Giữa những giải pháp giảm tải bệnh viện, Med247, một mô hình kết hợp được ưu điểm của khám bệnh trực tiếp và gián tiếp, được coi là nhiều triển vọng bởi có thể góp phần thay đổi thói quen ngại đi khám bệnh định kỳ của người Việt Nam và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho mọi người.

Chuyển đổi số được xem là lời giải dài hạn cho việc giải quyết bài toán quá tải của y tế Việt Nam hiện nay. Theo Báo cáo Y tế số tại Việt Nam (do công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn và pháp lý KPMG và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện dựa trên số liệu đến năm 2018), được công bố vào đầu năm 2021, Việt Nam có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá, tương đương với việc chỉ có 1 bác sĩ và 2 y tá chăm lo sức khỏe cho 1.000 người dân. Bối cảnh đại dịch COVID cũng nhấn mạnh hơn nữa vào gánh nặng y tế cơ sở, khi đội ngũ y bác sĩ không thể xử lý được những vấn đề dịch bệnh đặt ra ở các bệnh viện…

Do vậy trong một hội thảo về chuyển đổi số cho y tế, ông Nguyễn Trường Nam - Cục Phó Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) từng cho rằng, một trong những tác động của chuyển đổi số đến lĩnh vực y tế là người dân chuyển từ thụ động sang chủ động khám bệnh, theo dõi sức khỏe. Theo cách làm này, mỗi người có thể được cấp một hồ sơ sức khỏe điện tử và các ứng dụng, qua đó tự theo dõi sự thay đổi, phát hiện nguy cơ bệnh sớm và chủ động trong đăng ký khám chữa bệnh từ xa hoặc tới trực tiếp bệnh viện trong trường hợp cần thiết.

Các bác sỹ đang tư vấn cho bệnh nhân của Med247.

Đó cũng là ý tưởng xuất phát của Med247, một startup về công nghệ y tế, tạo ra sản phẩm. “Bệnh viện tuyến Trung ương luôn quá tải, mỗi ngày bác sỹ phải khám từ 60-100 bệnh nhân. Người bệnh gặp bác sỹ 5-10 phút nhưng mất vài ngày để đi từ quê tới thành phố. Mất thời gian, mất tiền và người bệnh gặp cả những vấn đề tâm lý sức khỏe khi đi khám bệnh” - chị Thảo Nguyễn - nhà đồng sáng lập của Med247, nói. Med247 tin mô hình Online to Offline mà mình đang xây dựng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề của y tế Việt Nam bằng cách thúc đẩy và xây dựng thói quen cho người bệnh chuyển từ chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe dự phòng.

Giải pháp kết hợp gián tiếp và trực tiếp

Thành lập vào năm 2019 nhưng ý tưởng của Med247 đã nhanh chóng thuyết phục được các nhà đầu tư cũng như khách hàng. Hiện họ là một trong những startup có sức tăng trưởng mạnh: đạt mức tăng trưởng 500% trong 18 tháng qua với hơn 50 nghìn người dùng và trong ba tháng, trung bình mỗi người dùng có mức quay trở lại sử dụng các dịch vụ 2,47 lần. Vừa rồi, Med247 đã hoàn thành vòng gọi vốn series A trị giá 4,5 triệu USD.

Thành công bước đầu này khiến người ta lầm tưởng Med247 là sản phẩm của những người trong ngành. Trên thực tế, Med247 được thành lập bởi hai nhà sáng lập không phải người ngành y: Tuấn Trương là kỹ sư công nghệ thông tin còn Thảo Nguyễn làm trong lĩnh vực maketing. Họ quyết định bắt tay khởi động dự án này bởi những trải nghiệm về y tế của gia đình mình. “Khi con bị sốt, tôi bị bủa vây bởi hàng tá lời khuyên của gia đình, bạn bè. Tôi không biết đâu là liệu pháp phù hợp với con mình và tôi cần biết bao một bác sỹ chỉ để nói cho tôi biết phải làm thế nào giữa đêm khuya” - Thảo Nguyễn nói.

Trong khi đó, kinh nghiệm phát triển phần mềm cho một phòng khám giúp cho Tuấn Trương - Giám đốc điều hành của Med247 hiểu rằng, vấn đề của ngành y không phải vấn đề công nghệ mà do con người và quy trình. Quan sát thực tế về trải nghiệm khám chữa bệnh trong nước và nước ngoài, điều những nhà sáng lập của Med247 hướng tới không phải là một giải pháp công nghệ y tế quá “cao siêu” hay bất cứ điều gì quá đột phá mà chỉ tập trung vào việc mang lại một trải nghiệm thân thiện, tiện lợi cho người bệnh khi sử dụng dịch vụ của mình. Họ hiểu là ở Việt Nam, hầu như quá trình trao đổi, tương tác giữa bác sĩ với bệnh nhân bao giờ cũng là một chiều. Mặt khác, họ cũng nhận thấy, trong lĩnh vực sức khỏe sẽ khó có mô hình nào thay thế những tương tác truyền thống ở Việt Nam. Theo những người đồng sáng lập của Med247, khi đến gặp bác sỹ, bệnh nhân không chỉ cần được chữa bệnh lý mà còn cần được thấu hiểu cả về tâm lý. Bệnh nhân cần được lắng nghe, thấu hiểu, giải thích rõ ràng về các bệnh tật cũng như có quyền lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Nhu cầu này không ai nói ra nhưng xuất phát từ bên trong mỗi người. Việc được gặp một bác sỹ có chuyên môn tốt dễ dàng khiến bệnh nhân xóa bỏ tâm lý ngại khám thường xuyên, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị do việc sớm xử trí các triệu chứng ban đầu.

Đây là lý do khiến Med247 hướng tới mục tiêu hỗ trợ bác sỹ làm tốt nhất công việc của họ thông qua một mô hình Online to Offline –tức là kết hợp giữa tư vấn khám bệnh từ xa và phòng khám trực tiếp. Anh Tuấn Trương giải thích: “Mô hình này sẽ giải quyết câu chuyện quá tải ở bệnh viện. Khi có vấn đề về sức khỏe, người bệnh đặt lịch tư vấn trực tuyến với bác sỹ. Nếu cần thiết, bác sỹ chỉ định bệnh nhân tới phòng khám của Med247 để thực hiện các xét nghiệm hoặc chiếu chụp. Nếu có nhu cầu về thuốc men, bệnh nhân có thể đặt trực tiếp trên hệ thống. Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, bệnh nhân đặt lịch và thăm khám trực tuyến hoặc trực tiếp nếu có nhu cầu”.

Với hướng đi này, từ khi thành lập, cùng với việc xây dựng quy trình khám chữa bệnh chuẩn cho hệ thống và nền tảng kết nối bác sỹ trực tuyến, Med247 cũng xây dựng được ba phòng khám tại Hà Nội và Nam Định. Điều này đảm bảo được trải nghiệm đồng nhất và toàn diện giữa khám trực tiếp và tư vấn khám bệnh từ xa thông qua chuỗi phòng khám tiện lợi và ứng dụng Med247. Chị Thảo Nguyễn ví, Med247 sẽ giống như các cửa hàng tiện lợi Circle K, 7-Eleven,..., bệnh nhân có thể tìm thấy ở mọi nơi. Khi có vấn đề về sức khỏe, người bệnh tìm đến Med247 đầu tiên và được đáp ứng mọi nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là quá trình theo dõi chủ động và y tế dự phòng.

Đội ngũ nhà sáng lập và nhân viên y tế của Med247

Công nghệ hỗ trợ bác sỹ

Vào thời điểm nhận được vốn đầu tư mới, Med247 chia sẻ rất rõ về lộ trình sắp tới. Để hoàn thiện hệ sinh thái y tế, startup này cho biết sẽ mở rộng chuỗi phòng khám với mục tiêu hơn 70 phòng khám trong năm 2022. “Chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư, nghiên cứu các công nghệ mới tối ưu hóa trải nghiệm người dùng” – anh Tuấn Trương cho biết. Một trong các tính năng nổi bật đang được Med247 và một đối tác công nghệ y tế quốc tế ra mắt cho phép đo lường các chỉ số sức khỏe sinh tồn như SPO2, nhịp tim, nhịp thở, HRV và trạng thái cảm xúc bằng công nghệ cảm biến quang học từ xa (rPPG) cùng AI qua camera điện thoại của người bệnh. Việc này giúp bác sĩ có thêm cơ sở trong việc chẩn đoán, hỗ trợ việc ‘nhìn, sờ, gõ, nghe” từ xa và gỡ bỏ rào cản của khám bệnh từ xa.

Quan sát mô hình của các nước phát triển, những nhà sáng lập của Med247 vẫn tin rằng, mỗi gia đình Việt Nam đều cần có những bác sỹ riêng, nhưng với thu nhập hiện tại, người Việt không thể chi trả cho ước muốn ấy. Đây là lúc công nghệ thể hiện vai trò khi có thể hỗ trợ một bác sỹ có thể làm đảm nhận vai trò ‘bác sỹ gia đình” của nhiều gia đình.

Theo mô tả của anh Tuấn Trương, trên hệ thống của Med247, hồ sơ sức khỏe của người bệnh sẽ được lưu lại chi tiết. Bác sỹ dựa vào đó để hiểu người bệnh và có lời khuyên phù hợp. Nhờ có các thuật toán trí tuệ nhân tạo và học máy xử lý dữ liệu người bệnh, mỗi gia đình cảm giác như có một bác sỹ thật, luôn theo dõi, thấu hiểu và có phác đồ chăm sóc sức khỏe chủ động riêng. “Việc có được dữ liệu sức khỏe riêng tư như vậy khiến chúng tôi ngay từ đầu tự xây dựng một hệ thống kỹ sư phát triển riêng để đảm bảo sự chủ động và bảo mật” – anh Tuấn Trương nói.

Không chỉ vậy, Med247 cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với hãng công nghệ sinh học MirXES của Singapore để thành lập hệ thống phòng thí nghiệm phân tử tại Việt Nam. Sự hợp tác này cho phép mang công nghệ Med247 phát hiện microRNA sử dụng trong các xét nghiệm không xâm lấn phát hiện sớm ung thư sớm về Việt Nam trong tương lai gần. So với các công nghệ hiện có, công nghệ này cho kết quả chính xác, chi phí hợp lý hơn so với các xét nghiệm chẩn đoán khác.

Anh Tuấn Trương tin rằng, việc có được những công nghệ mới nhất sẽ giúp Med247 hoàn thiện hệ sinh thái về y tế số. “Với sự hỗ trợ của công nghệ,hy vọng rằng trong tương lai người Việt sẽ tìm tới Med247 không phải vì bệnh tật mà để có được lối sống khỏe mạnh hơn” – anh nói.