơ sở dữ liệu khác – chỉ chính xác như những gì được nhập vào. Những kẻ lừa đảo có thể cố gắng làm giả chứng nhận quy trình hữu cơ hoặc kiểm tra trang trại.
Ngoài ra, hầu hết sản phẩm thực phẩm tại các nền kinh tế đang phát triển như Châu Phi và Trung Quốc đều được sản xuất tại trang trại rất nhỏ, không có khả năng tiếp cận với công nghệ cao hoặc kết nối internet. Các hệ thống blockchain cũng thường tốn kém. Đó là một phần lý do tại sao nhiều thử nghiệm hiện nay được tiến hành trên những mặt hàng có giá trị như thịt bò, rượu vang và cà phê cao cấp.
Trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu sẽ phát triển những hệ thống được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain rẻ hơn, dễ sử dụng và mức độ an toàn cao hơn. Nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, nhà máy chế biến thực phẩm và khách hàng.