Theo đó, mực ống sau khi đánh bắt, phân loại xử lý sơ bộ, rửa, xếp khay sẽ được tiến hành ngâm hạ nhiệt. Với 100kg mực, cần 50 lít nước biển (pha thêm 0,5kg muối để đạt độ mặn 4,5%) và 50kg đá xay để trong thời gian 2-3 phút cho nhiệt độ của dung dịch ở ngưỡng bão hòa, nhiệt độ hạ xuống còn 0 độ đến -1 độ C.
Tiếp đó, mực sẽ được ngâm phụ gia. Với 100kg mực cần 10gr hỗn hợp phụ gia và 25 lít nước biển (pha thêm 0,25kg muối để đạt độ mặn 4,5%) và 25kg đá xay để trong thời gian 2-3 phút cho nhiệt độ dung dịch ở ngưỡng bão hòa, nhiệt độ hạ xuống 0 độ đến -1 độ C. Sau 2 công đoạn này, mục được chuyển đến bảo quản trong hầm PU.
Với cách bảo quản này, khối lượng và chất lượng mực ống có sự chênh lệch rõ rệt sau 25 ngày bảo quản. Đối với các mẫu bảo quản bằng ngâm hạ nhiệt, ngâm phụ gia kết hợp với bảo quản trong hầm PU thì sự hao hụt về khối lượng khoảng 4% (mỗi đối chứng hao hụt 8,3%).
Bên cạnh đó, mực ống vẫn giữ được trạng thái, màu sắc và mùi gần như ban đầu trong khi mẫu đối chứng giảm mạnh về chất lượng, đặc biệt là 2 chỉ tiêu Naa (nito axit amin) và cảm quan giảm tới 50%.
Công nghệ ngâm hạ nhiệt và ngâm phụ gia là hai công nghệ mới, phù hợp với các điều kiện khai thác của ngư dân hiện nay, giúp sản phẩm bảo toàn giá trị dinh dưỡng khi về đến bờ, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm và thu nhập cho ngư dân.