Covid-19 cùng với sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy bán hàng trực tuyến chiếm thế thượng phong so với bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, để có thể sống khỏe qua đại dịch, doanh nghiệp bán lẻ cũng cần giải quyết các bài toán của mình.
Ngày 30/6 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Microsoft tổ chức hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ”. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ bán lẻ toàn quốc. Đây là một trong chuỗi nhiều chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số hiệu quả.
Hội thảo dẫn báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA, Bộ Công Thương), cho thấy năm 2020 có tới 53% người dân Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng tăng trưởng 18%, tương đương 11,8 tỷ USD.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cuộc chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến mà Covid-19 tạo ra cho ngành bán lẻ, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, đã khiến thị trường này trở nên vô cùng cạnh tranh. Tốc độ chuyển đổi số đóng vai trò quyết định với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, thói quen của khách hàng cũng đã thay đổi, giờ đây họ có thói quen xem xét và lựa chọn, đọc các đánh giá trực tuyến trước khi đặt mua hoặc tới mua tại cửa hàng. Với họ, chuyện mua hàng không chỉ đơn giản là một món đồ mà còn đề cao tính trải nghiệm trong quá trình mua sắm.
Trong khi đó, ông Lê Đức Trung, Quản lý kênh đối tác của Microsoft Việt Nam, nhận định, trước sức ép của dịch bệnh và nền kinh tế không tiếp xúc, doanh nghiệp đã có ý thức chuyển đổi số, làm mới mình nhanh hơn. Bằng chứng là nếu như trước kia, doanh nghiệp cần 2 năm để chuyển đổi số thì giờ đây họ chỉ mất 2 tháng. Trong ngành bán lẻ, do thị trường cạnh tranh khốc liệt, yếu tố này lại càng phải đẩy nhanh hơn mạnh hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ cũng rất coi trọng phương thức bán hàng đa kênh và đưa công nghệ vào cả bán hàng và thanh toán. Cụ thể, theo khảo sát của VISA thực hiện tại Việt Nam năm 2020, 79% người tiêu dùngthích sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc hơn tiền mặt.
Kết quả khảo sát toàn cầu với 800 giám đốc điều hành trong ngành bán lẻ do The Economist
và Microsoft thực hiện cho thấy, 49% người được hỏi nói, việc nâng cao trải nghiệm khách hàng là yếu tố hàng đầu thúc đẩy
họ chuyển đổi số trong 12 tháng qua. Đại dịch đã khiến chuyển đổi số trở
nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với ngành bán lẻ. Khảo sát
cũng chỉ ra, các doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai các kênh bán hàng
trực tuyến và sự thấu hiểu khách hàng giúp họ vượt qua đại dịch tốt hơn
các doanh nghiệp bán lẻ khác.
Tuy nhiên, TS Trần Viết Huân - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Kim Sơn, lưu ý, "việc tập trung vào khách hàng không còn là điều quá mới trong ngành bán lẻ, quan trọng là các doanh nghiệp phải nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn và bảo mật thông tin khách hàng để lựa chọn các giải pháp uy tín khi triển khai chuyển đối số trong ngành".