Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, đến tháng 6/2015, Việt Nam có khoảng 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ. Khảo sát trước đây cho thấy, với cách quản lý truyền thống, các cửa hàng đang thất thoát 7-12% doanh thu.
Các giải pháp công nghệ số đang khắc phục tình trạng này. Trên thị trường hiện có hàng chục công ty cung cấp giải pháp quản lý bán hàng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như Citigo, Suno, Ecount, Sapo, Nhanh, Máy bán hàng… và với phân khúc khách hàng này, các công ty công nghệ Việt Nam đang thắng thế.
Theo bà Vũ Nguyễn Thùy Vân - Công ty Citigo, có 3 yếu tố quyết định thành bại một phần mềm quản lý bán hàng: Dễ dùng, hợp với từng ngành hàng và chi phí cạnh tranh. Đây chính là ưu thế của các công nghệ made in Vietnam - nhất là về giá và độ tiện dụng. Các công ty Việt am hiểu nhu cầu, đặc điểm của người kinh doanh nhỏ - đa số không thạo công nghệ , vốn chỉ quen dùng sổ sách hoặc phần mềm đơn giản, nên đã tạo ra những ứng dụng đơn giản, dễ dùng nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc kinh doanh của GetFly, công ty cung cấp các giải pháp quản trị kinh doanh - cho rằng so với thế giới, công nghệ quản lý bán hàng của Việt Nam không hề thua kém nếu chỉ xét phân khúc dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chẳng hạn, với phần mềm CRM (quản lý quan hệ khách hàng), các công ty Việt có lợi thế về hệ thống tư vấn, triển khai, hệ ngôn ngữ... Các sản phẩm CRM hiện nay không chỉ quản lý hàng hóa xuất nhập mà còn có thể phân tích nhu cầu, thị hiếu của khách, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh những mặt hàng tiêu thụ tốt và có chiến lược marketing hướng đúng đối tượng, tiết kiệm tối đa chi phí quảng cáo. Hệ thống này cũng giúp theo dõi, đánh giá sát sao hiệu quả công việc của từng nhân viên.
Hầu hết các giải pháp quản lý bán lẻ hiện sử dụng nền tảng điện toán đám mây, không cần cài đặt vào thiết bị nên người dùng có thể truy cập dữ liệu mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị. Họ cũng không sợ “lỡ tay” làm mất dữ liệu vì tất cả đã được lưu trữ trên Internet.
Phú Sỹ - Hiền Thảo