Tỷ lệ lãng phí tới 30%
Tờ Devex cho hay, theo thống kê chính thức, giá trị thực phẩm trên toàn thế giới bị mất hoặc lãng phí mỗi năm trong quá trình sản xuất là khoảng 30% tổng giá trị - tương đương 1 nghìn tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi 1% tổn thất sau thu hoạch được giảm xuống sẽ mang lại 40 triệu USD lợi nhuận đầu ra và nông dân là người hưởng lợi chính.
Để biết tổn thất này xảy ra như thế nào, hãy nhìn vào chuỗi cung ứng. Tổn thất xảy ra trong tất cả các khâu từ thu hoạch đến chế biến, phân phối và tiêu thụ. Hư hỏng, đổ bỏ, thối rữa..., tất cả làm suy giảm số lượng thực phẩm tiêu thụ cuối cùng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của WB, các công đoạn sấy khô và bảo quản thực phẩm sau thu hoạch là nguyên nhân gây tổn thất chính.
Nhiều công ty, tổ chức và các nhà nghiên cứu đã nhận ra điều này từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp căn cơ để giải quyết triệt để. Nhiều người thừa nhận tổn thất sau thu hoạch hiện vẫn là một câu đố khó giải quyết.
Thiết bị sấy đa năng sử dụng năng lượng mặt trời tại Philippines. Ảnh: Philmech
Vì sao vấn đề này lại khó khăn đến vậy? Jordan Dey - Phó Chủ tịch về an ninh lương thực của GrainPro, một doanh nghiệp xã hội cung cấp giải pháp lưu trữ cho các nông hộ nhỏ - cho biết: “Sấy khô để bảo quản nông sản vẫn hoàn toàn là thị trường bị bỏ ngỏ. Không có nhiều cách thức được áp dụng ngoài việc phơi và sử dụng máy sấy”.
Những thách thức đối với khoa học
Các phương pháp sấy mà Jordan Dey đề cập là cách xử lý thông dụng sản phẩm nông nghiệp. Cả cách phơi nắng trước đây và dùng máy sấy hiện nay đều có điểm yếu. Chẳng hạn, hầu hết các loại ngô cần được xử lý để đạt hàm lượng ẩm thấp nhằm dễ tách hạt và bảo quản. Tuy nhiên, trong quá trình phơi nắng, chúng dễ bị tổn thương bởi gió, mưa, động vật, chưa kể vấn đề trộm cắp. Trong khi đó, máy sấy ngô lại quá đắt so với đa số nông dân.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhiều giải pháp tiên tiến đã được đưa ra, nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và cho thấy tính hiệu quả để có thể áp dụng ở quy mô lớn, giá thành lại quá cao. Tờ Devex đã khảo sát nhiều công ty dịch vụ nông nghiệp và phát hiện một số nguyên nhân chính. Đầu tiên là do quy mô rộng lớn và sự phân mảnh của thị trường các nông hộ nhỏ khiến việc thâm nhập trở nên khó khăn. Các công ty nhỏ gặp khó khi tiếp cập mạng lưới hàng ngàn nông trại do chi phí tăng cao, trong khi các công ty lớn lại gặp hàng loạt thách thức về hậu cần.
“Đây là một vấn đề rất nan giải. Sẽ rất tốn kém để tiếp cận họ. Việc này đòi hỏi phải đầu tư lớn cho đào tạo và phải có mạng lưới phân phối tuyệt vời. Rất ít công ty dịch vụ nông nghiệp lớn làm được như vậy” - Jordan Dey nói.
Trong chuỗi cung ứng của các công ty có các nhà phân phối địa phương, vốn không hiểu cách sử dụng thiết bị bảo quản nên không thể giới thiệu, hướng dẫn, chào mời nông dân - khách hàng tiềm năng của mình. Các công ty phải thực hiện nhiều hoạt động và đào tạo với các tổ chức đối tác để các nhà phân phối hiểu về công nghệ sản phẩm. “Nhiều khi việc phân phối, giáo dục và đào tạo rất khó khăn. Đó là lý do rất nhiều công ty công nghệ làm việc trong lĩnh vực này thất bại” - ông Dey cho biết.
Vấn đề tắc nghẽn giao thông cũng khiến chi phí tăng cao. Giá vận chuyển các túi lưu trữ chống vi khuẩn từ nhà máy của GrainPro tại Philippines đến kho lưu trữ tại Nairobi không đáng kể so với phí vận chuyển nó từ Nairobi đến một trang trại ở nông thôn Kenya (có quãng đường gần hơn rất nhiều).
Những lý do trên khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Chẳng hạn máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời của GrainPro - một thiết bị nhà kính thu nhỏ để bẫy nhiệt và sấy qua các lỗ thông bằng năng lượng mặt trời - có giá 1.500USD/chiếc, vượt quá khả năng chi trả của đa số nông dân. Túi lưu chống vi khuẩn của hãng Vestergaard có giá 80 cent ở châu Phi - nơi nông dân có thu nhập trung bình dưới 2USD/ngày.
Các nhà nghiên cứu còn cho biết, việc không thể xử lý các loại nông sản khác nhau theo cùng một phương thức càng khiến vấn đề tổn thất sau thu hoạch trở nên trầm trọng hơn. Tình hình đó khiến nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi tìm kiếm giải pháp cải tiến, đổi mới cách thức bảo quản, trước mắt là đối với các lương thực chính của thế giới như gạo, ngũ cốc, lúa mì và ngô.