Mặc dù được phát triển nhằm cải thiện tính năng của công cụ thống kê Alexa, tuy nhiên nhiều chuyên gia lại bày tỏ quan ngại, rằng công nghệ nhận diện giọng nói do Amazon phát triển có thể sẽ bị lợi dụng để vi phạm các quyền tự do và sự riêng tư của người dân.
Trong tháng 10, Amazon đã đăng ký bằng sáng chế cho một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phân tích giọng nói người dùng và đưa ra những phỏng đoán, từ tình trạng sức khỏe cho tới quốc tịch – tính năng mà theo các chuyên gia, rất dễ bị các cơ quan chính phủ khai thác, như để phục vụ mục đích giám sát.
Chắc chắn Amazon sẽ được lợi rất nhiều từ công nghệ này, chẳng hạn Alexa có thể nghe thấy tiếng ho đứt quãng của người dùng và gợi ý họ mua thuốc đặc trị cảm cúm. Hay nếu cho rằng một ai đó đang nói tiếng Anh bằng chất giọng Trung Hoa, máy sẽ gợi ý họ mua các thiết bị phát chương trình truyền hình tiếng Trung theo thời gian thực. Mặc dù vậy, đó vẫn chưa phải là điều đáng ngại. Vấn đề thực sự có thể phát sinh ở đây, đó là khi chính phủ quyết định muốn truy cập tới các thông tin và dữ liệu cá nhân này. Qua trao đổi với Intercep, Jennifer Granick – luật sư chuyên về các vấn đề phát sinh trên không gian mạng mạng – cho biết, đây thực sự là những thông tin rất dễ bị lạm dụng. “Thử tưởng tượng, Cục Di trú và Hải quan có thể tới và yêu cầu Amazon cung cấp cho họ tất cả thông tin của những người nói giọng Tây Ban Nha … để phục vụ điều tra, xác nhận danh tính hoặc tìm kiếm bà con của một cá nhân bị tình nghi là cư trú bất hợp pháp nào đó”, cô nói.
Mặc dù chưa thể đảm bảo công nghệ này của Amazon sẽ thực sự hoạt động hiệu quả trong thực tế, và chính phủ cũng chưa cho thấy có bất cứ động thái quan tâm nào, tuy nhiên việc cân nhắc những hậu quả – tiềm năng ngoài ý muốn – của bất cứ công nghệ mới nào luôn là điều cần thiết, nhất là khi người nắm giữ chúng lại là một cái tên có tầm ảnh hưởng rộng khắp như Amazon.
Công Nhất (Theo Futurism)