Nghiên cứu do TS. Hồ Hoàng Thảo Quyên, bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, và các đồng nghiệp thuộc Trường ĐH California tại Davis (UC Davis) thực hiện cho thấy, công nghệ chụp quang tuyến vú 3D thế hệ mới vẫn còn điểm yếu khi hầu như không giúp giảm tỷ lệ dương tính giả so với công nghệ chụp nhũ ảnh 2D truyền thống.


Công nghệ chụp cắt lớp tuyến vú kỹ thuật số (Digital breast tomosynthesis), tên chính thức của chụp quang tuyến vú 3D, hiện đang được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Ảnh: elcaminohealth
Công nghệ chụp cắt lớp tuyến vú kỹ thuật số (Digital breast tomosynthesis), tên chính thức của chụp quang tuyến vú 3D, hiện đang được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Ảnh: elcaminohealth

Phương pháp chụp X-quang tuyến vú (hay còn gọi là chụp nhũ ảnh) là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng khá phổ biến trong chẩn đoán bệnh lý tuyến vú. Kỹ thuật chụp X-quang tuyến vú 2D truyền thống sử dụng chùm tia X để chiếu vào các mô tuyến vú từ hai góc độ khác nhau - trên xuống dưới và từ bên này sang bên kia, thu lại hình ảnh tại tuyến vú.

Tuy nhiên, kỹ thuật nhũ ảnh 2D cũng có những điểm yếu: Thứ nhất, sự chồng lấp nhu mô tuyến vú trên phim chụp khiến các tổn thương không hiện rõ, từ đó không kịp thời phát hiện sớm ung thư vú. Thứ hai, tồn tại rủi ro dương tính giả (kết quả tầm soát cho thấy có khối u, trong khi đó người đi kiểm tra thực sự không có bệnh).

Với mong muốn khắc phục những nhược điểm này, các thế hệ máy chụp X-quang tuyến vú 3D đã ra đời. Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, công nghệ chụp quang tuyến vú 3D sẽ dùng nhiều tia X cường độ thấp đi qua tuyến vú khi máy di chuyển theo một vòng cung nhỏ, tạo ra các lát cắt hình ảnh cho phép bác sĩ nhìn thấy mô vú rõ ràng hơn trong không gian ba chiều.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy công nghệ mới này, hiện đang được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, có thể cải thiện khả năng phát hiện sớm ung thư ở những người không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Cụ thể, “chụp X-quang tuyến vú 3D có thể phát hiện ung thư chính xác hơn tới 40% so với chụp X-quang tuyến vú 2D. Các bác sĩ có thể tìm thấy các tổn thương mà họ không thể tìm thấy với kỹ thuật 2D”, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh Shadie Majidi thuộc mạng lưới y tế Froedtert & MCW, là một trong những bác sĩ đầu tiên được đào tạo để đọc hình ảnh chụp X-quang tuyến vú 3D, cho hay.

Những tưởng những điểm nổi trội của công nghệ nhũ ảnh 3D sẽ giúp giảm thiểu rủi ro dương tính giả, nhưng theo nghiên cứu mới đây của TS. Hồ Hoàng Thảo Quyên và cộng sự, nó hầu như không giúp giảm tỷ lệ dương tính giả so với công nghệ chụp nhũ ảnh 2D truyền thống.

Cần hoàn thiện thêm công nghệ

Các nhà khoa học tại UC Davis đã tiến hành tính toán xác suất dương tính giả khi chụp nhũ ảnh bằng công nghệ mới và truyền thống của với những phụ nữ tham gia sàng lọc hằng năm. Nhóm đã phân tích dữ liệu hình ảnh chụp X-quang tuyến vú của hơn 900,000 người ở độ tuổi từ 40 đến 79, trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2018, tại 126 trung tâm tầm soát trên khắp nước Mỹ.

TS. Diana Miglioretti, trưởng bộ phận thống kê sinh học tại Sở Khoa học Y tế Công cộng UC Davis, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết kết quả thật đáng ngạc nhiên. Cuộc điều tra phát hiện, cứ sau 10 năm thực hiện sàng lọc định kỳ, sẽ có khoảng 50% phụ nữ cho ra kết quả dương tính giả khi chụp nhũ ảnh 3D. Con số này với công nghệ chụp nhũ ảnh 2D là 56%. Sự chênh lệch không nhiều cho thấy công nghệ xét nghiệm hầu như không đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ dương tính giả.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ dương tính giả ở cả hai công nghệ chụp quang tuyến vú ở những phụ nữ trẻ hoặc những người có mô vú quá dày đặc (có nhiều mô liên kết hơn mô mỡ) đều như nhau. Trong trường hợp này, phụ nữ có mô vú dày sẽ có rủi ro bị dương tính giả nhiều hơn và có thể cần các bước kiểm tra bổ sung như chụp cộng hưởng từ vú hoặc siêu âm vì cả ung thư và mô dày đặc đều hiển thị dưới dạng màu trắng trên nhũ ảnh. Phát hiện mới này đã được công bố trên JAMA Network Open.

“Tôi đã thực sự hy vọng công nghệ mới sẽ giảm đáng kể tỷ lệ phụ nữ bị dương tính giả, vì nó khiến phụ nữ vô cùng căng thẳng”, TS. Miglioretti, người đồng thời cũng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Toàn diện UC Davis, chia sẻ. Phát hiện này góp phần giúp các nhà khoa học khác đang phát triển công nghệ nhũ ảnh thế hệ mới nhận ra điểm cần hoàn thiện để đề ra phương án khắc phục sớm.

Trong lúc chờ đợi các nhà khoa học tiếp tục cải tiến công nghệ nhũ ảnh 3D, nhóm nghiên cứu trấn an rằng không nên hoảng sợ khi có kết quả dương tính bởi trong số khoảng 12% bệnh nhân chụp X-quang tuyến vú cần xác nhận kết quả, chỉ có 4,4% mắc bệnh (tương đương 0,53% trong số tất cả các lượt chụp X-quang tuyến vú tầm soát).

Chụp quang tuyến vú chỉ là một xét nghiệm sàng lọc, không phải là một chẩn đoán. TS. Hồ Hoàng Thảo Quyên, bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu tại Trường Y UC Davis và là đồng tác giả thứ nhất của nghiên cứu, nhận định: “Nếu muốn phát hiện sớm ung thư vú, chúng ta cần phải thật cẩn thận và xem xét bất kỳ phát hiện bất thường nào. Vì vậy, phụ nữ không nên lo lắng nếu được liên hệ để thực hiện chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết bổ sung”.

Nguồn: