Cạnh tranh là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nguyên tắc cốt lõi này trên thực tế vẫn thường bị vi phạm do tham vọng thống trị của chính các nhà tư bản.

ChatGPT khiến ban lãnh đạo Google hốt hoảng.
ChatGPT khiến ban lãnh đạo Google hốt hoảng.

Thế giới công nghệ chưa bao giờ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt như hôm nay. Những sáng tạo mang tính đột phá về bản chất thường gây ra ít nhiều xáo trộn hay đứt gãy đột ngột, nhất là đối với các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh hiện có. Trí tuệ nhân tạo (AI), được xem là một cuộc cách mạng, có thể sẽ khiến ngay cả những tay chơi hùng mạnh nhất cũng trở nên lỗi thời nếu không bắt kịp xu thế. Trước đây, chẳng ai nghi ngờ sức mạnh của Google Search, nhưng dịch vụ này giờ đang bị ChatGPT đe dọa. Hay Facebook và Twitter cũng đang chứng kiến TikTok làm mưa làm gió.

Lịch sử kinh doanh thường ghi nhận nhiều kinh nghiệm thất bại hơn là câu chuyện thành công bền vững. Kodak đã “chết” vì không chịu thích ứng với xu hướng nhiếp ảnh kỹ thuật số. Các doanh nghiệp lâu đời nhất thế giới thường là những công ty tìm được chỗ đứng riêng trên các thị trường ngách (niche market) và không chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi trào lưu1. Trừ khi chiếm lĩnh được một vị trí đặc biệt như vậy – giống một nhà sản xuất rượu sake của Nhật Bản hay rượu Tuscan của Ý, còn không bạn sẽ chẳng thể an toàn.

Đứng trước những nguy cơ đe dọa sự sống còn, các công ty lớn nhìn chung thường lựa chọn hai hướng tiếp cận.

Thứ nhất là tìm cách ngăn chặn hoặc làm trì hoãn làn sóng đổi mới kế tiếp bằng những tuyên bố kiểu như nó sẽ gây nguy hiểm hay bất ổn. Như hồi đầu thế kỷ 20, các đại gia đường sắt lớn đã lobby mạnh mẽ để chống đề xuất xây dựng những hệ thống cao tốc mới của các nhà sản xuất ô-tô. Chiến lược này hiện đang được áp dụng y chang với mức độ nghiêm trọng thậm chí còn bị phóng đại lên gấp nhiều lần. Một vài nhân vật nổi bật của giới công nghệ đã đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không có những quy định quản lý nghiêm ngặt, AI có thể đặt dấu chấm hết cho nền văn minh của nhân loại. Đó cũng là thông điệp trong một bức thư được ký bởi các nhà nghiên cứu hàng đầu và biểu tượng công nghệ như Elon Musk, kêu gọi tạm ngừng phát triển những thế hệ AI kế tiếp. (Trong khi đó, Musk đang đầu tư cho một startup AI mới để cạnh tranh với OpenAI). Theo lối diễn ngôn này, sự tiến hóa của các siêu hệ thống AI – theo hướng ngày càng mạnh mẽ và khó nắm bắt – một ngày nào đó có thể quay lại nô dịch hóa con người. Nhiều triết gia và cây viết khoa học viễn tưởng từ lâu đã đưa ra những dự phóng về tình huống như vậy. Nếu bạn đặt cho AI câu hỏi: Làm thế nào để bảo vệ môi trường?, có thể nó sẽ đưa ra giải pháp là hãy loại bỏ loài người – nguồn gốc của mọi vấn đề. Một lời cảnh báo nữa là các hệ thống AI sẽ chỉ biết thực hiện nhiệm vụ được giao của chúng, tới mức cực đoan và không thể ngăn cản được như trong bản ballad The Sorcerer’s Apprentice (Phù thủy tập sự)2 của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe. Lập luận kiểu này đơn giản chỉ là sự phản ánh tâm trạng lo lắng chung trước những đổi thay nhanh chóng của bất cứ thời đại nào. Chẳng hạn, các phong trào đập phá máy móc hồi đầu thế kỷ 19 ở Anh (nhóm Luddite)3 đã thu hút được không ít người tham gia bởi tính chất lãng mạn nhất định của chúng,…

Một trong những nền tảng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất thế giới.
Một trong những nền tảng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất thế giới.

Lựa chọn thứ hai của giới tinh hoa công nghệ là tìm kiếm sự bảo vệ từ chính quyền bằng cách gợi lên những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc kinh tế. Như Phó chủ tịch Microsoft – Brad Smith – đã nhiều lần phát biểu rằng việc huấn luyện các hệ thống AI sẽ cần đến những nguồn lực khổng lồ mà chỉ một số ít tổ chức và quốc gia, như Trung Quốc, mới có khả năng đáp ứng; nước Mỹ vì thế phải nỗ lực để không bị vượt mặt,…

Cả hai chiến lược trên đều xoay quanh việc dựng lên những câu truyện nhằm tranh thủ sự hỗ trợ chính trị cho mục đích cạnh tranh thị trường. Các công ty lớn luôn bị đe dọa khi tham gia vào những cuộc chiến với kết quả rất khó dự báo, vì thế họ phải tìm kiếm sự bảo vệ bằng cách vận động nhằm gia tăng thêm gánh nặng cho các đối thủ cũ và dựng lên rào cản ngăn chặn những đối thủ mới, hoặc chí ít cũng là để duy trì nguyên trạng (status quo). Chúng ta cần lưu ý xu hướng tự nhiên này, nhất là trong bối cảnh các biến cố bất định (uncertainty) như đại dịch, căng thẳng địa chính trị,… thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy sự đổi mới công nghệ, qua đó mang đến không ít xáo trộn và tạo ra cả kẻ thắng lẫn người thua mới.
-------------

(*) Bài viết tổng hợp từ nhận định của tác giả Harold James, giáo sư lịch sử và quốc tế vụ tại Đại học Princeton, tác giả cuốn The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle (Sự sáng tạo và hủy diệt giá trị: Chu kỳ toàn cầu hóa) và The War of Words (Cuộc chiến ngôn từ), ...

Chú thích:
1. Phần lớn các công ty tồn tại lâu nhất thế giới, lên tới hàng trăm hoặc cả ngàn năm tuổi, đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ uống (rượu), thực phẩm,… Nhật Bản là nơi có nhiều doanh nghiệp như vậy nhất. Công ty Kongō Gumi chuyên xây chùa và đền thờ ở Nhật được thành lập từ năm 587, hiện vẫn đang tồn tại và hoạt động.
2. Bài thơ được viết năm 1797, kể về một anh chàng phù thủy tập sự – bị bỏ mặc với những dụng cụ ma thuật của ông thầy già. Anh ra lệnh cho một cây chổi phép cũ chuẩn bị nước tắm nhưng quên bẵng câu thần chú để dừng nó lại, và hệ quả của sự đãng trí này là một trận lụt khủng khiếp.
3. Lo ngại bị máy móc lấy mất công việc, những công nhân ngành dệt ở Anh đã tổ chức đình công và đập phá máy móc. Phong trào bắt đầu ở Nottingham rồi lan ra nhiều nơi khác trong khoảng thời gian từ 1811 đến 1816, sau bị dập tắt bởi nhiều biện pháp cứng rắn, bao gồm cả bắt giữ và tử hình các lãnh đạo công nhân.