Tại AI Day 2022 mới đây, các chuyên gia lý giải vì sao Việt Nam ngày càng trở thành mảnh đất hấp dẫn để tài năng AI tới làm việc và khởi nghiệp; đồng thời cũng chỉ ra những điểm cần được cải thiện.

TS. Bùi Hải Hưng (VinAI) nói về lý do anh và nhiều tài năng công nghệ đang lựa chọn quay về Việt Nam | Ảnh: VinAI
TS. Bùi Hải Hưng (bìa trái) nói về lý do nhiều tài năng công nghệ AI đang lựa chọn quay về Việt Nam | Ảnh: VinAI

Đầu năm ngoái, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, nhằm từng bước biến Việt Nam thành một trung tâm AI trong ASEAN và thế giới. Bằng cách này, Việt Nam đã ghi tên mình vào một trong số ít quốc gia theo đuổi công nghệ AI để phát triển kinh tế-xã hội.

Tại AI Day 2022, sự kiện trí tuệ nhân tạo lớn đầu tiên của năm do VinAI tổ chức vào cuối tháng 8, các chuyên gia trong lĩnh vực AI đã chia sẻ nhiều góc nhìn về việc vì sao họ tìm đến hoặc tìm về Việt Nam.

Khi được hỏi về giây phút quyết định đem tài năng từ nước ngoài về Việt Nam, TS. Bùi Hải Hưng, người từng làm việc tại Google DeepMind trước khi trở thành Tổng Giám đốc VinAI, nói rằng ông quan sát thấy các công ty công nghệ nội địa đã có những tiến bộ lớn: được hưởng nền tảng giáo dục tốt hơn, có đội ngũ với kiến thức công nghệ sâu hơn trước kia. Chỉ trong vòng 3-4 năm ngắn ngủi, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành AI. "Tất cả đã bắt đầu đi vào guồng", ông nói và đó là lúc nhà nghiên cứu kỳ cựu này cảm thấy muốn phát triển công nghệ tiên tiến ngay tại quê nhà.

Được biết, dưới sự dẫn dắt của TS. Bùi Hải Hưng, chỉ sau ba năm thành lập, VinAI đã trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong Top 20 công ty nghiên cứu AI hàng đầu thế giới năm 2022 do công ty đầu tư Thundermark Capital xếp hạng (dựa trên chất lượng các công bố khoa học), bên cạnh những tên tuổi lớn như NEC (Nhật Bản, thứ 19), Apple (Mỹ, thứ 13), SamSung (Hàn Quốc, thứ 10), Tencent (Trung Quốc, thứ 9) và các công ty Mỹ hàng đầu như Amazon, Facebook, Microsoft, Google (thứ 1).

Theo TS. Bùi Hải Hưng, sức mạnh công nghệ ở Việt Nam không hề kém cạnh so với thung lũng Silicon, nhưng có những khác biệt cốt lõi về văn hóa. Là người từng sống hơn 30 năm ở nước ngoài, ông mang trong mình những tư tưởng rất mở về cách làm việc. Điều này tương phản với thực tế là phần lớn đồng nghiệp Việt Nam thường trầm tĩnh và ít nói hơn. Theo ông, không phải bởi vì họ kém tài mà bởi vì phong cách của họ là làm việc trong im lặng và nỗ lực hoàn thành nó.

Nét văn hóa "khép mình" này có thể mang đến vấn đề, nhất là nếu đội ngũ không thể trao đổi cởi mở khi công việc đi chệch hướng hoặc nhân sự ngần ngại nói lên điều họ thực sự nghĩ. Bà Annie Lien (Phó giám đốc VinAI), tin rằng đội ngũ ở Việt Nam nên cải thiện về mặt giao tiếp, bởi đó là yếu tố hàng đầu để xây dựng sự tín nhiệm khi làm việc với khách hàng quốc tế. Ngoài ra, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử cũng vô cùng quan trọng trong môi trường làm việc toàn cầu.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, sở hữu rất nhiều nhân tài xuất sắc và mọi thứ đều có giá vô cùng phải chăng. Ở đây, các nhà sáng lập startup có thể xoay sở để làm được nhiều việc hơn với cùng một ngân sách. Ông Jeff Lonsdale, Giám đốc quản lý quỹ Asia Founders Fund, ca ngợi rằng những nhà sáng lập trong khu vực Đông Nam Á thường có mục tiêu và hoàn toàn tập trung vào mục tiêu ấy khi họ khởi nghiệp. Chiến lược đó có thể là chìa khóa thành công.

Thách thức là làm sao tuyển dụng được nhân lực đáp ứng chuyên môn, đồng thời thỏa mãn các đòi hỏi về kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ không biên giới.

Hiện nay ở Việt Nam, không chỉ các công ty startup mà cả các tập đoàn lớn và khu vực nhà nước đều đang tính đến chuyện sử dụng AI. Mặc dù là một công nghệ mới, khó và đắt đỏ, dường như AI đã len lỏi trong tất cả các lĩnh vực - từ giáo dục, tài chính, y tế,bất động sản, thời trang, thương mại điện tử, đến giao thông vận tải. Nhu cầu trong nước cộng với nhu cầu quốc tế mở ra một loạt cơ hội cho ngành này phát triển.

TS. Bùi Hải Hưng tin rằng trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ thu hẹp dần khoảng cách với Ấn Độ, trở thành trung tâm gia công công nghệ lớn thứ hai bên ngoài nước Mỹ. Trong khi đó, nhà đầu tư Jeff Lonsdale còn lạc quan hơn - ông tin rằng Việt Nam sẽ bật lên trở thành thị trường startup công nghệ năng động, thậm chí vượt qua các đối thủ như Indonesia và Ấn Độ.