Nền tảng học tập trực tuyến miễn phí đầu tiên dành cho giáo viên phổ thông ở Việt Nam vừa chính thức đi vào hoạt động với 3 khóa học mới mà cả những người làm công tác thiết kế chương trình đào tạo, sinh viên sư phạm hay người yêu thích công việc giáo dục đều có thể đăng ký tham gia.

Giải pháp Micro-learning


Nguồn: EdLab Asia

Cổng học tập trực tuyến đại chúng mở (MOOC) Cùng học là sáng kiến của Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia. Mục đích nhằm góp phần kiến tạo cộng đồng giáo viên phổ thông nhiệt thành, năng động, và sáng tạo.

“Nội dung các khóa học của chúng tôi dựa trên 3 trụ cột: Học thế nào, Dạy thế nào, và Thiết kế chương trình thế nào, chứ không bám theo chương trình hay sách giáo khoa của một môn học cụ thể,” ThS Hoàng Anh Đức, Giám đốc EdLab Asia, nói về cổng MOOC đầu tiên dành cho giáo viên phổ thông ở Việt Nam.

Nội dung các khóa học do nhóm dự án nghiên cứu và phát triển hoặc do các đối tác quốc tế (Mỹ, Hà Lan, Đài Loan, Singapore, dự án iCard của Liên minh Châu Âu) chuyển giao bản quyền.

Các khóa học được tổ chức trên nền tảng mã nguồn mở Open edX do ĐH Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cung cấp; và được thiết kế theo phương pháp Micro-learning dựa trên quy luật chúng ta hầu như chỉ có thể tập trung khoảng 10 phút, bị phân tâm, rồi mới tập trung trở lại.

Theo đó, người học tự học qua việc xem những clip ngắn - khoảng từ 3-5 và tối đa là 7 phút, rồi trả lời các câu hỏi kiểm tra để được chuyển sang bài tiếp theo. Mỗi bài học đều chứa ít nhất một kiến thức có thể áp dụng ngay vào thực tế cùng các liên kết dẫn đến các tài liệu người học cần đọc thêm để mở rộng kiến thức hay các bảng biểu có thể tải về để sử dụng. Một khóa học thường gồm khoảng mười bài học như vậy.

Để hình thành thói quen tự học và ứng dụng các kiến thức thường xuyên, dự án Cùng học khuyến nghị người học dành khoảng 1 đến 2 tiếng một tuần và có thể chia đều thời gian ra từng ngày để học các bài học nhỏ.

Dù không phải là khóa học cấp bằng, nhưng những người đã hoàn thành khóa học và muốn được cấp chứng nhận của dự án có thể lựa chọn đóng một khoản phí 49 nghìn đồng. Mỗi khoá học được triển khai trong thời hạn sáu tuần, sau đó sẽ đóng lại để tiếp tục nâng cấp. Cứ mỗi hai tuần, dự án lại mở đăng ký cho hai khoá học mới. Với hình thức gối đầu như vậy, sau hai tháng triển khai, sẽ có khoảng 8 khoá học luôn được vận hành trên hệ thống.

Tích tiểu thành đại


Nguồn: EdLab Asia

Ba khóa học đầu tiên của Cùng học - gồm Tại sao bạn lại trở thành nhà giáo?; Nhu cầu và động lực của học sinh; Tư duy thiết kế căn bản - đã mở đăng ký từ ngày 1/6 và sẽ bắt đầu từ ngày 18/6. Không chỉ giáo viên phổ thông mà cả những người làm công tác thiết kế chương trình đào tạo, sinh viên sư phạm hay người yêu thích công việc giáo dục đều có thể đăng ký tham gia.

Sau 3 ngày, hệ thống đã ghi nhận 1.044 lượt đăng ký từ khắp 64 tỉnh/thành phố trên cả nước - theo anh Đức. Trong đó, có 92% là giáo viên; 5,3% là sinh viên sư phạm; và 2,8% là phụ huynh.

Anh Đức cho biết, đội ngũ giáo viên phổ thông – lực lượng quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục - hiện gồm hơn 1.275.000 người. Qua khảo sát, Cùng học nhận thấy họ đang gặp hàng chục vấn đề như hạn chế về ngoại ngữ, thiếu định hướng phát triển chuyên môn, quá tải thông tin, e dè khi chia sẻ các khó khăn chuyên môn… Từ những vấn đề đó, nảy sinh rất nhiều nhu cầu học tập, “vì vậy Cùng học cố gắng giải quyết một vài nhu cầu trong số đó”.

“Đây hoàn toàn là những khóa học dựa trên nhu cầu. Ý tưởng của chúng tôi là ‘năng nhặt chặt bị’ – không cần học với thời lượng lớn, mỗi ngày học 5 phút thôi nhưng cả năm học đều đặn sẽ tích tiểu thành đại. Người học lựa chọn nội dung mình thấy cần thiết - không nhất thiết phải học tất, và lựa chọn tiến độ học tập của mình, học đến đâu áp dụng đến đó,” anh Đức nói.

Một vấn đề của các khóa MOOC là tỷ lệ hoàn thành khá thấp - con số này chỉ vào khoảng 15%, theo một nghiên cứu vào năm 2015.

“Khó khăn lớn nhất là do thói quen [học tập], còn nhu cầu [học tập] là có thật. Do đó, để người học không nản, chúng tôi đã xây dựng nhóm đại sứ Cùng học, những người sẽ chia sẻ về hoạt động của Cùng học với một người hoặc nhiều người. Ngoài ra, các thành viên Cùng học có thể tương tác với nhau trên nhóm Facebook,” anh Đức nói. “Bản thân hệ thống quản lý học tập (LMS) của Cùng học cũng có phần thảo luận theo từng bài. Nhưng những vấn đề người học muốn thảo luận mà không biết nêu ở đâu thì họ có thể đưa vào forum mà chúng tôi đang xây dựng. Thường kỳ, chúng tôi sẽ tổ chức thêm các hoạt động như chia sẻ từ phía người học, và webinar với các chuyên gia.”

“Quan điểm của chúng tôi là đưa ra những kiến thức cốt lõi mang tính hệ thống, giúp người học người tự đốt lên ngọn đuốc của mình để đi,” anh Đức nhấn mạnh.

Trước khi chính thức đi vào hoạt động, trong tháng 4 và tháng 5/2021, Cùng học đã mở thử 5 khóa học với 84 người tham gia. Kết quả, như anh Đức cho biết, có 4 người hoàn thành cả 5 khóa; còn tính trung bình, mỗi người hoàn thành 2,05 khóa.

Hiện Cùng học có thể phục vụ tối đa khoảng 10 nghìn người.