PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp và các cộng sự ở Trường Đại học Quốc tế TPHCM đã xây dựng quy trình chế tạo băng gạc kháng khuẩn, hỗ trợ lành nhanh vết thương, có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Hiện nay, có rất nhiều các sản phẩm băng gạc dùng để điều trị các vết thương da từ vật liệu tự nhiên hoặc tổng hợp, có tính phân hủy sinh học hoặc không.
Tuy nhiên, các loại băng gạc hỗ trợ tích cực quá trình lành thương và kháng vi sinh vật vẫn chưa phổ biến trong sản xuất công nghiệp ở Việt Nam và hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện tại, các loại băng gạc sản xuất trong nước chủ yếu sử dụng kỹ thuật sợi không dệt, hạn chế trong việc kết hợp với các hoạt chất kháng khuẩn và thành phần giúp hỗ trợ lành thương, do đó chỉ được sử dụng với mục đích chính là cách ly vật lý vết thương với môi trường bên ngoài. Những sản phẩm này kém hiệu quả trong việc phòng chống với các tác nhân gây bệnh bên ngoài như vi khuẩn hoặc nấm.
Trong đề tài "Nghiên cứu quy trình sản xuất vật liệu kháng khuẩn dạng màng ứng dụng chế tạo băng gạc ở quy mô pilot", PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cùng các cộng sự ở Trường Đại học Quốc tế TPHCM đã thực hiện đã chế tạo dung dịch polycaprolactone PCL (một polyester phân hủy sinh học) chứa nano Ag, màng phun Oligomer Chitosan (một loại chất hữu cơ sinh học có hoạt tính cao, được tách chiết từ vỏ tôm, cua và một số loài rong biển). Từ những nguồn nguyên liệu này, nhóm sản xuất sản phẩm băng gạc gồm 2 lớp: lớp màng ngoài PCL - Ag (chứa các hạt nano bạc), có tác dụng chống nước, kháng khuẩn; và lớp phủ trongoligomer chitosan (PLC - Ag - Cs) có khả năng thấm nước, kháng khuẩn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, trong các loại vật liệu đã được sử dụng chế tạo màng, thì PCL được chú trọng, nhờ vào tính chất cơ lý tốt, tính tương hợp sinh học cao. Ngoài ra, màng PCL làm từ phương pháp electrospinning rất khó biến dạng trong điều kiện nhiệt độ cơ thể, nhiệt độ phòng, dễ thêm vào các chất khác, nhằm tăng tính kháng khuẩn, nhanh lành vết thương.
Nhờ được bổ sung lớp phủ oligomer chitosan, sản phẩm băng gạc do nhóm chế tạo không chỉ có công dụng kháng khuẩn, mà còn có tác dụng giữ vết thương thông thoáng và hút dịch dư của vết thương, giúp quá trình làm lành vết thương hiệu quả hơn.
Thử nghiệm trên thỏ, sau 30 ngày, vết thương đắp băng gạc PCL-Ag-Cs cho kết quả lành thương tương đương với băng gạc thương mại Betaplast Silvercủa Hàn Quốc và tốt hơn đắp gạc cotton thông thường. Ngoài ra, sản phẩm cũng có thể dùng cho vết thương bỏng.
Băng gạc 2 lớp do nhóm sản xuất đạt đủ các tiêu chí đề ra cho một băng gạc y tế, như độ dày lớp phủ oligomer chitosan đạt 0,106 ± 0,002mm và độ dày màng đạt 0,216 ± 0,012 mm. Hình thái sợi có kích thước sợi ổn định, không tạo hạt, các nano bạc phân bố đều trên bề mặt màng và cấu trúc sợi. Giá trị độ bền kéo đứt 4,2 ± 0,1 MPa, tốc độ thoát hơi nước đạt 2380g/m2/24 giờ.
Sản phẩm cũng được các cơ quan như Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Công ty Cổ phần Việt Nam FOOD, Viện Y tế công cộng TPHCM kiểm nghiệm, đánh giá, xác nhận đạt các tiêu chuẩn về khả năng kháng khuẩn theo quy định trong nước và quốc tế. Giá của loại băng gạc này ước tính thấp hơn khoảng 30 lần so với băng gạc Betaplast Silver .
Có thể ứng dụng quy trình sản xuất vật liệu kháng khuẩn dạng màng quy mô pilot của nhóm để chế tạo nhiều loại băng gạc khác nhau ở quy mô công nghiệp, với các vật liệu có tính tương hợp sinh học cao, an toàn với môi trường do PCL phân hủy nhanh.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt. Nhóm đã làm chủ quy trình công nghệ và các thông số kỹ thuật chế tạo vật liệu kháng khuẩn, có thể chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất sản phẩm y tế, y sinh.
.